(GenK.vn) - Quân đội Trung Quốc vẫn dùng xe lửa để chở vũ khí trong các cuộc thao diễn dài ngày như thời Thế chiến I. Lực lượng tên lửa chiến lược vẫn phải dùng ngựa tuần tra...
Tạp chí Diplomat (Nhật Bản) vừa có bài viết nhận định rằng xét theo nhiều khía cạnh, thực chất quân đội Trung Quốc không mạnh như vẻ bề ngoài.
Tháng 04/2003, Hải quân Trung Quốc tập hợp một nhóm những sĩ quan, cùng thủy thủ tàu ngầm xuất sắc nhất của mình và đưa lên cùng một tàu ngầm diesel điện lớp Ming III. Mục đích của cuộc thử nghiệm này là để tìm hiểu hiệu quả đạt được khi những cá nhân ưu tú nhất cùng làm việc với nhau. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau khi rời cảng, con tàu bị chìm cùng toàn bộ thủy thủ đoàn. Cho đến nay, Hải quân Trung Quốc vẫn chưa thể bù đắp cho sự mất mát nhân lực gây ra bởi tai nạn trên. Trung Quốc hiện vẫn là nước duy nhất trong số 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc chưa thể thực hiện những đợt tuần tra thường xuyên với tàu ngầm hạt nhân.
Trung Quốc cũng là thành viên duy nhất trong nhóm 5 cường quốc trên chưa đóng và vận hành thành công tàu sân bay. Tháng 9/2012, nước này rầm rộ hạ thủy một tàu sân bay cũ của Ukraine sau một thời gian đại tu, với sự chứng kiến của chủ tịch Hồ Cẩm Đào và các quan chức cấp cao khác. Con tàu được đặt tên là Liêu Ninh. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau nó đã quay lại xưởng tàu để sửa chữa lớn mà nguyên nhân được cho là hỏng hóc ở động cơ. Đây rõ ràng không phải là một khởi đầu tốt đẹp cho tham vọng xây dựng lực lượng hải quân viễn dương và nó cũng chỉ là một trong nhiều ví dụ cho việc Trung Quốc vẫn chưa thể làm chủ những công nghệ quân sự quan trọng của thế kỷ trước.
Trên thực tế hiện nay, quân đội Trung Quốc vẫn thực hiện những cuộc thao diễn hành quân dài ngày dựa trên việc dùng xe lửa để chuyên chở các vũ khí, giống như trong thời thế chiến I , thay vì dùng cầu không vận. Còn lực lượng tên lửa chiến lược của nước này vẫn dùng ngựa cho việc tuần tra các căn cứ tên lửa rộng lớn của mình. Lý do là họ vẫn chưa có trực thăng dùng cho nhiệm vụ này.
Ngay cả quân chủng không quân cũng thiếu trầm trọng các loại máy bay hiện đại. Tu-16, được Liên Xô thiết kế từ những năm 50 của thế kỷ trước, vẫn còn được Trung Quốc sử dụng làm máy bay ném bom, trinh sát, tác chiến điện tử, thám sát, và tiếp nhiên liệu trên không. Một mẫu máy bay vận tải cũ khác là An-12 thì được dùng cho công tác tình báo điện tử, chống tàu ngầm, khảo sát địa lý và cảnh báo sớm. Bên cạnh đó, còn có 1 phiên bản An-12 được cải tiến đặc biệt để chuyên chở gia súc sống như cừu và dê.
Nếu như việc thiết hụt trầm trọng các trang thiết bị hiện đại có thể làm nhiều người ngạc nhiên thì tình trạng sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện lại càng nghiêm trọng hơn, mặc dù Bắc Kinh đang thực hiện chương trình hiện đại hóa quân đội đầy tham vọng.
Mùa hè năm 2012, một đơn vị chiến lược của quân đội Trung Quốc đã phải cho tạm dừng một cuộc tập trận mô phỏng tình trạng thời chiến kéo dài 15 ngày và thay thế bằng các buổi chiếu phim và karaoke. Lí do là việc phải di chuyển và xử lý các đầu đạn trong kho chứa ngầm ở cường độ cao khiến binh lính quá căng thẳng. Theo tình huống giả định, toàn bộ khu liên hợp ngầm dưới lòng đất này phải "nội bất xuất, ngoại bất nhập" trong toàn bộ thời gian tập trận, tuy nhiên đến ngày thứ 9 thì một đơn vị văn công phải đến đây để giúp đám lính đang bạc nhược vì nhớ nhà giải khuây.
Cho rằng nam giới có thể không có tố chất cần thiết cho loại nhiệm vụ căng thẳng này, một đơn vị gồm toàn nữ giới được sử dụng cho lần tập trận tương tự vào năm 2013. Vì chỉ mang tính thử nghiệm nên nó chỉ kéo dài trong 3 ngày. Tuy nhiên, kết quả còn tệ hơn lần trước. Chỉ sau 2 ngày, phòng hỗ trợ tâm lý bên trong khu hầm ngầm đã đầy bệnh nhân, với nhiều người bị tình trạng chán ăn, hay buồn nôn vì không quen với các điều kiện này.
Trong khi đó, các đơn vị lính thủy đánh bộ của Trung Quốc được huấn luyện đổ bộ lên những bờ biển bằng phẳng, rộng lớn, hoàn toàn khác với những bờ biển phía tây đảo Đài Loan, hay bất kì bờ biển nào ở Biển Đông và Hoa Đông, nơi Trung Quốc từ lâu đã lăm le tranh chấp chủ quyền. Các phi công của không quân Trung Quốc thường chỉ có dưới 10 giờ bay hàng tháng, thấp hơn nhiều so với một số nước trong khu vực. Các phi công này cũng chỉ mới được giao quyền tự lập kế hoạch bay từ năm 2012. Trước đó, chỉ các sĩ quan tham mưu được quyền quyết định mọi chi tiết lớn nhỏ trong kế hoạch.
Ngoài ra, thay vì dành thời gian luyện tập, 30-40% thời gian làm việc của một sĩ quan Trung Quốc (xấp xỉ 15 giờ/40 giờ đồng hồ một tuần) lại dành vào việc học chính trị và tham gia các hoạt động "lên dây cót tinh thần" khác.
Cố tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng rút ra kết luận rằng nếu ông cần 6 giờ để đốn hạ 1 cái cây thì thời gian để mài sắc lưỡi rìu đã là 4 giờ. Nói cách khác, công tác huấn luyện, đặc biệt là trong điều kiện giống nhất với thực tế chiến trường, có vai trò cực kỳ quan trọng. Thế nhưng, có vẻ như quân đội Trung Quốc không thực sự muốn mài sắc lưỡi rìu của mình, thay vào đó họ lại muốn cái rìu ngày càng lớn hơn, ngay cả khi đó là một lưỡi rìu cùn. Lựa chọn này sẽ làm khó cho chính tham vọng của Trung Quốc trong việc trở thành một siêu cường quân sự thật sự trong thế kỷ 21.
Tuy vậy, điều này không hẳn là tin vui cho những đối thủ của Trung Quốc. Điểm yếu của quân đội nước này lại chính là điều khiến nó nguy hiểm.
Theo Easton (Viện Project 2049, Mỹ)
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android