Thương hiệu POCO và chiến lược "bài trừ" hàng xách tay của Xiaomi tại Việt Nam

    Thế Duyệt, Tổ Quốc 

    Mặc dù tuyên bố không liên quan, nhưng POCO đã và đang trở thành một thương hiệu chiến lược giúp Xiaomi hạn chế các mặt hàng xách tay tại thị trường Việt Nam.

    Thời gian vừa qua, bên cạnh các smartphone tới từ thương hiệu Xiaomi thì người dùng Việt còn được trải nghiệm các smartphone tới từ thương hiệu POCO. POCO từng được biết tới là thương hiệu điện thoại con của Xiaomi, lần đầu ra mắt smartphone vào năm 2018 với chiếc Pocophone F1. Sau này, thông tin từ POCO cho biết công ty đã tách riêng ra hoạt động độc lập, không còn liên quan tới Xiaomi, tuy nhiên tại Việt Nam POCO vẫn hoạt động dưới quyền kiểm soát của Xiaomi.

    Poco-brand.jpg

    POCO là một thương hiệu con của Xiaomi

    POCO nổi tiếng với các dòng máy có mức hiệu năng trên giá thành hấp dẫn, đánh vào phân khúc người dùng cần điện thoại cấu hình cao, giá rẻ chứ không quan trọng các yếu tố như thiết kế hay camera. Chính điều này đã khiến POCO có một chỗ đứng nhất định trên thị trường smartphone tại Việt Nam.

    Chiến lược đổi tên sản phẩm của Xiaomi và POCO

    Thực chất các sản phẩm được ra mắt dưới thương hiệu POCO hầu hết chỉ là một phiên bản đổi tên của một chiếc smartphone Xiaomi hoặc Redmi nào đó đã từng ra mắt trước đó. Điều này được Xiaomi lặp đi lặp lại qua từng năm nhằm phân phối các dòng smartphone của mình tới nhiều thị trường hơn.

    Đơn cử gần đây nhất, POCO giới thiệu POCO X4 GT, F4 5G hay F4 GT tại thị trường Việt Nam. Cả 3 chiếc smartphone này đều là phiên bản đổi tên lần lượt của Redmi Note 11T Pro, Redmi K40S và Redmi K50 Gaming. Điểm chung của các smartphone Redmi là chúng đều chỉ được phân phối độc quyền tại Trung Quốc, do đó để có thể bán những chiếc máy này tại thị trường khác, Xiaomi sẽ thực hiện "đổi tên" sản phẩm và bán dưới thương hiệu POCO. Thương hiệu POCO chủ yếu được Xiaomi tập trung bán tại thị trường quốc tế và các quốc gia đang phát triển bao gồm cả Việt Nam.

    Thương hiệu POCO và chiến lược "bài trừ" hàng xách tay của Xiaomi tại Việt Nam - Ảnh 2.

    POCO X4 GT là phiên bản đổi tên của Redmi Note 11T Pro bán tại Trung Quốc

    gsmarena_013.jpg

    POCO F4 GT cũng là một phiên bản đổi tên của Redmi K50 Gaming, khác biệt chỉ tới từ logo thương hiệu ở mặt lưng, cũng như phần mềm là MIUI for POCO với các ứng dụng Google

    Với bất kỳ chiếc smartphone POCO nào, người dùng hoàn toàn có thể tìm được một "bản sao" giống hệt từ ngoại hình tới phần cứng bên trong đến từ thương hiệu khác của Xiaomi (chủ yếu là Redmi).

    Có thể thấy, mặc dù tuyên bố hoạt động độc lập khỏi Xiaomi, tuy nhiên người dùng dễ dàng nhận ra các smartphone POCO thực chất đều là điện thoại của Xiaomi đổi tên lại, chỉ thay đổi tên thương hiệu ở mặt lưng và giao diện MIUI for POCO chủ yếu sử dụng các ứng dụng thuần Google. Vậy điều này ảnh hưởng gì tới các mặt hàng xách tay Xiaomi?

    Khi smartphone chính hãng giá còn rẻ hơn hàng xách tay

    Tại Việt Nam, smartphone POCO thường có mức giá dễ tiếp cận và hiệu năng mạnh mẽ trong tầm giá. Đây cũng là triết lý của POCO kể từ khi xuất hiện trên thị trường: ra mắt điện thoại có cấu hình mạnh mẽ nhất trong phân khúc.

    Cụ thể, POCO X4 GT là phiên bản đổi tên của Redmi Note 11T Pro, có giá bán tại Việt Nam khởi điểm từ 7.49 triệu đồng, đắt hơn khoảng 1.5 triệu đồng so với phiên bản nội địa. Với POCO F4 GT là phiên bản đổi tên của Redmi K50 Gaming, chiếc máy này có giá chỉ 11.99 triệu đồng tại Việt Nam, trong khi đó Redmi K50 Gaming tại Trung Quốc có giá 11.8 triệu đồng tại thời điểm ra mắt, thậm chí mức giá của POCO F4 GT còn rẻ hơn cả mức giá Redmi K50 Gaming hàng "xách tay" được các thương gia tại Việt Nam nhập về.

    27942583251148319384920877372425.jpg

    POCO F4 GT là chiếc smartphone Snapdragon 8 Gen 1 giá rẻ nhất tại thời điểm ra mắt

    Theo chủ một cửa hàng chuyên bán hàng xách tay tại phố Xã Đàn, Hà Nội, rất ít khi cửa hàng nhập các máy Xiaomi hay Redmi giá rẻ và tầm trung về thị trường Việt Nam để bán. Đối với chiếc Redmi K50 Gaming, người này cho biết nhập máy về bán với giá 13.5 triệu đồng chưa được bao lâu thì Xiaomi ra mắt POCO F4 GT chính hãng với giá thậm chí còn rẻ hơn hàng xách tay. Do vậy, cửa hàng chỉ tập trung nhập các mặt hàng cao cấp của Xiaomi.

    Yếu tố khiến POCO có thể ra mắt các sản phẩm giá rẻ tới như vậy là do chính sách bán hàng của thương hiệu này, chủ yếu tập trung bán trực tuyến trên sàn thương mại điện tử (Shopee/Lazada/Tiki), nếu có bán tại cửa hàng thì chỉ hợp tác với một số lượng rất ít cửa hàng và thực hiện chính sách bán hàng độc quyền tại một cửa hàng nào đó. Người dùng khi mua hàng trực tuyến tại các trang TMĐT có thể kết hợp với các chương trình flash sale giảm giá để mua được sản phẩm với mức giá thậm chí còn rẻ hơn nữa.

    Smartphone POCO chủ yếu bán trực tuyến trên các sàn TMĐT

    Điều này tạo điều kiện cho POCO có thể giảm giá thành sản phẩm xuống thấp nhất có thể, trong khi vẫn cung cấp đủ các dịch vụ bảo hành và hậu mãi cho người dùng Việt.

    Điện thoại xách tay đang có xu hướng thu hẹp thị phần

    Trong vài năm trở lại đây, các mặt hàng xách tay đang có xu hướng giảm dần do nhu cầu của người dùng không cao. Một phần tới từ các chính sách giá bán hấp dẫn kèm quà tặng của các sản phẩm chính hãng, một phần tới từ tâm lý ủng hộ hàng chính hãng cũng như lo ngại các rủi ro khi mua hàng xách tay.

    Hiện tại, điện thoại xách tay vẫn đang được một số ít cửa hàng nhập về bán, đa số là các sản phẩm có độ "hot" nhất định, giá thành hấp dẫn và quan trọng là cấu hình cao. Tuy nhiên như đã đề cập, điện thoại xách tay chỉ dành cho một đối tượng người dùng nhất định am hiểu về công nghệ chứ không phải là loại hàng hoá dành cho phần lớn người dùng phổ thông bởi nó tồn tại những rủi ro sau khi mua hàng (bảo hành, hậu mãi...)

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ