TikTok 'lừa' cả thế giới: Đặt trụ sở ở nước ngoài chỉ là vỏ bọc, nhân viên hầu hết là người Trung Quốc, CEO quốc tịch Singapore không trực tiếp điều hành

    Vũ Anh,  

    TikTok một mực chối cãi nhưng sự thật có phải như vậy?

    Gia nhập văn phòng San Jose của TikTok vào năm 2023, vị kỹ sư phần mềm người Trung Quốc tên Ben cảm thấy như thể mình đang làm việc tại quê nhà vì hầu hết đồng nghiệp đều là người Trung Quốc. Họ nói chuyện bằng tiếng Quan Thoại và gọi nhau là tong xue - thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong các công ty công nghệ Trung Quốc có nghĩa là “bạn cùng lớp”.

    Vào ngày đầu tiên, quản lý dẫn Ben đi tham quan Lark, ứng dụng giao tiếp công việc độc quyền của ByteDance, công ty mẹ Trung Quốc của TikTok. Anh chàng rất ngạc nhiên khi thấy tập tin giới thiệu và tin nhắn công việc hầu hết bằng tiếng Trung. “Đó là một cú sốc văn hóa ngược. TikTok mang đậm chất Trung Quốc hơn những gì tôi từng biết”, Ben, người trước đây từng làm việc tại một công ty Mỹ, nói.

    Khuôn viên San Jose rộng 658.000 foot vuông nơi Ben đang làm việc hiện là văn phòng lớn nhất của TikTok tại Mỹ với hơn 4.000 nhân viên. Đội ngũ đông đảo được xây dựng chỉ trong vòng 2 năm ngắn ngủi, khi TikTok ngày càng trở nên phổ biến với thanh thiếu niên Mỹ. Năm ngoái, doanh thu ByteDance gần bằng Meta và điều này chắc chắn sẽ đưa đây trở thành một trong những công ty công nghệ internet sinh lợi nhất thế giới.

    Tuy nhiên tại Mỹ, TikTok cũng đang vướng phải một số cáo buộc liên quan đến vi phạm kiểm duyệt và bảo mật dữ liệu. Tháng trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã buộc ByteDance phải bán lại ứng dụng này trong vòng 270 ngày hoặc rời khỏi đất nước.

    Được biết trong nhiều năm, các chính trị gia Mỹ đã đưa ra lệnh cấm hoặc thoái vốn tại TikTok với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Để chống lại áp lực chính trị, công ty này nới lỏng dần các mối quan hệ với Trung Quốc, thậm chí bổ nhiệm các giám đốc điều hành không phải người Trung Quốc. CEO hiện tại là Shou Zi Chew - một người quốc tịch Singapore. Bản thân công ty cũng đặt trụ sở chính tại Singapore và Los Angeles.

    Theo lời hơn chục nhân viên TikTok (hầu hết đều yêu cầu giấu tên), mối quan hệ của TikTok với ByteDance đi xa hơn nhiều so với những gì công ty trình bày. Chính các giám đốc điều hành của ByteDance, chứ không phải Chew, mới là người quản lý các bộ phận chủ chốt gồm hàng nghìn nhân viên TikTok có trụ sở tại Mỹ. Trong những năm gần đây, các nhà quản lý từ Douyin, ứng dụng chị em Trung Quốc của TikTok, còn được yêu cầu đến Mỹ để xây dựng ứng dụng.

    Mối quan hệ sâu sắc giữa ByteDance và TikTok nhấn mạnh cái khó trong việc tách biệt hai thực thể. Quyết định thoái vốn có thể khiến TikTok mất nhân sự quản lý và công nghệ chủ chốt từ đại lục.

    Theo chia sẻ của Ben, thông tin về Lark sẽ được báo cáo cho Zhang Lidong, người đứng đầu bộ phận thương mại hóa của ByteDance chứ không phải CEO Chew. Các quyết định thường chỉ được đưa ra sau khi tham khảo ý kiến người quản lý cấp cao tại Trung Quốc.

    TikTok 'lừa' cả thế giới: Đặt trụ sở ở nước ngoài chỉ là vỏ bọc, nhân viên hầu hết là người Trung Quốc, CEO quốc tịch Singapore không trực tiếp điều hành- Ảnh 1.

    CEO TikTok

    Trong một tuyên bố hồi năm 2023, TikTok tuyên bố CEO Chew giám sát “tất cả các quyết định quan trọng hàng ngày. Lá thư hồi năm 2022 mà TikTok gửi các nhà lập pháp Mỹ cũng nêu rõ ByteDance thực sự có vai trò quan trọng trong việc tuyển dụng nhân sự, song ‘trùm cuối’ vẫn là Chew. Trong khi đó, nhân sự trả lời phỏng vấn của phóng viên Rest of World đều khẳng định nhiều quyết định quan trọng về chiến lược và nhân sự tại TikTok đều xuất phát từ các giám đốc điều hành ByteDance.

    Trong nội bộ, nhân viên có lúc công ty là “ByteDance”, có lúc gọi là “TikTok”. Hầu hết các nhóm công nghệ đều hợp tác chặt chẽ với nhân viên Douyin tại Trung Quốc. Một kỹ sư cấp cao của TikTok nói với Rest of World rằng trong các nhóm công nghệ, bao gồm kỹ sư phần mềm, giám đốc sản phẩm và nhà thiết kế trải nghiệm người dùng, có tới 40% đến 60% thành viên đang làm tại trụ sở Trung Quốc.

    Theo các nhân viên cấp cao, sự phụ thuộc vào các giám đốc điều hành ByteDance tại TikTok gắn liền với mong muốn tái tạo khả năng sinh lời đáng kinh ngạc của Douyin. TikTok đã đạt được thành công thương mại toàn cầu song Douyin vẫn vượt xa ứng dụng này về doanh thu, đồng thời là công cụ kiếm tiền lớn nhất của tập đoàn. Douyin hiện chỉ có ở Trung Quốc, cung cấp mọi thứ từ mua sắm đến giao đồ ăn, trò chơi di động.

    Báo cáo trước đây đã chỉ ra mối liên kết giữa Douyin và TikTok. Theo Rui Ma, một nhà phân tích công nghệ Trung Quốc, công ty tập hợp các nhân sự chủ chốt từ các phòng ban khác nhau, chẳng hạn như kỹ sư phần mềm, nhà thiết kế và nhà khoa học dữ liệu, để hình thành nền tảng dịch vụ chia sẻ.

    “Đó là một thực tế phổ biến ở các công ty internet Trung Quốc, nhưng không ai có thể làm được như ByteDance”, Ma nói với Rest of World . “Điều này cho phép ByteDance giữ các tài sản cốt lõi của mình thay vì cố gắng xây dựng nhân sự từ đầu ở Mỹ”.

    Mối quan hệ chặt chẽ của TikTok với ByteDance mang lại lợi ích đáng kể. Chẳng hạn, các giám đốc điều hành của ByteDance có thể chuyển tiếp các bài học từ Douyin một cách liền mạch.

    “Trở thành một công ty Trung Quốc là tài sản lớn nhất nhưng cũng rủi ro nhất của TikTok”, Ivy Yang, nhà phân tích công nghệ Trung Quốc, nói.

    Trước đó, trong phiên điều trần quốc hội năm ngoái, CEO Chew không trả lời trực tiếp bất kỳ câu hỏi nào về việc liệu ByteDance có phải của Trung Quốc hay không. Ông chỉ thừa nhận rằng ByteDance là một công ty tư nhân do Trung Quốc thành lập, điều hành nhiều hoạt động kinh doanh trong nước nhưng mang tính chất “toàn cầu”.

    Ngoài ra, CEO Chew nói thêm rằng 60% ByteDance thuộc sở hữu của các tổ chức toàn cầu như Carlyle Group, General Atlantic và Susquehanna International Group. 20% công ty thuộc sở hữu của Zhang và 20% còn lại thuộc sở hữu của nhân viên trên toàn thế giới. 3 trong số 5 thành viên hội đồng quản trị cũng là người Mỹ.

    Theo: Rest of World, CNN

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ