Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghệ cao có chiều hướng tăng mạnh. Đây là tín hiệu tốt cho công nghiệp điện tử (CNĐT) phát triển, mở đường cho các nhà sản xuất lớn trên thế giới chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư.
Dây chuyền sản xuất các phụ kiện điện tử của Công ty Cổ phần Nikko.
Kim ngạch xuất khẩu ngành điện tử tăng mạnh
Theo thống kê của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2013 của ngành CNĐT tiếp tục tăng trưởng ở tất cả các thị trường. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm điện thoại các loại và linh kiện là 13,1 tỷ USD, tăng 76,2%, so với cùng kỳ năm 2012. Các thị trường chính nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam là: EU đạt kim ngạch 4,68 tỷ USD, tăng 76,6% và chiếm 40,5% tổng giá trị xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước; Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đạt 1,93 tỷ USD, tăng 164%; Ấn Độ là 572 triệu USD, tăng 176% so với cùng kỳ năm trước.
Nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện cũng đã xuất khẩu được 5,78 tỷ USD, tăng 42,5% (tương đương tăng 1,72 tỷ USD) so với cùng kỳ 2012. Hiện tại, các thị trường nhập khẩu chính là EU: 1,23 tỷ USD, tăng 80,2%; Trung Quốc: 1,33 tỷ USD, tăng 28,3%; Hoa Kỳ: 749 triệu USD, tăng 52,1%... so với cùng kỳ năm 2012.
GS.TS Nguyễn Mại - nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, các DN Việt Nam cần chủ động hơn trong việc liên doanh, liên kết hoặc trở thành DN vệ tinh cho những thương hiệu điện tử quốc tế, bởi bên cạnh tăng trưởng xuất khẩu, chọn đúng phân khúc thị trường tiêu thụ nội địa thì hiệu quả tăng trưởng mới bền vững.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, dù mới hình thành và phát triển khoảng 10 năm nhưng đến nay, ngành CNĐT Việt Nam đã xuất khẩu tới gần 50 quốc gia trên thế giới với các sản phẩm cung ứng đa dạng bao gồm: Linh kiện, thiết bị phần cứng, máy tính, điện tử, viễn thông. Trong giai đoạn 1997-2012, xuất khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng bình quân 21,2%/năm, từ mức 440 triệu USD (năm 1997) lên 7,838 tỷ USD (năm 2012). Năm 2012, xuất khẩu điện thoại di động đạt 12,7 tỷ USD. Dự kiến, năm 2013, riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện sẽ vượt mốc 18 tỷ USD và trở thành mặt hàng xuất khẩu giá trị cao nhất của Việt Nam.
Tăng tỷ lệ nội địa hóa ngành điện tử
Mặc dù kim ngạch thu về từ hoạt động xuất khẩu nhóm mặt hàng điện tử, máy vi tính điện thoại và linh kiện cao, nhưng thực tế giá trị gia tăng đạt được lại thấp so với các nước trong khu vực vì phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu. DN điện tử nội địa mới chỉ đóng góp một phần nhỏ vào kim ngạch xuất khẩu bởi chủ yếu là gia công, lắp ráp cho các công ty nước ngoài.
Hiện đã có một số DN điện tử Việt Nam cung cấp các linh kiện điện thoại, điện tử, đầu dây nối, USB... cho các DN FDI. Như lời ông Ivan Herd, Tổng giám đốc Nhà máy Nokia Việt Nam (Bắc Ninh) thì Nokia đang sử dụng nguyên vật liệu từ khoảng 10 nhà cung cấp điện tử trong nước. DN điện tử Việt Nam có thể nắm bắt các cơ hội thuận lợi này để khai thác, phát triển.
Ông Lê Ngọc Sơn, Chủ tịch Hiệp hội DN điện tử Việt Nam cho rằng, các DN điện tử Việt Nam nên cố gắng tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm linh kiện của các tập đoàn có thương hiệu và thị trường toàn cầu để nâng cao trình độ sản xuất và làm chủ công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy ngành CNĐT phát triển, tiến tới tạo được sản phẩm hoàn chỉnh với tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, các DN Việt Nam phải có chiến lược đầu tư phát triển dài hơi, nguồn nhân lực tốt thì vấn đề tiếp cận công nghệ mới không gặp khó khăn. Với lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ, phải quy hoạch lại các DN lắp ráp và DN hỗ trợ thành những DN chuyên nghiệp có quy mô lớn, công nghệ cao để tham gia chuỗi sản xuất hàng điện tử toàn cầu.
Còn theo ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), về lâu dài phát triển ngành điện tử Việt Nam cần phải có chính sách thiết thực, xây dựng đầu mối liên kết DN Việt Nam để tham gia cùng với các DN FDI đầu tư, phát triển trước ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ đắc lực cho ngành điện tử.
Theo Lan Anh
VEN
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android