Tìm hiểu công nghệ lấy nét pha kép Dual PDAF trên Oppo F3 Plus

    Phong Đạt, Theo VnReview 

    Bên cạnh bộ camera kép ở phía mặt trước, chiếc F3 Plus vừa ra mắt của nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Oppo còn có tính năng cũng rất đáng chú ý ở camera sau 16MP là khả năng lấy nét pha kép được gọi là Dual PDAF.

    Camera là tính năng có nhiều cải tiến trên F3 Plus so với thế hệ cũ F1 Plus ra mắt năm ngoái. Trên F3 Plus, máy có hai camera phía trước gồm một camera thông thường 16MP và một camera 8MP góc rộng tới 120 độ để chụp ảnh tự sướng nhóm. Ở phía sau, máy có camera chính 16MP sử dụng cảm biến Sony IMX398 với ống kính khẩu mở lớn f/1.7.

    Cảm biến IMX398 trên camera sau có kích cỡ 1/2.8 inch, kích cỡ điểm ảnh 1.12 µm (micron) và có khả năng lấy nét pha kép được Oppo gọi là Dual PDAF. Oppo cho biết họ đã hợp tác với Sony để phát triển và ứng dụng IMX398 trên các smartphone của hãng này. Vậy Dual PDAF là gì và nó ý nghĩa thế nào với trải nghiệm chụp ảnh?

    Dual PDAF là gì?

    Thực ra, khái niệm lấy nét pha kép không phải là mới mẻ. Công nghệ này được sử dụng trên các thiết bị di động lần đầu tiên từ chiếc Galaxy S7 và S7 edge nhưng được Samsung gọi là Dual Pixel. Còn với Oppo, hãng này lại chọn tên gọi là Dual PDAF. Lấy nét pha kép đến nay vẫn xuất hiện trên khá ít smartphone. Theo thống kê về cảm biến cho di động của Sony trên Wikipedia (Sony hiện thống trị thị trường cảm biến máy ảnh cho thiết bị di động), trong số hàng chục loại cảm biến máy ảnh dành cho các thiết bị di động của hãng điện tử Nhật thì chỉ có 3 cảm biến có tính năng lấy nét pha kép gồm cảm biến IMX260 ra mắt tháng 2/2016 (dùng trên Galaxy S7/S7 edge), IMX362 ra mắt tháng 11/2016 (hiện dùng trên Moto G5 Plus, Zenfone 3 Zoom) và cảm biến IMX398 ra mắt tháng 10/2016 (được dùng trên Oppo R9s Plus và F3 Plus).

    Cảm biến IMX398 trên F3 Plus có độ phân giải 16MP, lớn hơn độ phân giải 12MP trên hai cảm biến IMX260 và IMX362. Tuy vậy, kích cỡ cảm biến của IMX260 và IMX362 là 1/2.5 inch với chiều dài đường chéo cảm biến 7,06mm, lớn hơn so với kích cỡ cảm biến của IMX398 (kích cỡ 1/2.8 inch, chiều dài đường chéo cảm biến 6,4mm). Chính vì diện tích cảm biến nhỏ hơn nên kích cỡ điểm ảnh trên IMX398 cũng nhỏ hơn, 1.12 µm so với 1.4 µm trên hai cảm biến kia.

     Kích cỡ điểm ảnh trên cảm biến càng lớn sẽ giúp thu ánh sáng tốt hơn

    Kích cỡ điểm ảnh trên cảm biến càng lớn sẽ giúp thu ánh sáng tốt hơn

    Trở lại với khái niệm lấy nét pha kép, Dual Pixel hay Dual PDAF như cách gọi của Oppo là công nghệ tự động lấy nét pha (phase detection autofocus) thế hệ mới, được đánh giá là hiệu quả hơn so với công nghệ lấy nét pha thông thường trên các smartphone hiện nay.

    Với kiểu lấy nét pha thông thường thì trên cảm biến sẽ có một số điểm ảnh (pixel) được chế tạo đặc biệt để phục vụ lấy nét, được gọi là các điểm ảnh lấy nét pha (phase detect pixel hay PD pixel). Các PD pixel này sẽ bị che đi một nửa và thường thì một cặp PD pixel sẽ có một pixel bị che bên trái, còn một pixel bị che bên phải. Các PD pixel chỉ phục vụ lấy nét theo pha, không có ý nghĩa về ảnh. Chính vì vậy, các pixel này cũng trở thành các pixel lỗi (bad pixel) vì chúng không thu được đầy đủ thông tin ánh sáng (do bị che mất 1 nửa).

    Nếu càng nhiều PD pixel trên cảm biến sẽ giúp việc lấy nét theo pha càng nhanh và càng chính xác nhưng nhược điểm là sẽ có càng nhiều pixel lỗi. Nếu ít PD pixel trên cảm biến sẽ không lấy nét nhanh và chính xác bằng, tuy nhiên lại có ít pixel lỗi hơn. Vì thế, các cảm biến hỗ trợ lấy nét theo pha thông thường hiện nay đều có số PD pixel chiếm khoảng dưới 5% tổng số pixel của cảm biến.

    Còn loại cảm biến Dual PDAF được dùng trên Oppo F3 Plus và trước đó là Galaxy S7/S7 edge thì tất cả các pixel đều gồm có hai phần để phục vụ lấy nét theo pha, tức là 100% các pixel của cảm biến đều có chức năng tương tự PD pixel. Trên cảm biến lấy nét pha thông thường thì mỗi điểm ảnh là một pixel thống nhất, không chia làm hai phần như Dual PDAF. Đó là lý do công nghệ lấy nét pha này được gọi là Dual PDAF theo cách gọi của Oppo hay Dual Pixel theo cách gọi của Samsung.

    Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa hai loại lấy nét pha này là ở chỗ là loại lấy nét pha thông thường thì các PD pixel sẽ trở thành các pixel lỗi (không có ý nghĩa về ảnh, chỉ có ý nghĩa phục vụ lấy nét), còn loại lấy nét pha Dual PDAF thì tất cả các pixel đều mang thông tin về ảnh cả, không trở thành những pixel lỗi.

    Vì các PD pixel không phải là pixel lỗi cho nên loại Dual PDAF cho phép sử dụng 100% pixel để phục vụ lấy nét, chứ không bị hạn chế ở con số khoảng 5% như loại thông thường. Trước đó, công nghệ này đã được Canon đưa lên chiếc EOS 70D vào năm 2013. Theo Canon, công nghệ Dual PDAF cho phép 80% các điểm ảnh trên máy ảnh này được dùng để hỗ trợ lấy nét pha. Đến nay, lấy nét pha kép đã có mặt trên nhiều loại cảm biến máy ảnh chuyên nghiệp.

    Thử nghiệm trong thực tế

    VnReview đã thử nghiệm camera của Oppo F3 Plus trong nhiều môi trường ánh sáng như đủ sáng, ngược sáng, chênh sáng, thiếu sáng và cả cực kỳ thiếu sáng.

    Trong môi trường đủ sáng, máy cho tốc độ lấy nét khá nhanh và chính xác nhưng vẫn chưa nhanh bằng các máy cao cấp, đặc biệt là ở tốc độ chụp và lưu ảnh. Độ trễ từ khi bấm nút chụp đến khi ảnh hiện ra ở ô xem trước trên giao diện camera vẫn có thể nhận ra bằng mắt thường. Trong các tình huống chênh sáng, ngược sáng và thiếu sáng, tốc độ lấy nét và lưu ảnh của Oppo F3 Plus giảm đi, tỷ lệ lấy nét sai tăng lên so với môi trường đủ sáng.

    Nhìn chung, công nghệ lấy nét pha kép Dual PDAF trên smartphone mới nhất của Oppo đã giúp máy cải thiện về hiệu suất camera so với các thế hệ trước nhưng vẫn có khoảng cách so với các hãng có camera tốt hiện nay như Samsung, Apple và Sony.

    Về chất lượng ảnh, trong điều kiện đủ sáng, Oppo F3 Plus cho ảnh với chất lượng tốt. Độ nét, chi tiết cao, màu sắc tươi tắn, đặc biệt là dải sáng rộng. Trong các tình huống chênh sáng và ngược sáng, máy có thể thu được rõ ràng chi tiết ở cả vùng sáng và vùng tối ngay ở chế độ tự động không bật HDR, gần đạt đến chất lượng như chụp HDR trên các máy cao cấp.

    Khi thiếu sáng, chất lượng ảnh chụp của Oppo F3 Plus vẫn ở mức tốt. Ảnh giữ độ sáng và cân bằng trắng ở mức vừa phải, không cố đẩy sáng và đẩy tông màu vàng lên "nịnh mắt" như trên chiếc Galaxy A7 2017. Ảnh chụp tối của Oppo F3 Plus cũng cho độ nét, chi tiết tốt, ít nhiễu, chống rung hiệu quả, nhỉnh hơn ảnh chụp tối của Galaxy A7 2017.

    Có thể thấy, dù tốc độ lấy nét, lưu ảnh và độ chính xác khi lấy nét của Oppo F3 Plus chưa có nhiều đột phá so với các hãng khác nhưng chất lượng ảnh chụp cả trong điều kiện thiếu sáng và đủ sáng lại để lại nhiều ấn tượng, tốt hơn hẳn các smartphone thế hệ trước của hãng này và thậm chí nhỉnh hơn nhiều các đối thủ cùng tầm giá hiện nay.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ