Tìm hiểu về cách huấn luyện cảnh khuyển

    Trần Nam Sơn,  

    Cảnh khuyển là một lực lượng không thể thiếu trong lực lượng cảnh sát.

    Chưa ai biết được từ khi nào con người đã thuần hóa được chó, nhưng có một điều chắc chắn rằng, mối quan hệ giữa chó và người đã vượt lên trên mối quan hệ chủ tớ. Chó và người đã sát cánh bên nhau từ hàng nghìn năm qua, và chính điều này đã khiến chó trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Không chỉ là một người bạn, từ lâu chó đã được dùng để hỗ trợ con người trong nhiều mặt: dẫn đường cho những người khiếm thị, phục vụ tìm kiếm trong những đội cứu hộ, truy tìm bom mìn và chất gây nghiện… Một phần không thể không kể đến – đó chính là những chú chó cảnh sát.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Ngày nay, chó cảnh sát đã trở thành một phần không thể thiếu trong lực lượng cảnh sát, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Chúng lần theo dấu vết tội phạm, đánh hơi những chất bất hợp pháp, lục tìm dấu vết tại hiện trường – chúng làm tất cả những việc mà con người không thể làm được. Hàng trăm, thậm chí hàng nghìn chú chó được huấn luyện bài bản đã và đang đánh đổi mạng sống của chúng vì một mục tiêu duy nhất: phục vụ và bảo vệ con người
     
    Vậy, tại sao con người cần đến sự phục vụ của chó cảnh sát? Chúng được tuyển chọn và huấn luyện ra sao? Nhiệm vụ của chúng là gì? Hãy cùng Genk tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
     
    Tại sao chúng ta cần sử dụng chó cảnh sát?
     
    Khứu giác – đó là nguyên nhân đầu tiên và cũng là nguyên nhân chủ yếu. Khả năng đánh hơi của chó nhạy gấp 50 lần con người. Một chú chó cảnh sát đã qua huấn luyện có thể dễ dàng tìm ra dấu vết của bọn tội phạm, của các chất gây nghiện hay của bất kỳ loại vũ khí nào. Không những thế, khả năng đánh hơi của chúng cũng rất chọn lọc. Chúng có thể phát hiện ra một mùi đặc trưng nào đó, ngay cả khi hàng tá thứ khác đang bốc mùi xung quanh. Nhiều tên buôn lậu đã cố tìm cách đánh lừa những chú chó cảnh sát, khi chúng giấu thuốc phiện sau nhiều lớp vải bọc tẩm hương liệu, nhưng chừng đó là chưa đủ để làm bó tay những chiến binh bốn chân này.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Một chú chó cảnh sát không chỉ hoàn thành nhiệm vụ nhờ cái mũi của mình. Một chú chó German Shepherd, với bộ dạng của mình, có thể dễ dàng làm bọn tội phạm nhanh chóng đầu hàng thay vì chống trả hay bỏ chạy. Tội phạm đơn giản không thể tranh cãi, không thể khiêu khích, không thể đe dọa trước một bộ hàm sáng bóng như vừa đánh Colgate. Sự hiện diện của chó cảnh sát trong những trường hợp này sẽ giúp lực lượng cảnh sát tránh được khá nhiều tổn thất.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Khi việc đánh đấm là không thể tránh khỏi, chó cảnh sát sẽ nhanh hơn và khỏe hơn rất nhiều so với con người. Cố gắng trốn chạy hay chống trả của bọn tội phạm sẽ nhanh chóng trở nên vô dụng.
     
    Tuyển chọn
     
    Khá nhiều chủng loại chó khác nhau trên thế giới, với sự đa dạng về hình dáng và kích cỡ, nhưng gần như chỉ có một chủng duy nhất được sử dụng cho nghiệp vụ cảnh sát – German sepherd. Rất hiếm khi người ta thấy một giống chó khác, và nếu có thì đó thường là giống Breston hay Labrador.
     

    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen

    Nhiều chỉ tiêu khác nhau được đặt ra cho việc tuyển chọn, nhưng những kỹ năng tối quan trọng đối với một chú chó cảnh sát chính là trí thông minh, tốc độ, sức mạnh và khả năng đánh hơi. Phần lớn chó cảnh sát đều thuộc giống đực, và chúng sẽ không bị thiến – việc này nhằm mục đích giúp chúng có được sức mạnh và tốc độ tối ưu.
     
    Chó cảnh sát được tuyển chọn từ rất nhiều nguồn khác nhau. Một số được hiến tặng bởi chính chủ của chúng. Tuy nhiên, ngày càng nhiều sở cảnh sát nhận ra tầm quan trọng của một chú chó đã được gây giống và huấn luyện đặc biệt từ khi chào đời. Những chú chó được nhập khẩu từ châu Âu thường vượt trội hơn so với những đồng nghiệp được gây giống ở Mỹ. Điều này khá dễ hiểu, khi ở châu Âu, những tiêu chuẩn gây giống là rất nghiêm ngặt. Những chú chó phải trải qua nhiều kỳ kiểm tra tốc độ, sức mạnh, sức bền cùng rất nhiều kỹ năng khác, trước khi chính thức được đem đi gây giống.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Chính vì điều này, chó cảnh sát có nguồn gốc từ châu Âu tỏ ra rất có tiếng tăm. Trước khi được nhập sang Mỹ, thậm chí chúng đã được cấp giấy chứng nhận quốc tế. Breston, một giống chó Hà Lan, trước khi sang Mỹ làm nhiệm vụ, đã phải trải qua khóa huấn luyện và phải tốt nghiệp Học viện Chó cảnh sát Hoàng gia Hà Lan.
     
    Chó cảnh sát sẽ cùng với một viên sĩ quan cảnh sát hợp thành đơn vị K-9. Viên sĩ quan này cũng phải trải qua một kỳ tuyển chọn khá gắt gao. Hồ sơ lý lịch hoàn hảo, có trong tay hàng cơ man chiến công, thể lực dồi dào kết hợp với một tính cách năng động – đó là những gì họ cần sở hữu. Viên sĩ quan K-9 phải dành ít nhất 60 giờ/tuần để làm nhiệm vụ - và sẽ không có chuyện ngoảnh đầu lại. Họ không có quyền quyết định thời gian công tác của mình. Một chú chó cảnh sát có thể nghỉ hưu sau khoảng 6 năm công tác, nhưng người đồng đội của chúng sẽ phải tiếp tục nhiệm vụ trong một khoảng thời gian dài hơn gấp nhiều lần.
     
    Huấn luyện – những bước đầu tiên
     
    Tất cả những chú chó cảnh sát đều phải rèn luyện kỹ năng TUÂN LỆNH TUYỆT ĐỐI. Chúng phải thực hiện mệnh lệnh của người điều khiển mà không được phép có bất kỳ do dự nào. Điều này sẽ tạo ra phản ứng chớp nhoáng của team K-9, đồng thời giúp người điều khiển dễ dàng kiểm soát tình huống khi đối diện với nghi phạm.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Mệnh lệnh cho chó cảnh sát đều là ngôn ngữ tại nơi nó được đào tạo (tiếng Đức đối với German Shephard, hay tiếng Hà Lan với Breston). Nhiều người cho rằng, điều này sẽ khiến không ai khác, ngoài chủ nhân của chú chó có thể ra lệnh cho chúng bằng tiếng Anh. Nhưng thực tế, lý do của việc này đơn giản hơn nhiều. Những chú chó đã được huấn luyện từ khi mới chào đời với những mệnh lệnh đó – và sẽ dễ hơn rất nhiều nếu người điều khiển học một vài mệnh lệnh bằng tiếng Hà Lan hay tiếng Đức, thay vì tốn công dạy những mệnh lệnh mới cho chú chó cảnh sát.
     
    Chó cảnh sát cũng phải trải qua những khóa huấn luyện sức bền và tốc độ. Chúng phải có khả năng leo cầu thang và trèo tường. Đồng thời, chúng phải thích nghi được với môi trường và những người xung quanh. Một chú chó lúc nào cũng rụt rè e sợ sẽ khó có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
     

    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen

    Cuối cùng, mỗi chú chó cảnh sát sẽ được huấn luyện riêng biệt cho từng nhiệm vụ sau này của chúng. Phát hiện chất gây nghiện, bom mìn hay vũ khí… Chúng cũng có khả năng lần theo dấu vết của nghi phạm hay của một người đã mất tích. Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về việc huấn luyện khả năng đánh hơi này.
     
    Huấn luyện nâng cao – đánh hơi và phát hiện
     
    Nhiều người cho rằng, sở dĩ chó cảnh sát có thể đánh hơi thấy chất gây nghiện vì đó là món ăn khoái khẩu của chúng, hay thậm chí, họ cho rằng chó cảnh sát… nghiện. Thực tế, chó cảnh sát hoàn toàn không hề có hứng thú với những chất gây nghiện. Thứ chúng tìm kiếm chính là đồ chơi ưa thích của mình. Việc huấn luyện đã khiến chúng nhận ra rằng, thứ đồ chơi ưa thích ấy luôn có mùi thuốc phiện.
     
    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen
     
    Đồ chơi được sử dụng trong việc huấn luyện thường là một chiếc khăn trắng, và việc huấn luyện, thực chất chỉ là trò chơi trốn tìm. Khởi đầu, người huấn luyện chỉ sử dụng một chiếc khăn đã giặt sạch (để bảo đảm không để lại bất kỳ mùi hương nào). Sau đó, một túi cần sa sẽ được quấn vào trong tấm khăn. Trải qua nhiều lần tập luyện, chú chó cảnh sát sẽ nhận ra rằng, thứ đồ chơi ưa thích của mình luôn có mùi chất gây nghiện. Việc tập luyện dần được mở rộng với nhiều loại chất gây nghiện hơn, và một phạm vi tìm kiếm rộng hơn.
     
    Khi đã đánh hơi thấy mục tiêu, phản ứng thường thấy của chú chó cảnh sát là đào bới và cố ngoạm cho được “đồ chơi” của mình. Trong nhiều trường hợp, đây là phản ứng rất nguy hiểm. Dò tìm bom mìn, hoặc 1 mục tiêu đang trong vòng kiểm soát của hơn 50 tên tội phạm – việc hung hãn xông vào là không khôn ngoan chút nào. Bởi vậy, trong nhiều công tác chuyên biệt, những chú chó cảnh sát đã được rèn luyện những phản ứng BỊ ĐỘNG khi tìm thấy mục tiêu. Những phản ứng này là rất đa dạng, có thể là việc sủa liên hồi, đi vòng quanh mục tiêu, hay đơn giản chỉ là…..ngồi xuống.
     

    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen

    Bạn có bao giờ tự thắc mắc rằng, tại sao đồ chơi ưa thích của một chú chó cảnh sát lại là chiếc khăn? Rất đơn giản, vì trò chơi ưa thích của chúng là….kéo co. Khi tìm thấy mục tiêu của mình, chó cảnh sát sẽ ngay lập tức được thưởng một game kéo cưa lừa xẻ cùng với chủ nhân của chúng.
     
    Một ngày cùng chó cảnh sát
     
    Chú chó cảnh sát luôn ở bên người đồng đội của mình, 24/7. Một ngày bình thường của chú chó cảnh sát thường bắt đầu với việc săn tìm các thể loại chất kích thích tại những địa điểm nghi ngờ - trường học, chợ đen hay bất cứ một căn hộ nào.
     
    Trong một vài dịp đặc biệt, chú chó cảnh sát sẽ phải ra…hầu tòa, để làm chứng trước nghi phạm chúng đã tóm được, hoặc để tự bảo vệ mình trước những lời cáo buôc cho rằng chúng đã đánh hơi nhầm. Tuy nhiên, trong phần lớn các trường hợp, khả năng săn tìm của chú chó cảnh sát là thứ bằng chứng không dễ bị gạt bỏ.
     

    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen

    Khoảng thời gian từ 4h trở ra thực sự là một ca làm việc bận rộn với team K-9, khi sở cảnh sát muốn những chú chó này xuống đường tuần tra. Công việc này chỉ trở nên bớt nhàm chán hơn khi K-9 nhận được cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ từ phía cảnh sát địa phương. Công việc thường gặp là truy tìm chất gây nghiện, hoặc truy đuổi bọn tội phạm. Đây chính là lúc khả năng đánh hơi của chó cảnh sát được vận dụng tối đa. Với một chú chó cảnh sát đã qua đào tạo, chúng sẽ phải xác định được hướng đào tẩu của bọn tội phạm, và khi đã đến gần, chúng sẽ phải đánh tín hiệu với những người đồng đội xung quanh. Điều này là rất quan trọng, vì bọn tội phạm rất có thể đã quay trở lại và đang ẩn núp mai phục tại đâu đó, sẵn sáng chống trả.
     

    tim-hieu-ve-cach-huan-luyen-canh-khuyen

    Sau khi hoàn tất phiên trực của mình, chú chó cảnh sát sẽ được quay về nhà nghỉ ngơi. Như bạn đọc có thể thấy, một ngày làm việc của chó cảnh sát là khá bận rộn, và lịch làm việc ở trên thậm chí còn chưa tính đến việc tập luyện. Mỗi tuần, một chú chó cảnh sát phải dành ra ít nhất 8 tiếng tập luyện, để những kỹ năng của chúng không bị mài mòn theo thời gian.
     
    Kết
     
    Bắt đầu được sử dụng trong lực lượng cảnh sát từ cuối thế kỷ thứ 18, cho đến nay, chó cảnh sát vẫn chứng tỏ được vai trò không thể thay thế của mình. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực này, đóng góp của những chú chó cảnh sát thậm chí đã khiến nhiều địa phương phải tạc tượng chúng. Tuân lệnh tuyệt đối, luôn luôn trung thành và sẵn sàng hi sinh tính mạng của mình vì mục tiêu cao nhất: Phục vụ và bảo vệ con người.
     
    Tham khảo: Howstuffworks
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ