Tìm hiểu về quy tắc "Trời nắng 16": không cần đo sáng vẫn chụp ảnh đẹp
Cùng tìm hiểu thủ thuật đo sáng của các bậc tiền bối xa xưa, khi mà thời đại hệ thống đo sáng cho máy ảnh vẫn chưa xuất hiện.
Bạn đã từng bao giờ nghe nhắc đến quy tắc Sunny 16 (hay còn gọi là "Trời nắng 16") bao giờ chưa? Hoặc bạn đã bao giờ thắc mắc liệu ngày xưa các tiền bối sử dụng máy phim sẽ đo sáng như thế nào trước khi chụp không (đối với những đời máy không có hệ thống đo sáng)?
Có lẽ quy tắc này đang dần bị lãng quên khi thời đại máy ảnh kỹ thuật số ra đời, tuy nhiên việc tìm hiểu quy tắc này vẫn không hề dư thừa ở thời đại ngày nay. Hơn nữa, Sunny 16 còn đặc biệt hữu dụng cho những bạn đang có nhu cầu chụp máy ảnh phim nhưng hệ thống đo sáng đã hỏng, hoặc thậm chí có thể áp dụng nhanh trong một số trường hợp cho cả máy kỹ thuật số mà không cần phải mất quá nhiều thời gian căn chỉnh dựa vào thanh đo sáng trên kính ngắm.
Sunny 16 là gì?
Đã từ rất lâu, trước khi kỷ nguyên ảnh kỹ thuật số ra đời, các nhiếp ảnh gia đã mày mò và phát minh ra những quy tắc để giúp họ điều khiển các thông số máy chuẩn xác hơn, phù hợp với một số điều kiện ánh sáng khác nhau. Cách làm này được đưa ra cũng nhằm trở thành giải pháp dự phòng cho các nhiếp ảnh gia sử dụng thiết bị đo sáng chuyên dụng nhưng lại để quên ở nhà hoặc tình cờ làm thất lạc / hỏng hóc.
Vậy quy tắc Sunny 16 này hoạt động ra sao?
Thực ra quy tắc này cũng khá đơn giản:
- Nếu chúng ta đang đứng ngoài trời không có mây, nắng gắt và bóng nắng đậm nét, hãy để khẩu độ ở mức F/16 và thiết lập giá trị tốc độ màn trập bằng với độ nhạy sáng ISO. Chẳng hạn nếu ISO đang để là 100 thì tốc độ màn trập sẽ tương đương 1/125 giây (hoặc ISO 200 thì để tốc màn trập tương đương 1/250 giây).
- Tất nhiên từ cột mốc này, ta có thể thay đổi tốc độ màn trập cũng như khẩu độ sao cho phù hợp hơn với điều kiện ánh sáng khi đó hoặc theo chủ đích của chính mình. Nói về điều kiện ánh sáng, nếu trời không quá gắt và bóng nắng nhạt, ta có thể mở khẩu lên f/11 hoặc nếu trời có mây (không thấy được bóng của chủ thể trên mặt đất) thìcó thể mở thêm khẩu khoảng f/5.6 để ảnh được đủ sáng.
- "Đặt trường hợp trị số ISO đang ở 100, tốc độ màn trập 1/125 giây và trời có mây nên phải để khẩu độ f/5.6, nhưng tôi muốn mở khẩu để xóa phông được nhiều hơn thì làm thế nào?". Rất đơn giản, người chụp chỉ cần đẩy tốc độ màn trập lên số stop tương ứng với số stop mở khẩu, ví dụ nếu từ f/5.6 mở khẩu lên f/2.8 (tức 2 stop), ta cần điều chỉnh lại tốc độ màn trập nhanh hơn 2 stop (tức từ 1/125 lên 1/500 giây) để ảnh không bị cháy sáng.
Chụp trời hơi có mây. Loại phim sử dụng: Uxi Super (ISO 200), tốc độ màn trập 1/1000 giây, khẩu độ f/5.6
- "Vậy nếu chụp cảnh trời nắng có tuyết phủ hoặc chụp bãi cát đang nắng thì sao?". Ở trường hợp này, lượng ánh sáng đi vào sẽ nhiều hơn so với trời nắng thông thường, chính vì vậy người dùng cần phải khép khẩu độ thêm 1 stop nữa, tức f/22 hoặc tăng tốc độ màn trập thêm 1 stop nếu không muốn ảnh cháy sáng.
- Nhằm giúp hiểu rõ hơn, bạn đọc có thể nhìn vào bảng quy tắc dưới đây với các trị số được định sẵn, từ đó có thể linh hoạt thay đổi để phù hợp hơn với mục đích chụp ảnh của riêng mình:
Hy vọng với Quy tắc Sunny 16 trên đây sẽ phần nào giúp các bạn thêm phần tự tin trong phần đo sáng, đặc biệt là với những ai đang tập chụp ảnh bằng máy phim mà bị hỏng đo sáng thì đây sẽ là một trợ thủ cực kỳ đắc lực cho các bạn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?