ByteDance sẽ ứng dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc kiểm duyệt nội dung.
Mới đây ByteDance - công ty mẹ của TikTok đã thông báo sa thải hàng trăm nhân viên trên toàn thế giới trong đó nhiều nhất là ở Malaysia.
Công ty tuyên bố rằng quyết định này là một phần trong quá trình chuyển đổi số và tự động hoá. ByteDance cho biết họ sẽ ứng dụng nhiều công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) hơn trong việc kiểm duyệt nội dung nhằm cải thiện hiệu quả trong hoạt động của mình.
Hàng trăm nhân viên TikTok bị sa thải
Nhiều tin đồn cho rằng công ty đã cắt giảm hơn 700 nhân sự tại Malaysia, nhưng ngay sau đó TikTok đã đính chính số lượng thực tế ít hơn 500 người. Đa số nhân viên bị sa thải đang làm việc trong bộ phận kiểm duyệt nội dung, họ đã được thông báo trước qua email về chính sách mới này.
Những đợt sa thải này là một phần của chiến lược phát triển nhằm chuẩn hóa quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok trên toàn cầu. Những đợt cắt giảm tương tự có thể xảy ra trong tương lai gần khi công ty có những chiến lược riêng dành cho từng khu vực.
TikTok ứng dụng AI để kiểm duyệt nội dung
Người phát ngôn đại diện của TikTok tuyên bố rằng việc tái cấu trúc là cần thiết để nền tảng có thể phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu với khả năng kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn. Hiện tại TikTok đang sử dụng kết hợp giữa người thực và công nghệ AI để giám sát lượng lớn nội dung được đăng tải mỗi ngày.
ByteDance cũng tiết lộ kế hoạch đầu tư 2 tỷ USD vào các sáng kiến về độ tin cậy và sự an toàn trên toàn cầu trong năm nay với phần lớn các nhiệm vụ kiểm duyệt nội dung đã được tự động hóa. Theo TikTok, 80% nội dung có hại hoặc vi phạm hiện đang được xóa nhờ công nghệ AI.
Nhiều quốc gia siết chặt chính sách đối với mạng xã hội
Đợt sa thải này diễn ra vào thời điểm các công ty công nghệ toàn cầu đang chịu áp lực quản lý ngày càng chặt chẽ tại Malaysia. TikTok cũng không ngoại lệ khi Chính phủ nước này đã yêu cầu nền tảng mạng xã hội nộp đơn xin giấy phép hoạt động trước tháng 1. Quy định này nhằm giải quyết mối lo ngại của Malaysia khi các hành vi phạm tội liên quan đến không gian mạng ngày càng gia tăng.
Cách đây không lâu, Malaysia chứng kiến sự gia tăng đột biến của nội dung độc hại trên mạng xã hội. Các nhà chức trách đã kêu gọi các công ty công nghệ như TikTok tăng cường nỗ lực giám sát, xử lý và ngăn chặn triệt để.
Theo báo cáo nửa đầu năm 2023, cả TikTok và Meta đều chứng kiến số lượng yêu cầu hạn chế nội dung kỷ lục từ chính phủ Malaysia. Chính phủ nước này đã yêu cầu xóa hoặc hạn chế nhiều bài đăng và tài khoản với lý do vi phạm liên quan đến các chủ đề nhạy cảm như chủng tộc, tôn giáo và hoàng gia.
Meta - đơn vị điều hành Facebook và Instagram đã hạn chế khoảng 3.100 trang và bài đăng. Con số này gấp 6 lần so với sáu tháng trước, đánh dấu mức cao kỷ lục từ trước tới nay. TikTok cũng báo cáo đã nhận được 340 yêu cầu xóa, dẫn đến việc hạn chế hoặc xóa 815 bài đăng và tài khoản, cũng là mức cao nhất của nền tảng này.
Đặc biệt số lượng tài khoản và trang bị hạn chế hoặc xoá tại Malaysia đã tăng gấp 3 lần so với nửa cuối năm 2022, khiến quốc gia này dẫn đầu Đông Nam Á về số lượng nội dung không lành mạnh bị hạn chế.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI