Tiếng rên rỉ bí ẩn dọc từ rãnh đại dương sâu nhất thế giới cuối cùng cũng được giải mã

    Anh Việt,  

    Âm thanh bí ẩn dọc theo rãnh Mariana đã từng gây tò mò với các nhà nghiên cứu, nay đã tìm ra được nguồn gốc.

    Một công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) được so sánh với "Shazam dành cho cá voi" đã giải mã được một bí ẩn đang diễn ra tại rãnh Mariana.

    Trước đó vào năm 2014, một âm thanh kỳ lạ, không rõ nguồn gốc, đã vang lên ở khu vực Thái Bình Dương, khiến các nhà khoa học bối rối. Cuối cùng giờ đây, mọi người đã biết đó là tiếng động được tạo ra bởi cá voi Bryde.

    Tiếng rên rỉ lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2014 và khiến các chuyên gia biển bối rối. Họ nghĩ rằng nó nghe giống tiếng tàu thuyền hơn là bất kỳ loài động vật nào ở rãnh Mariana. Nhưng các suy luận cuối cùng đều cho rằng đó hẳn phải là tiếng động của một loài cá voi, nhưng chính xác là loài cá voi gì? Đó chính là bí ẩn!

    "Người ta cho rằng tiếng rên rỉ này do một loài cá voi tấm sừng tạo ra", các tác giả nghiên cứu cho biết, "nhưng nếu không có xác minh trực quan thì không thể xác định được chính xác loài nào".

    Với bản thu âm tiếng động, được đặt tên là "Biotwang", nhóm nghiên cứu đã nhờ đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tại Google, những người đang phát triển một công cụ AI để xác định tiếng kêu của cá voi.

    Họ đã sử dụng kết hợp dữ liệu khảo sát bằng hình ảnh và âm thanh thu thập được ở Quần đảo Mariana và cuối cùng có thể tìm ra được điểm tương đồng của bản thu "Biotwang’ với âm thanh của cá voi Bryde, Balaenoptera brydei.

    Tiếng rên rỉ bí ẩn dọc từ rãnh đại dương sâu nhất thế giới cuối cùng cũng được giải mã- Ảnh 1.

    Đây là một khám phá thú vị vì chúng ta không biết nhiều về cấu trúc quần thể và chuyển động của loài cá voi du mục này.

    Bằng cách kết hợp các phương pháp thủ công và AI, các nhà nghiên cứu đã sàng lọc qua các bản ghi Biotwang được lấy từ khắp miền trung và miền tây Bắc Thái Bình Dương để có thể xác định được sự hiện diện theo mùa nhất quán của tiếng rên rỉ ở Quần đảo Mariana.

    Thỉnh thoảng, những con cá voi Bryde thậm chí còn kêu xa đến tận Quần đảo Tây Bắc Hawaii và gần đường xích đạo ngoài khơi Đảo Howland.

    Các nhà nghiên cứu cho biết: "Sự xuất hiện theo mùa của Biotwang phù hợp với việc cá voi Bryde di cư giữa vĩ độ thấp và trung bình, với một đỉnh nhỏ trong tiếng kêu vào tầm giữa tháng 2 và tháng 4 và một đỉnh lớn hơn giữa tháng 8 và tháng 11 khi cá voi di chuyển qua các địa điểm ghi âm".

    Kết quả này cung cấp bằng chứng về quần thể cá voi Bryde sống ở phía tây Bắc Thái Bình Dương có phạm vi phân bố rộng, nhưng có sự thay đổi theo mùa và theo năm, ngụ ý rằng phạm vi phức tạp rất có thể liên quan đến sự thay đổi của điều kiện hải dương học ở khu vực này.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ