Thua Thái Lan, Indonesia, ô tô thuần Việt mơ xuất khẩu khắp Asean

    Lương Bằng, Theo Vietnamnet 

    Giấc mơ ô tô thương hiệu Việt tưởng đã tắt ngấm khi năm 2018, thuế ô tô trong ASEAN từ 30% còn 0%. Nhưng giấc mơ ấy đang hồi sinh. Quyết tâm làm ô tô bằng được là không phải bàn cãi, nhưng theo đó, cũng cần lưu ý đặc biệt về chính sách hỗ trợ. Bởi theo các chuyên gia và DN lớn, không thể chỉ trông chờ vào các tập đoàn ngoại để phát triển công nghiệp ô tô trong nước, ô tô thương hiệu Việt của DN Việt nếu làm tốt sẽ xuất khẩu khắp Đông Nam Á.

    Công nghiệp ô tô thua Thái Lan, Indonesia

    Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) tại hội thảo Công nghiệp ô tô và cơ hội phát triển mạng lưới sản xuất tại Việt Nam ngày 12/10 cho thấy: Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã phát triển khá nhanh trong 2 năm trở lại đây.

    Năm 2016, sản lượng ô tô Việt đạt trên 2.000 xe/năm, tăng 38% so với năm 2015 và 109% so với năm 2014. Một số loại sản phẩm đã xuất sang thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Mỹ. Đã có sự tham gia tích cực và rộng rãi của các DN thuộc các thành phần kinh tế, như Trường Hải, TMT, Toyota, Honda, Mitsubishi,...

    Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự khi phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản.

    Thua Thái Lan, Indonesia, ô tô thuần Việt mơ xuất khẩu khắp Asean - Ảnh 1.

    Giá ô tô vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóa đặt ra cho năm 2005 là 40% và 2010 là 60%. Song, thực tế đã không đạt được. Đến nay tỷ lệ nội địa hóa mới đạt bình quân khoảng 7-10%/năm, trong đó Thaco đạt 15-18%, Toyota Việt Nam đạt 37% đối với riêng dòng xe Innova.

    Một trong các nguyên nhân được Bộ Công Thương chỉ ra là quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ (thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/10 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan và ¼ của Indonesia), trong khi ngành công nghiệp ô tô muốn phát triển cần dựa vào lợi thế quy mô.

    Hướng đến sản xuất ô tô "made in Vietnam", ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc ngành ô tô, giám sát dự án VinFast (Tập đoàn Vingroup), khẳng định mục tiêu: "đóng góp vào nền công nghiệp phụ trợ của Việt Nam và đạt tỷ lệ nội địa hóa 60% (trước mắt dự kiến đạt 40%) thông qua việc liên kết với các nhà sản xuất linh kiện trong nước”.

    Chính vì thế, nhiều chuyên gia vẫn có niềm tin lạc quan rằng, nếu có được ô tô chất lượng tốt, mẫu mã đẹp thì không chỉ thu hút được người Việt mà còn cả khu vực Đông Nam Á.

    Ông Đào Phan Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI), cho rằng muốn phát triển công nghiệp ô tô mà chờ DN có vốn đầu tư nước ngoài hỗ trợ thì “ta không có ô tô đâu”.

    Dù cho rằng những DN ô tô Việt Nam làm xe buýt, xe tải thì khả dĩ hơn, song ông Đào Phan Long cũng cho rằng việc có ô tô thương hiệu Việt, công nghệ châu Âu “là rất quý”.

    Ông Đào Phan Long chia sẻ: Việt Nam có ô tô cần được xem là ý chí quốc gia, không chỉ là ý chí của riêng DN. Chúng tôi đã nói bao năm rồi. Ý chí quốc gia là phải biết bảo vệ thị trường, thị trường chính là tiền nên cần biết cách xây dựng thị trường và bảo vệ thị trường.

    Thua Thái Lan, Indonesia, ô tô thuần Việt mơ xuất khẩu khắp Asean - Ảnh 2.

    Ô tô thương hiệu Việt chất lượng tốt với giá cả hợp lý đang là mong mỏi của nhiều khách hàng (ảnh minh họa)

    Hỗ trợ ô tô trong nước có cản bước xe nhập?

    Ông Phạm Văn Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Ô tô Trường Hải, cho rằng Chính phủ cần có các chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp ô tô để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, chính sách cần ổn định và đồng bộ trong thời gian tối thiểu 10 năm.

    Ngoài ra, năm 2018 thuế nhập khẩu ô tô trong ASEAN từ 30% sẽ về 0%, nhưng điều kiện để DN nhập khẩu được hưởng thuế 0% là ô tô đó phải “đạt tối thiểu 40% nội địa hóa hàm lượng giá trị khu vực”.

    Do vậy, đại diện ô tô Trường Hải kiến nghị Chính phủ có biện pháp chống gian lận thương mại và kiểm tra chặt chẽ chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) trong việc xác định tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% với xe nhập từ ASEAN, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và công bằng cho tất cả DN.

    “Miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho tỷ lệ phần trăm linh kiện, phụ tùng được sản xuất trong nước, góp phần giảm giá xe ô tô xuất xưởng tại Việt Nam, gia tăng sản lượng cho người tiêu dùng trong nước”, ông Phạm Văn Tài đề nghị.

    Thực tế, trong các giải pháp phát triển công nghiệp ô tô trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương cũng đã tính đến các biện pháp kể trên.

    Trong đó, Bộ này đang nghiên cứu, áp dụng biện pháp tự vệ thương mại khi xe ô tô nhập khẩu gia tăng đột biến và ảnh hưởng đáng kể đến sản xuất trong nước.

    Liệu điều đó có hạn chế ô tô nhập không? Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhấn mạnh: Chúng ta đã gia nhập WTO và ký nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, cho nên tôi khẳng định chúng ta không có biện pháp nào hạn chế việc nhập khẩu ô tô. Nhưng quan trọng nhất phải đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời có biện pháp bảo vệ, phát triển công nghiệp trong nước. Đó là điều nước nào cũng làm cả.

    Nói về định hướng hỗ trợ DN ô tô trong nước, lãnh đạo Bộ Công Thương cho hay: "Hỗ trợ cho tất cả hay ưu tiên hỗ trợ ai trước? Chúng tôi ưu tiên ưu tiên hỗ trợ DN lớn trước để tạo ra ra dung lượng thị trường đủ lớn. Phải có dung lượng lớn mới kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp hỗ trợ. DN lớn phát triển kéo theo DN nhỏ và vừa đi theo.

    “Chúng tôi quan điểm rõ là sắp tới ưu tiên kêu gọi các tập đoàn đa quốc gia sản xuất ô tô tại Việt Nam mà chưa có cơ sở sản xuất, lắp ráp ô tô trong khu vực như Huyndai vừa thành lập liên doanh với Thành Công,...” - ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ thêm.

    Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý phải cải thiện hạ tầng giao thông, vì nếu cứ nói sản xuất lắp ráp mà hạ tầng giao thông không đáp ứng được thì rất khó phát triển.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ