Thương vụ TikTok là lời đe dọa ngầm cho các ứng dụng Trung Quốc: Hãy quên thị trường Mỹ đi

    Nguyễn Hải, Theo Pháp luật & Bạn đọc 

    Nếu không muốn rơi vào cảnh phải bán mình hoặc bị cấm cửa tại Mỹ như TikTok, các ứng dụng Trung Quốc nên quên thị trường Mỹ đi.

    Số phận của TikTok tại Mỹ đang trở nên ngày càng chông chênh khi họ mắc kẹt trong cuộc thương thảo phức tạp giữa công ty ByteDance và Microsoft, bên cạnh đó còn có cả chính phủ Mỹ. Số phận hiện tại của TikTok là một thông điệp khắc nghiệt cho các nhà phát triển phần mềm Trung Quốc: hãy quên thị trường Mỹ đi.

    Không chính trị gia Mỹ nào chào đón các công ty Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo đã lên tiếng cáo buộc các phần mềm do Trung Quốc sản xuất sẽ cung cấp dữ liệu người dùng cho Bắc Kinh và ra dấu hiệu cho thấy đang tìm cách cấm cửa chúng.

    Thương vụ TikTok là lời đe dọa ngầm cho các ứng dụng Trung Quốc: Hãy quên thị trường Mỹ đi - Ảnh 1.

    Thương vụ TikTok là lời răn đe đối với các ứng dụng Trung Quốc khi muốn bước vào thị trường Mỹ

    Trong khi các biện pháp cụ thể đang được soạn thảo, một lời khuyên được đưa ra đối với họ là "Các công ty phần mềm Trung Quốc nên từ bỏ ý định xem Mỹ như một thị trường," ông James Lewis, chuyên gia chính sách công nghệ tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết.

    Vào thứ Hai vừa qua, ông Trump tuyên bố ByteDance phải bán bộ phận kinh doanh của TikTok tại Mỹ cho Microsoft hoặc một công ty Mỹ khác trước 15 tháng Chín. Nếu không, họ sẽ bị cấm cửa tại Mỹ, thị trường lớn thứ hai của họ sau Ấn Độ. Cho đến nay, TikTok đã được tải xuống hơn 180 triệu lần tại Mỹ. Trong khi đó, Douyin, phiên bản cho thị trường Trung Quốc của họ, đã được tải xuống hơn 2 tỷ lần trên toàn cầu.

    Đòn đánh của ông Trump giáng xuống TikTok đã thu hút sự chú ý từ các nhà quan sát trong ngành công nghệ.

    Trong khi Trung Quốc cũng chặn truy cập đối với các công ty internet đến từ Thung lũng Silicon, bao gồm cả người khổng lồ Google và mạng xã hội Facebook, nhưng "cách tiếp cận hiện tại của nước Mỹ đang cứng rắn và kiên quyết hơn hẳn so với cách tiếp cận của Trung Quốc", ông Kai-Fu Lee, cựu giám đốc Google Trung Quốc cho biết.

    Thương vụ TikTok là lời đe dọa ngầm cho các ứng dụng Trung Quốc: Hãy quên thị trường Mỹ đi - Ảnh 2.

    Từ lâu hàng loạt ứng dụng internet của Mỹ cũng bị chặn tại Trung Quốc

    Ông Lee cho rằng, ít nhất các nhà quản lý tại Trung Quốc còn cung cấp các chỉ dẫn rõ ràng về việc các công ty nước ngoài phải làm gì để được hoạt động tại Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền ông Trump buộc TikTok tại Mỹ bán mình nếu muốn hoạt động tiếp. Trong tuyên bố vào ngày Chủ Nhật vừa qua, Microsoft cho biết đang tìm cách mua lại bộ phận TikTok tại Mỹ, Canada, Úc với New Zealand.

    Trừng phạt TikTok: cách vận động tranh cử của ông Trump hay lời đe dọa cho Trung Quốc

    Dù sao đi nữa, bài học từ ByteDance đang cho thấy một viễn cảnh u ám cho những người khổng lồ về internet của Trung Quốc nếu muốn đặt chân vào Mỹ. Đó có thể là ông vua mạng xã hội Trung Quốc Tencent Holdings, hay người khổng lồ thương mại điện tử Alibaba Group hay công ty giải trí JOYY – đối thủ chính của TikTok tại Mỹ. Ứng dụng WeChat, AliExpress hay Likee của các công ty này đều đang có hàng chục triệu lượt tải xuống từ thị trường Mỹ.

    Chính vì vậy, ông Paul Triolo, trưởng bộ phận Nghiên cứu Địa-Công nghệ tại hãng tư vấn Eurasia Group, cho rằng, chính quyền ông Trump đang tìm kiếm các mục tiêu biểu tượng để cho thấy sự cứng rắn đối với Trung Quốc trước khi cuộc bầu cử Tổng thống vào tháng 11 diễn ra.

    "Cấm hoặc hạn chế WeChat sẽ mang lại giá trị biểu tượng còn lớn hơn nữa." Ông Triolo cho biết. "Nó giống như một đòn đáp trả khi các ứng dụng mạng xã hội Mỹ như Twitter và các ứng dụng nhắn tin như WhatsApp bị hạn chế tại Trung Quốc."

    Thương vụ TikTok là lời đe dọa ngầm cho các ứng dụng Trung Quốc: Hãy quên thị trường Mỹ đi - Ảnh 3.

    Trong khi đó, đối với phần lớn các công ty internet Trung Quốc, thị trường nội địa vẫn là nguồn sống dồi dào của họ. Bất kỳ hạn chế nào từ thị trường Mỹ cũng sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ. Tuy nhiên, nó sẽ làm họ mất đi cơ hội trở thành một công ty toàn cầu thực sự. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các công ty fintech của Trung Quốc như Ant Group, công ty con của Alibaba Group Holding. Năm ngoái Ant Group đã phải từ bỏ kế hoạch thâu tóm công ty fintech Mỹ, MoneyGram International do sự can thiệp từ chính phủ Mỹ.

    Không những thế, các hạn chế từ thị trường Mỹ còn gây nên một hiệu ứng domino lên các thị trường khác nữa. Tháng trước, các nhà lập pháp Nhật Bản cũng bắt đầu tìm cách hạn chế sử dụng TikTok và các ứng dụng có nguồn gốc Trung Quốc khác, do các lo ngại về an ninh quốc gia. Ấn Độ, nước đang có xung đột biên giới với Trung Quốc, cũng đã cấm cửa 59 ứng dụng Trung Quốc.

    Tham khảo Nikkei

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ