Thực hư về thiết bị xét nghiệm Covid-19 dùng nước súc miệng của CEO Nguyễn Tử Quảng: BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương nói gì?
Mới đây, CEO Nguyễn Tử Quảng nói rằng trong vài ngày tới sẽ có kết quả của thiết bị xét nghiệm Covid-19 dùng nước muối sinh lý, có thể thay đổi chiến lược phòng chống dịch trên thế giới.
Chỉ đang nghiên cứu phát triển, chưa có sản phẩm
Liên quan đến thông tin BKAV đang kết hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương về việc sử dụng thiết bị bị xét nghiệm Covid-19 thông qua việc dùng nước muối sinh lý đã cho kết quả tốt trên 90%, thực tế ra sao?
Một vị lãnh đạo của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cho hay, BKAV có xin phía bệnh viện cung cấp các thông số để thiết lập dữ liệu dành cho nghiên cứu này. Cho đến nay, chưa có thử nghiệm nào để đối chứng so sánh sản phẩm của họ đối với phương pháp xét nghiệm SARS-CoV-2 đang làm hiện nay.
"Tức là hiện nay sản phẩm của BKAV vẫn đang trong bước nghiên cứu phát triển, không phải là đã có sản phẩm và được kiểm nghiệm", vị này thông tin thêm.
Cũng theo thông tin từ vị lãnh đạo này, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương chỉ đang thực hiện đề tài do Bộ Y tế giao: So sánh kết quả xét nghiệm Covid-19 bằng PCR từ dịch ngoáy mũi và PCR ở nước bọt, để đưa ra giải pháp có thể dùng nước bọt làm PCR thay thế được hay không?
Bởi vì việc lấy dịch họng theo cách này có thể để người dân tự thực hiện tại nhà và không bị khó chịu như cách phải ngoáy mũi hiện nay.
PCR đang là xét nghiệm chính để tìm ra bệnh Covid-19.
"Đợt dịch lần thứ 4 số lượng ca bệnh rất lớn, khiến cho đội ngũ phải huy động tới hàng nghìn người làm công tác lấy mẫu xét nghiệm, rất vất vả. Nếu người dân tự lấy mẫu bằng dịch họng để xét nghiệm sẽ giảm bớt được gánh nặng cho ngành y tế.
Do virus SARS-CoV-2 có 4 protein cấu trúc chính: protein gai S, protein vỏ E, protein màng M, protein nucleocapsid N. Trong xét nghiệm PCR thường dựa vào các gen E, N1, N2", vị chuyên gia này nói.
Còn theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng I cho hay, xét nghiệm Covid-19 dùng nước muối sinh lý cần phải xem xét lại đã có nghiên cứu thử nghiệm và được kiểm chứng hay chưa và chất đưa vào để tìm ra virus là chất gì.
Trong bối cảnh như hiện nay bác sĩ Khanh nêu quan điểm: "Chúng ta không phải mất công nghiên cứu ra một sản phẩm mà chưa rõ hiệu quả sẽ như thế nào.
Vì thực tế trên thế giới đã có rất nhiều test nhanh Covid-19 rất hiệu quả và đơn giản.
Có những loại test nhanh ở Mỹ chỉ cần thử bằng nước bọt và cho kết quả sau 1 vài giây. Các test nhanh này người dân có thể tự mua và về dùng dễ dàng giống như que thử thai".
Liệu ý tưởng có thể trở thành thực tế?
Trước đó, BKAV đã thông tin rằng họ đang nghiên cứu thiết bị xét nghiệm Covid-19 qua nước muối sinh lý mà những người cần lấy mẫu xét nghiệm súc miệng, sau đó cho vào ống nghiệm, bấm nút và 10 giây sau sẽ có kết quả, bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI.
BKAV dùng một giải tần số ánh sáng, chiếu vào nước muối đã súc miệng của người tầm soát, sau đó thu bằng cảm biến ở đầu ra và đo được tần số nào được hấp thụ ở mức độ nhiều hay ít. Các tần số khác nhau sẽ chỉ ra được các loại bệnh khác nhau, trong trường hợp này là Covid-19.
Bằng mắt thường, chúng ta không thể nhận thấy sự khác biệt của các tần số đó. Ông Quảng tiết lộ BKAV sẽ huấn luyện trí tuệ nhân tạo để nhận biết được đâu là mẫu của bệnh nhân Covid-19 và đâu là mẫu của người không mắc bệnh.
Theo vị CEO này chia sẻ, BKAV đang làm với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Các kết quả ban đầu rất khả quan. Tỷ lệ nhận được ban đầu rất tốt, hiệu quả phát hiện được là trên 90%.
Ví dụ các khu công nghiệp, các công nhân buổi sáng ra chỉ cần súc miệng bằng nước muối và đưa vào trong máy là đã biết được ai là âm tính, ai là dương tính.
Ai có kết quả âm tính thì vào làm việc, còn ai dương tính thì ra khu cách ly. Các chiến dịch tầm soát có thể được thực hiện nhanh chóng và không tốn kém, bởi chỉ sử dụng nước muối mà không cần kit xét nghiệm hay sinh phẩm đắt đỏ và khan hiếm.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Những tiểu tiết bạn có thể đã bỏ qua trong trailer The Witcher 4