Tìm hiểu tính năng nâng cấp hình ảnh O1 Ultra Vision trên Find X2 series, biến SDR thành HDR và mọi frame-rate thành 120Hz

    M.Đức,  

    Tính năng này dùng để xem phim thì miễn chê.

    Điểm đáng tiền nhất của dòng sản phẩm OPPO Find X2 không đâu khác chính là thứ mà người dùng nhìn thấy hàng ngày - màn hình. Được trang bị màn hình tràn viền, cong cạnh, công nghệ AMOLED độ phân giải 2K hỗ trợ HDR10, 10 bit (1 tỷ màu), đặc biệt là tần số làm tươi 120Hz giúp chiếc smartphone này dễ dàng đạt điểm A theo đánh giá của DisplayMate và vượt mặt cả những 'ông lớn' có tiền lệ dẫn đầu về màn hình.

    Vấn đề hiện nay không phải là phần cứng có tốt hay không (vì điều này Find X2 có thừa), mà là sự hỗ trợ của phần mềm. Màn hình hỗ trợ HDR10 để làm gì khi tất cả nội dung người dùng xem đều thuộc dạng SDR (Standard Dynamic Range); hay có tần số làm tươi 'siêu mượt' 120Hz để làm gì khi video vẫn 'lẹt đẹt' ở ngưỡng 24, 30, cùng lắm là 60fps?

    Tìm hiểu tính năng nâng cấp hình ảnh O1 Ultra Vision trên Find X2 series, biến SDR thành HDR và mọi frame-rate thành 120Hz - Ảnh 1.

    Hãng giải quyết vấn đề này bằng một tính năng mang tên 'O1 Ultra Vision Engine', là một thuật toán cho 'nâng cấp' những nội dung thông thường lên đạt chuẩn màn hình của Find X2. Trong đó 'HDR video enhancement' dùng để tăng dải động sáng, độ đậm màu; còn 'Video motion enhancement' để tăng tần số làm tươi video lên 60 hoặc 120fps.

    Tìm hiểu tính năng nâng cấp hình ảnh O1 Ultra Vision trên Find X2 series, biến SDR thành HDR và mọi frame-rate thành 120Hz - Ảnh 2.

    Đầu tiên ta sẽ nói về những 'dấu hoa thị' trong tính năng này, vì nó không phải hoàn hảo khi sử dụng trên thực tế. Nhược điểm đầu tiên đó là nó chỉ hoạt động với 1 số ứng dụng nhất định (Youtube và Netflix là 2 ứng dụng nổi tiếng đã hỗ trợ), chứ không phải là giải pháp 'bật một lần, dùng khắp nơi'. Thứ 2, khi sử dụng nâng cấp tần số lên 120Hz bằng O1 Ultra Vision thì độ phân giải màn hình sẽ giảm xuống còn 1080p, chứ không đạt 2K nữa.

    Ta sẽ thử nâng cấp hình ảnh lên HDR trước. Giống như một món ăn, những nội dung HDR 'xịn' phải được quay bằng máy quay hỗ trợ HDR (nguyên liệu tốt), chỉnh sửa và lưu trữ theo dạng HDR (chế biến và trưng bày 'xịn) và chơi ở các màn hình hỗ trợ HDR (thưởng thức đúng kiểu). Nên ta sẽ phải khẳng định luôn một điều: SDR dù có nâng cấp tới mấy cũng không thể bằng được nội dung HDR 'xịn' được.

    Nhưng không phải vì thế mà ta không thấy được những lợi ích khi sử dụng tính năng nâng cấp trên Find X2. Trong hình ảnh phía trên, bạn có thể thấy người nghệ sĩ và cây đàn đều có độ sáng cao hơn và nổi bật lên nền đen. Nếu để ý thì ta cũng sẽ thấy hình bóng phát chiếu trên cây đàn hiện rõ ràng trong phiên bản nâng cấp.

    Thêm một ví dụ nữa với nội dung SDR (trái) và HDR (phải)

    Trong ví dụ này, ta cũng tiếp tục thấy những vùng được chiếu sáng... sáng hơn trong phiên bản nâng cấp HDR. Rất khó có thể miêu tả được bằng ảnh, nhưng trên thực tế ảnh nâng cấp cũng cảm giác tương phản cao hơn, 'đã mắt', có chiều sâu hơn đôi chút.

    Thử nghiệm với một cảnh đủ sáng

    Chuyển qua một cảnh đủ sáng, lợi ích ta thấy được là phiên bản nâng cấp HDR có màu sắc đậm hơn. Những vùng đã 'cháy đen' hoàn toàn thì chắc chắn không thể 'cứu' được nữa, nhưng những vùng tối và vẫn có chi tiết được O1 Ultra Vision làm rõ bằng cách tăng độ sáng.

    Vậy còn khả năng nâng cấp frame-rate thì sao? Khi được kích hoạt, tính năng này sẽ 'nhìn' nhưng gì đang diễn ra trên màn hình (thường có tần số từ 24 - 60fps) sau đó tạo ra những khung ảnh mới để giúp chúng trở thành 60fps hoặc 120fps. Như đã đề cập khi chuyển qua 120fps máy sẽ phải giảm độ phân giải xuống còn 1080p thay vì 2K (có lẽ để giảm lượng thông tin phải xử lý), sự đánh đổi này có đáng hay không tùy thuộc vào bạn.

    Thử nghiệm nâng frame-rate bằng trailer Avengers: Endgame

    Thử nghiệm luôn với trailer Avengers: Endgame được quay ở 24 fps và nâng cấp lên 60 fps, ta có thể thấy rõ những yếu tố trong cảnh quay (cột điện, nam diễn viên Paul Rudd) mượt mà hơn khi máy quay di chuyển qua, không còn hiện tượng 'giật' giữa các khung hình. Khả năng nâng cấp khung hình có vẻ hoạt động hiệu quả hơn với các cảnh quay thật, còn với phim hoạt hình với các yếu tố di chuyển bất ngờ thì kết quả vẫn có thể thấy được, nhưng không ấn tượng bằng.

    Kết quả thử với phim hoạt hình có thể không ấn tượng bằng!

    Còn có nhiều tranh cãi về vấn đề liệu rằng có nên tăng tần số làm tươi của phim lên hay không, hay giữ nguyên để giữ theo đúng ý đồ của nhà làm phim. Hẳn phải có lý do gì đó mà tất cả phim 'bom tấn' từ trước đến nay đều được quay ở tần số 24 fps, không hơn và không kém!

    Tôi cho rằng tính năng này phù hợp nhất với những bộ phim hành động, giúp cho ta dễ dàng nhận biết được điều gì đang diễn ra trên màn hình. Với những ai không cảm thấy điều này là cần thiết thì vẫn có thể tắt riêng tính năng này đi và tận hưởng khả năng nâng cấp HDR, tất cả là sự lựa chọn!

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ