SSD là giải pháp ổ cứng thể rắn (Solid State Drive) có nhiều ưu điểm vượt trội so với HDD truyền thống. Không giống như HDD vốn ghi dữ liệu lên các phiến đĩa mà được ghi lên các chip flash với nhiều ưu điểm vượt trội hơn như tốc độ truy xuất dữ liệu cao, chạy êm, độ bền cao...Tuy nhiên, cũng giống như rất nhiều những sản phẩm trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, SSD cũng có nhiều loại khác nhau: loại cực "xịn", loại trung bình, loại...tạm được. Có nghĩa rằng không phải tất cả các mẫu SSD đều cho hiệu năng giống nhau. Hiệu năng của SSD được thể hiện thông qua các thông số kĩ thuật mà nhà sản xuất ghi trên bao bì sản phẩm hay liệt kê trên website của họ. Hiểu được các thông số dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn những gì mà sản phẩm mang lại cũng như giúp bạn đưa ra các lựa chọn hợp lý khi mua SSD, xem mình có thể hy sinh tính năng gì để đổi lại được giá tiền ít đi hay 1 tính năng khác cần thiết hơn...
Thành phần bộ nhớ
Trên các bao bì hay thông tin về sản phẩm từ nhà sản xuất, chúng ta thường thấy các thông số như SLC, MLC, TLC. Đây là các từ viết tắt của single-level cell," "multi-level cell" và "triple-level cell" dùng để chỉ các phương pháp và công nghệ được sử dụng cho các thiết bị lưu trữ trên nền bộ nhớ flash. Từ level muốn nói tới có bao nhiêu bit bộ nhớ được lưu trữ trên mỗi cell. Càng nhiều bit được lưu trữ trên mỗi cell, chiếc SSD càng có dung lượng lớn hơn, và giá bán cũng giảm hơn. Tuy nhiên, đổi lại thì tính ổn định của sản phẩm là không cao bằng các model có số bit trên mỗi cell ít hơn. Các ổ SSD Single-level cell lưu trữ 1 bit trên mỗi cell, còn các mẫu multi-level có nghĩa là có 2 bit trên mỗi cell, tương tự là triple-level có nghĩa là 3 bit. SSD với 3 bit dữ liệu/cell này thường có giá bán rẻ hơn 30% so với các mẫu Single-level cell có cùng dung lượng.
Chắc hẳn bạn sẽ thắc mắc vì sao chúng lại rẻ hơn? Đó là vì nhà sản xuất có thể cung cấp nhiều die silicon trên mỗi tấm wafer hơn giúp họ giảm bớt được chi phí và kết quả là giá bán sản phẩm rẻ hơn. Tuy nhiên, điểm yếu của các SSD dùng công nghệ MLC và TLC là chúng có độ ổn định thấp hơn, và thường dẫn tới việc ổ cứng cho tốc độ về tổng thể là chậm hơn so với công nghệ SLC - những loại ổ cứng tốc độ nhanh hơn nhưng giá bán cho mỗi GB là cao hơn.
Tuy nhiên, đừng vì thế mà bỏ qua SSD dùng công nghệ MLC và TLC. SLC phù hợp hơn cho các hệ thống yêu cầu hiệu năng cao, còn MLC hoàn toàn chấp nhận được với người dùng phổ thông (bao gồm cả game thủ).
SLC: Tính ổn định cao, giá bán cho mỗi GB lưu trữ cao hơn.
MLC: Công nghệ được áp dụng cho hầu hết các sản phẩm SSD bán cho người dùng phổ thông, có giá bán mỗi GB rẻ hơn 1 chút so với SLC.
TLC: Các SSD dùng công nghệ này có giá bán rẻ nhất nhưng hiện chưa xuất hiện trên thị trường. Đơn giản bởi nhà sản xuất chưa sẵn sàng áp dụng công nghệ này cho các sản phẩm người dùng phổ thông, đồng thời độ ổn định trong thời gian dài của nó cũng rất kém.
Bảng giá bán sau đây cho bạn hình dung rõ hơn về 3 công nghệ này:
Giá bán tham khảo các mẫu SSD của OCZ, OCZ cũng sẽ là công ty đầu tiên cung cấp SSD công nghệ TLC cho thị trường người dùng.
Giao tiếp
Các giao tiếp phổ biến của SSD bao gồm SATA II, SATA III, hay PCI-e. 2 giao tiếp sau cho tốc độ cao hơn nhiều so với SATA II, như mô tả ở bảng dưới:
Từ bảng trên chúng ta có thể thấy các SSD dùng giao tiếp SATA II sẽ làm giảm đáng kể hiệu năng của sản phẩm, do các SSD này chỉ cho tốc độ truy xuất dữ liệu tối đa 384 MB/giây. Các SSD dùng giao tiếp PCI-e cho tốc độ truy xuất cao, nhưng nhìn chung, SSD loại này khá đắt. Với người dùng phổ thông, các SSD dùng giao tiếp SATA III là lựa chọn phổ biến nhất hiện nay. Một ví dụ cho thấy tốc độ tuyệt vời của PCI-e là mẫu OCZ RevoDrive 3 X2 - một trong những SSD đắt nhất hiện nay - khi chúng cho tốc độ đọc/ghi lần lượt là 1 GB và 925 MB/giây.
Tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa (Max Sequential Read/Writes)
Khái niệm này được các nhà sản xuất đưa ra với mục đích marketing nhiều hơn là có ý nghĩa cho việc sử dụng thực tế hàng ngày của người dùng. Tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa chỉ tính cho việc truyền tải tập tin lớn và việc di chuyển tập tin mất nhiều thời gian. Do ổ cứng có thể đọc và ghi các tập tin đơn dung lượng lớn nhanh hơn nhiều so với nhiều các tập tin nhỏ và dung lượng ngẫu nhiên, nên thông số tốc độ đọc/ghi tuần tự tối đa thường không có nhiều ý nghĩa thực tế, trừ phi bạn có nhu cầu đọc ghi các tập tin có dung lượng lớn.
Một model SSD của Samsung.
Tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên (4 KB Random Read/Writes):
Đây có thể nói là các thông số có ý nghĩa thực tế và bạn nên để ý. Nó được sử dụng như 1 công cụ benchmark để "tái tạo" các tình huống sử dụng thực tế của người dùng. Tốc độ này thường được viết tắt bằng thông số IOPS (ví dụ như bạn sẽ thấy trong phần thông số kĩ thuật SSD có ghi 90.000 IOPS). Chúng ta đều biết quá trình sử dụng máy tính, việc phải đọc các tập tin có dung lượng nhỏ như các tập tin cache của trình duyệt, cookies, page file, lưu game, tài liệu...diễn ra thường xuyên. Các thông số IOPS lớn hơn đồng nghĩa với việc tốc độ đọc các file nhỏ của SSD cao hơn. Bạn cũng có thể quy đổi thông số IOPS ra chuẩn MB/giây theo công thức sau để dễ hình dung hơn:
IOPS x 4 / 1024 = tốc độ MB/giây
Một ví dụ cụ thể hơn, nếu thông số tốc độ trên SSD ghi là 90.000 IOPS, thì tốc độ truyền tải dữ liệu tính cho các tập tin dung lượng thấp (mà chúng ta thường xuyên sử dụng tới như đã nói trên) là 90.000 x 4 / 1024 = 351,56 MB/giây. Quay trở lại bên trên, ở phần tốc độ đọc ghi tuần tự tối đa, một model SSD thường được nhà sản xuất quảng cáo cho tốc độ đọc ghi tuần tự tối đa là 515 MB/giây nhưng tốc độ đọc/ghi ngẫu nhiên cũng chỉ đạt khoảng 351,56 MB/giây mà thôi.
Tốc độ đọc ghi trung bình
Đây giống là phương pháp đo tốc độ SSD ở giữa 2 phương pháp trên, tuy nhiên, hiện nay thì nhà sản xuất không cung cấp cách thức mà họ dùng để đo tốc độ này nên chúng ta cũng chưa có cách nào biết được chúng có lợi ích gì và áp dụng vào thực tế sẽ như thế nào.
Tham khảo: Gamernexus