Thương hiệu đồng hồ tỷ đô Daniel Wellington hóa ra lại bắt nguồn từ một chiếc Rolex

    May,  

    Khởi nghiệp ngay khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường - Filip Tysander đã làm như vậy và trở nên giàu có với đế chế đồng hồ với doanh thu hàng năm lên đến 180 triệu USD của mình.

    Năm 2014, Filip Tysander đã vét sạch 24.000 USD trong túi để gây dựng thương hiệu đồng hồ của riêng mình. Ở thời điểm hiện tại, khi đã 31 tuổi và công ty của anh đã mang lại doanh thu khoảng 180 triệu USD mỗi năm từ bán đồng hồ với biên độ lợi nhuận hơn 50%.

    Mọi chuyện bắt đầu khá tình cờ. Giống như những người Thụy Điển trẻ muốn khám phá bản thân và thế giới, sau khi học xong trung học, Tysander đã đi du lịch ở nhiều nơi trên thế giới. Khi đến Australia, anh gặp một người Anh thời thượng có tên Daniel Wellington. Anh ta đeo chiếc Rolex với dây Nato cổ điển vô cùng bắt mắt. Tysander đã bị ấn tượng mạnh bởi phong cách này và đó anh bắt đầu nảy ra ý tưởng về thương hiệu đồng hồ triệu đô của riêng mình: Daniel Wellington.

     Filip Tysander

    Filip Tysander

    "Tôi thấy rằng còn rất nhiều khoảng trống trong thị trường dành cho những phong cách đồng hồ như vậy" - Tysander nói trong một cuộc phỏng vấn với tuần báo kinh doanh Veckans Affärer. Hơn nữa, cái tên này nghe có vẻ rất phù hợp với một thương hiệu đồng hồ quốc tế nữa.

    Nhưng, thành công không đến chỉ trong một đêm. Khi quay trở lại Thụy Điển, Tysander đã bị mất việc vài lần, sau đó, anh ghi danh vào các khóa học về chuyên ngành kinh tế. Anh bắt đầu gây dựng 2 công ty bán đồng hồ nhựa và caravat trực tuyến. Vào năm tốt nghiệp, anh đã dùng 24.000 USD tiền tiết kiệm từ hai công ty trước để bắt đầu thành lập công ty thứ 3 và quyết định đó đã thay đổi cuộc đời của chàng trai trẻ người Thụy Điển này.

    "Tôi đã thành lập một cửa hàng nhỏ trên mạng và tự thiết kế các biểu tượng bằng Photoshop. Sau đó, tôi gửi các mẫu thiết kế này cho một nhà máy ở Trung Quốc để sản xuất dây đồng hồ Nato" - Tysander chia sẻ với Veckans Affärer.

    Đồng hồ của Tysander nhận được phản ứng tích cực từ phía người dùng, không chỉ bởi thiết kế thời trang và giá trị so với số tiền bỏ ra mà còn bởi Tysander rất biết cách khai thác lỗ hổng trong chiến lược tiếp thị mà đối thủ cạnh tranh đã bỏ sót, đó là truyền thông xã hội.

    Chiến dịch tiếp thị của anh đó là sử dụng những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng lớn đến công chúng để giới thiệu các mẫu đồng hồ của mình. Cách được hầu hết các công ty sử dụng ở thời điểm hiện tại nhưng ở thời điểm đó thì nó thực sự là một sự đột phá.

    Hiện tại, thương hiệu đồng hồ Daniel Wellington đã có tới hơn 2 triệu lượt người theo dõi trên Instagram, khiến các đối thủ khác phải dè chừng.

    Năm 2014, Daniel Wellington đã bán được hơn 1 triệu chiếc đồng hồ, đạt 70 triệu USD doanh thu. Đến năm 2015, con số đã tăng vọt lên 170 triệu USD. Với khoản lợi nhuận béo bở trên 50%, Tysander - chủ sở hữu duy nhất của công ty - đã lãi khoảng 66 triệu USD năm ngoái. Nhờ đó mà Tysander có thể mua được một căn hộ thông tầng (Penthouse) đắt đỏ trên đỉnh nhà ga trung tâm Stockholm trị giá 12,8 triệu USD.

    "Quay trở lại năm 2013, tôi không nghĩ rằng công ty có đủ tiềm năng để phát triển đến quy mô này nhưng hiện tại, nó đã là một phần trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Tôi cảm thấy mình thật may mắn", Tysander cho biết.

    Tysander cho rằng bất cứ ai cũng có thể trở thành một doanh nhân thành đạt, nhưng sẽ cần thời gian và một chút may mắn. Anh rất thích câu nói của diễn giả Malcolm Gladwel cho rằng phải mất tới 10.000 giờ để các doanh nhân có thể hiểu mọi thứ được kết nối với nhau như thế nào.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày