Trong tự nhiên, các loài động vật dù là kẻ săn mồi hay con mồi cũng đều có những kỹ năng nhất định để sinh tồn, có những loài được sinh ra với tốc độ, có những loài được sinh ra với sức mạnh…Tuy nhiên, một kỹ năng sinh tồn được tìm thấy nhiều nhất trong thiên nhiên là khả năng ngụy trang. Rất nhiều loài động vật trong tự nhiên đã phát triển kỹ năng ngụy trang đến mức hoàn hảo, những loài động vật khác khó mà có thể phát hiện ra chúng trong môi trường sống.
Loài người cũng đã cố gắng học hỏi kỹ năng ngụy trang từ những loài động vật. Con người từ lâu đã không còn sống cuộc sống săn bắn, hái lượm, do đó, khác với các loài động vật, chúng ta không ngụy trang cho mục đích kiếm mồi hay tránh né các loài động vật ăn thịt. Ngày nay, con người thường sử dụng nghệ thuật ngụy trang như một thói tiêu khiển, những người ngụy trang luôn cố gắng biến bản thân thành kẻ vô hình hoặc những bức tượng đối với những người xung quanh. Tuy nhiên, mục đích chủ yếu cho việc ngụy trang của con người không phải là trò vui, hầu hết chúng ta ngụy trang nhằm mục đích phục vụ chiến tranh.
Thuật ngụy trang đã phát triển từ cách đây rất lâu, chúng ta thường biết đến hình ảnh các thích khách, sát thủ mặc bộ đồ đen lẩn khuất trong bóng tối, những cung thủ nấp dưới tán cây chờ đợi đối thủ rơi vào tầm ngắm. Thuật ngụy trang của con người phát triển mạnh trong khoảng hơn 100 năm đổ lại đây, trong thời kỳ của súng đạn. Những người lính dùng nhiều phương pháp khác nhau khiến cho đối phương khó có thể nhận ra họ, sau đó kết thúc đối phương với số đạn tiêu tốn ít nhất, tổn thất phải chịu cũng được giảm thiểu đi rất nhiều.
Có lẽ chúng ta cũng cần tự hào nói rằng dân tộc nổi tiếng với lối đánh du kích như Việt Nam chắc chắn cũng là những bậc thầy trong việc ngụy trang, ẩn nấp. Chúng ta không chỉ ngụy trang cho bản thân, chúng ta còn ngụy trang cho các công sự, thiết bị, phương tiện…
Mặc dù các nhà khoa học đang phát triển các loại thiết bị tàng hình thực sự nhưng có lẽ chúng ta phải chờ thời gian dài nữa những kỹ thuật ấy mới thực sự trở thành hiện thực. Ngày nay, chúng ta đành phải tạm bằng lòng với những kỹ thuật ngụy trang cơ bản đã tồn tại rất lâu trong lịch sử loài người.
1. Ngụy trang
Những điều cơ bản nhất đối với thuật ngụy trang có thể nhìn thấy dễ dàng qua quần áo của lính đặc công và bộ đội. Hoặc trong những bộ phim của Hollywood, chúng ta có thể thấy những kiểu ngụy trang với bùn hoặc màu bôi ngụy trang. Có 2 yếu tố làm nên nghệ thuật ngụy trang là màu sắc và hình mẫu.
Những nguyên liệu như màu ngụy trang hay quần áo ngụy trang phải có màu sắc giống với màu sắc của không gian xung quanh. Màu sắc quần áo ngụy trang trong rừng là màu xanh lá cây và nâu để trùng với màu của lá cây hoặc bùn đất. Màu sắc ngụy trang trong khu vực sa mạc là màu vàng nâu nhạt. Còn ở khu vực băng giá, có tuyết phủ, màu sắc của quần áo được sử dụng trên quần áo là màu trắng và xám. Ngoài quần áo trên người, như đã nói ở trên, những người lính còn sử dụng màu bôi ngụy trang để bôi lên mặt. Ở quốc gia nổi tiếng về việc chăm sóc sắc đẹp như Hàn Quốc, màu bôi ngụy trang của quân đội cũng là sản phẩm từ các hãng mỹ phẩm nổi tiếng.
Có bao giờ bạn tự hỏi lý do hầu hết các bộ quần áo ngụy trang lại phải chứa nhiều dải màu khác nhau? Lý do của việc này là để phá vỡ khả năng quan sát của đối phương. Với nhiều dải màu trên người, đối phương sẽ dễ dàng nhầm lẫn giữa trang phục của những người lính và môi trường xung quanh hơn. Một lý do nữa chính là để che dấu các đường nét của cơ thể, khiến cho các đường nét này lẫn với các dải màu trên trang phục. Khi mắt người nhìn vào những dải màu này, não bộ của chúng ta sẽ tự kết nối những phần, những đường nét của cơ thể và dải màu quần áo với môi trường xung quanh. Hiệu ứng này khiến chúng ta khó lòng nhận biết được vật thể dưới lớp ngụy trang.
Não bộ của con người khi nhận biết một vật thể sẽ chia nhỏ các phần của vật thể ấy để xem xét, đánh giá nó. Khi não bộ nhận biết một dải màu nâu được gắn kết với các phần nhỏ có màu xanh lá, bạn sẽ nhận biết được một cái cây. Một các khác để nhận biết vật thể là qua sự liên tục. Nếu như có 12 khối xếp chồng lên nhau được sơn cùng màu, bạn sẽ nhận biết đó là một vật, tuy nhiên, nếu 12 khối đó có ít nhất 2 màu trở lên, bạn thường có xu hướng đánh giá nó là những vật riêng biệt. Con người khi ngụy trang nếu chỉ mặc bộ quần áo một màu duy nhất sẽ dễ dàng bị phát hiện.
Trong thời chiến của Việt Nam, bộ đội ta không đủ khả năng để trang bị các loại quần áo rằn ri để ngụy trang trong rừng. Thay vào đó, chúng ta phủ các loại lá cây, bôi bùn đất lên người để dễ dàng ẩn nấp. Phương pháp này ngoài việc làm những người bộ đội trông giống những cái cây cũng nhằm mục đích tạo ra các phần dải màu nhỏ để gây nhiễu tầm nhìn đối phương.
2. Cho những vật thể lớn
Từ chiến tranh Thế giới lần thứ I, các loại máy bay đã trở thành con mắt trên không của quân đội. Việc ngụy trang không còn là vấn đề chỉ dành cho những người lính, giờ đây mỗi phía của cuộc chiến còn phải lo ngụy trang, che dấu các thiết bị, phương tiện của mình khỏi con mắt dòm ngó từ bên ngoài. Cho đến chiến tranh Thế giới lần II, hầu hết những trang thiết bị của phía Mỹ đều có màu xanh, nâu để ngụy trang phù hợp với môi trường. Hầu hết lính quân đội của Mỹ đều được trang bị lưới ngụy trang và được huấn luyện về việc tìm những nguyên liệu ở xung quanh để che dấu phương tiện, thiết bị của họ. Cũng như đối với con người, những phương tiện vận chuyển của quân đội Việt Nam ta trong thời kỳ này cũng được ngụy trang chủ yếu bằng lá cây.
Việc che dấu, ngụy trang cho các tàu chiến gặp nhiều khó khăn hơn so với việc ngụy trang trên cạn. Từ chiến tranh thế giới lần thứ I, quân đội đã nhận ra không có cách nào để có thể ngụy trang tàu chiến khiến chúng chìm hẳn vào không gian xung quanh. Tuy nhiên, việc ngụy trang cho tàu chiến vẫn được thực hiện, mặc dù kết quả, phương pháp có khác so với việc ngụy trang trên cạn. Màu sắc ngụy trang ở các tàu chiến chủ yếu nhằm mục đích đánh lạc hướng đối phương, khiến đối phương khó phân biệt mũi tàu và đuôi tàu gây khó xác định hướng di chuyển. Khi không thể xác định hướng di chuyển của một chiếc tàu, rất khó để có thể nhắm bắn chính xác vào chiếc tàu đó. Phương pháp này được gọi là phương pháp ngụy trang gây lóa mắt, được phát triển từ năm 1917.
Một tàu chiến của Anh với kỹ thuật ngụy trang từng phục vụ trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II.
Ngoài ngụy trang, đối với các vật thể lớn, quân đội còn sử dụng phương pháp chim mồi để bảo vệ an toàn cho các cơ sở, thiết bị. Việc đánh lạc hướng bằng các thành phố, sân bay, thiết bị giả có thể khiến đối phương hao tổn thời gian, vũ khí mà không đạt được gì. Các thiết bị chim mồi ngày nay có thể được điều khiển, lèo lái theo ý muốn của người sử dụng để đạt hiệu quả tốt nhất.
3. Phương pháp hiện đại
Không như 100 năm trước đây, ngày nay, kỹ thuật ngụy trang và ẩn nấp phát triển cũng kéo theo sự phát triển của các kỹ thuật phát hiện sự ngụy trang. Những chiếc máy cảm ứng nhiệt, ảnh vệ tinh hay radar dò tìm có thể dễ dàng phát hiện ra các mục tiêu ngụy trang theo các phương pháp truyền thống. Tuy nhiên, những thiết bị, kỹ thuật dò tìm mới vẫn có thể bị che mắt bởi công nghệ ngụy trang kiểu mới.
Để tránh khỏi các máy dò nhiệt, thiết bị quân sự ngày nay hầu hết đều được chế tạo với các loại vật liệu hoặc kỹ thuật sao cho nhiệt lượng không tỏa ra ngoài. Các loại tàu ngầm, tàu chiến thường sử dụng hệ thống xả nhiệt, máy móc sẽ được làm nguội qua nước biển trước khi khí được thải ra ngoài, như vậy, những máy dò nhiệt sẽ không phát hiện được dấu vết. Các loại xe tăng cũng có hệ thống làm mát tương tự để tránh thoát nhiệt ra ngoài.
Đối với các loại máy dò điểm, những màn sương nhân tạo là thứ lá chắn hữu hiệu nhất. Những màn sương, khói được tạo ra khiến cho sóng ánh sáng không thể đâm xuyên qua được. Những vật thể ẩn sau tấm màn sương này sẽ trở nên vô hình với các máy dò điểm sáng. Mỹ đang phát triển các loại màn khói để qua mắt được các kỹ thuật nhìn trong đêm tối nhưng vẫn có thể cho phép các máy dò của họ hoạt động bình thường. Hãng đóng tàu của Anh, Vosper Thorneycroft phát triển hệ thống phun hơi nước để tạo thành một màn sương xung quanh tàu tránh sự dò xét của các máy dò sáng.
Một trong những con tàu của Voscher Thorneycroft.
Các loại máy radar có thể dễ dàng bị qua mặt bởi các tấm phản xạ sóng radar hoặc ngược lại, các tấm thu sóng radar. Cả 2 phương pháp ngụy trang bằng các tấm vật liệu thu hay phản lại sóng radar đều nhằm mục đích không cho sóng radar thu nhận tín hiệu về vật thể chúng ta muốn che dấu bằng cách làm sóng radar bị yếu đi khi gặp vật thể.
Như đã nói ở trên, các loại chim mồi ngày nay đã phát triển đến mức có thể được điều khiển theo ý muốn của người sử dụng qua lập trình sẵn hoặc qua các thiết bị điều khiển từ xa. Những mục tiêu giả này còn có máy móc, sản sinh ra nhiệt và nhiều dấu hiệu khác để thu hút sự chú ý của đối phương.
Những thiết bị hiện đại đang được quân đội nghiên cứu nhằm thay đổi bề ngoài của các thiết bị thông qua bộ cảm biến nối với máy tính, sẽ cho ra những thiết bị có màu sắc thay đổi liên tục phù hợp với môi trường xung quanh. Ngày nay, những tấm áo, thiết bị tàng hình được tạo ra nhờ đèn LED và camera mới đang trong quá trình phát triển bước đầu, có lẽ phải chờ một thời gian dài nữa những thiết bị này mới có mặt trong cuộc sống.
Tham khảo: HowStuffWorks