10 dự báo làng công nghệ châu Á năm 2016: màn hình gấp được, chinh phục Mặt Trăng

    Nguyễn Hải,  

    Thị trường công nghệ châu Á vừa trải qua một năm đầy những sự kiện chấn động nhưng dường như năm 2016, giới công nghệ khu vực châu Á vẫn sẽ còn tiếp tục đón nhận thêm không chỉ các dư chấn mà còn những cơn địa chấn mới.

    Thị trường tài chính đang như trên một chuyến tàu tốc hành, với các thương vụ điên rồ giữa hai nhà vận hành web khổng lồ của Trung Quốc là Alibaba và Tencent, sự gia tăng các công ty khởi nghiệp “kỳ lân” ở châu Á và một thương vụ M&A ồn ào trên thị trường bán dẫn nóng bỏng. Năm 2015 quả là một năm điên cuồng cho lĩnh vực công nghệ của khu vực.

    Vì vậy, tốt nhất bạn nên thắt chặt đai an toàn lại, năm 2016 sẽ còn chứng kiến nhiều điều thú vị khác sắp đến. Dưới đây là danh sách các dự báo về điểm nhấn công nghệ của khu vực trong năm tới, theo lựa chọn của Chuyên mục Công nghệ trên trang châu Á của Bloomberg :

    1. Sự xuất hiện của điện thoại gấp được

    Samsung đang tiếp tục đẩy mạnh phát triển các công nghệ màn hình mới, có thể gấp lại được (tương tự như màn hình cong trên chiếc Galaxy S6 Edge). Một đoạn video ngắn cho thấy một màn hình dẻo, kích thước tương đương một chiếc tablet  có thể gập lại được để thành một chiếc điện thoại, bỏ gọn vào trong túi áo sơ mi. Với việc người khổng lồ của Hàn Quốc đang khao khát lật ngược đà trượt giảm về thu nhập, rất có thể sang năm 2016, chúng ta sẽ được chứng kiến một bước tiến dài của công nghệ này.

    2. Các đợt IPO của công ty công nghệ Trung Quốc

    Các nhà đầu tư Mỹ sẽ mệt mỏi với các cổ phiếu không minh bạch của công ty Trung Quốc, vì vậy các công ty công nghệ thường sẽ chọn niêm yết cổ phiếu tại quê nhà của mình. Chính phủ Trung Quốc vừa nới lỏng trở lại các quy định pháp luật vốn nhằm hãm lại đà suy sụp thị trường cổ phiếu hè vừa qua. Điều này được kỳ vọng sẽ làm sôi động trở lại thị trường IPO với hàng chục các công ty đang phải hoãn lại kế hoạch phát hành cổ phiếu. Các startup “kỳ lân” mới cũng nhận ra rằng, họ có thể kiếm được những thỏa thuận tốt hơn từ các nhà đầu tư Trung Quốc đang đói mục tiêu nhưng thừa thãi tiền, hơn là những nhà đầu tư nước ngoài, vốn kén cá chọn canh.

    3. “Baxi 2016”

    Là cách đọc chệch đi từ “Brazil 2016”, thuật ngữ tìm kiếm ám chỉ mức độ ưa thích ngày càng tăng của Trung Quốc với các sự kiện thể thao quốc tế, vốn luôn đi kèm với sự bùng nổ nhu cầu về nội dung trực tuyến và truyền hình trực tiếp – cả được cấp phép và không cấp phép. Trong cả mùa hè Olympic, các blog và video chủ đề về Brazil sẽ thống trị trên hơn một tỷ điện thoại tại Trung Quốc, cho đến tận tháng Tám năm sau.

    4. Tham vọng của các nhà sản xuất chip Trung Quốc

     Tập đoàn Thanh Hoa Unigroup của Trung Quốc dự định mua lại công ty sản xuất chip Micron với giá 23 tỷ USD.

    Tập đoàn Thanh Hoa Unigroup của Trung Quốc dự định mua lại công ty sản xuất chip Micron với giá 23 tỷ USD.

    Vốn là một chủ đề được xúc tiến từ năm 2015, Trung Quốc đang kỳ vọng các công ty công nghệ của mình có thể cất cánh và vươn ra thị trường toàn cầu. Các công ty như Tsinghua Unigroup (Thanh Hoa Unigroup) và China Resources Holding, đang làm thị trường này rung động với các dự định đầu tư vào mảng này. Thêm vào đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đang rất quan tâm đến việc Trung Quốc tự sản xuất chip, nhiều thỏa thuận mới được kỳ vọng sẽ được xúc tiến trong năm sau.

    5. Sự nóng lên của thị trường thực tế ảo

    Samsung, Sony và HTC đã tham gia cùng dự án Oculus của Facebook nhằm tạo ra không gian thực tế ảo. Các ứng dụng của công nghệ này sẽ đặt trọng tâm đầu tiên vào lĩnh vực trò chơi điện tử, nhưng để đi được xa hơn, các nhà phát triển cần tìm ra việc ứng dụng công nghệ này trong các lĩnh vực khác.

    6. Người khổng lồ thương mại điện tử Ấn Độ tỉnh giấc

    Công ty “Indian Railways”, độc quyền trong lĩnh vực đường sắt Ấn Độ, cũng là công ty thương mại trực tuyến lớn nhất nước, với khoảng 20 triệu người đăng ký, bán được 300.000 vé mỗi ngày và doanh thu bán hàng lên tới 2,5 tỷ USD mỗi năm. Công ty này cuối cùng đã nâng cấp ứng dụng của mình và bổ sung thêm chợ ứng dụng để bán được thêm nhiều thứ khác hơn là chỉ chỗ ngồi trên tầu hỏa, một cách như hưởng ứng lời kêu gọi của thủ tướng Ấn Độ về việc phát triển thị trường trực tuyến, và mở cửa hơn với đầu tư của các công ty khác như Flipkart Online Services và Amazon.

    7. Châu Á chinh phục mặt trăng

     Takeshi Hakamada và chiếc xe tự hành dự kiến chinh phục mặt trăng.

    Takeshi Hakamada và chiếc xe tự hành dự kiến chinh phục mặt trăng.

    Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc và Nga đều đang lên kế hoạch đổ bộ lên Mặt trăng. Năm tới, một trong số các quốc gia này sẽ hoàn thành kế hoạch để đưa người lên mặt trăng lần đầu tiên kể từ 1972, khi phi hành gia người Mỹ, Eugene Cernan và tầu Apollo 17 đặt chân đến đây. Một robot đã được lên kế hoạch đổ bộ lên đây, nhưng việc đưa con người lên Mặt Trăng đòi hỏi phải có những nỗ lực lớn hơn nhiều.

    8. Mối quan hệ giữa Jack Ma với chính phủ

    Chính sách của chủ tịch Alibaba nhằm đối phó với chính phủ Trung Quốc đã khiến mối quan hệ giữa hai bên trở nên lạnh nhạt. Khi công ty của ông bắt đầu vươn ra các lĩnh vực khác, bên ngoài thương mại điện tử, như tài chính và truyền thông, họ sẽ đụng phải các vấn đề gai góc về chính trị của quốc gia. Sắp tới đây, cách mà tờ báo Bưu điện buổi sáng South China Morning Post, giờ đã thuộc về Alibaba, xử lý các vấn đề nhạy cảm về chính trị Trung Quốc sẽ cho thấy rõ hơn thái độ của Jack Ma với chính phủ.

    9. Startup kỳ lân đầu tiên của Indonesia

    Khu vực Đông Nam Á đã có một vài startup gia nhập câu lạc bộ tỷ đô, nhưng các startup đến từ Indonesia, quốc gia với 250 triệu dân, hoàn toàn vắng bóng trong danh sách đó. Điều này nhiều khả năng sẽ được thay đổi trong năm 2016, khi các khoản đầu tư tăng vọt với nhộn nhịp các startup và nền kinh tế tăng trưởng tốt. Khoản đầu tư thông minh trong lĩnh vực thương mại điện tử với Tokopedia, được rót vốn bởi Softbank của Masayoshi Son, là một ví dụ.

    10. Lộ diện người sáng lập ra đồng Bitcoin

     Ông Satoshi Nakamoto - người từng được cho là cha đẻ của đồng Bitcoin.

    Ông Satoshi Nakamoto - người từng được cho là cha đẻ của đồng Bitcoin.

    Trong năm 2014 là một kỹ sư đã nghỉ hưu ở California. Năm 2015 là một doanh nhân ở Sydney. Năm 2016, rất có thể sẽ có một vài nhân vật chưa được biết đến khác, được xác định như là tác giả bí ẩn của loại tiền mã hóa này, vốn vẫn được biết đến dưới cái tên Satoshi Nakamoto. Dù các chứng cớ đang nhắm đến nhiều nhân vật khác nhau, nhưng tờ Bloomberg vẫn cho rằng tác giả của Bitcoin, chính là giáo viên khoa học của Nhật Bản – người mà tên thực sự là Satoshi Nakamoto – sẽ bước ra giải thích với mọi người rằng ông ta chỉ muốn làm vậy để mua thẻ pokemon dễ dàng hơn. Cho đến nay, ông Nakamoto vẫn phủ nhận việc mình là cha đẻ của đồng tiền này.

    Theo Bloomberg.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ