Những ông lớn về công nghệ này không ý thức được nguồn cung cấp vật liệu của họ đến từ những đứa trẻ.
Cộng hòa Dân chủ Congo là nơi có nguồn mỏ côban lớn nhất thế giới, đây là hợp chất dùng để chế tạo pin lithium-ion có trong điện thoại hoặc xe dùng động cơ điện. Đáng buồn thay, đây cũng là đất nước có nguồn lao động trẻ em khai thác mỏ khoáng khá nhiều, thậm chí có em phải bắt đầu đi làm từ năm lên bảy. Những khoáng sản côban sau khi được khai thác sẽ được bán cho công ty Trung Quốc - Huayou Cobalt - để phân phối đến các nhà sản xuất ở Trung Quốc và Hàn Quốc.
Những trẻ em làm việc ở các mỏ khoáng này chia sẻ rằng chúng phải làm việc 12 tiếng một ngày với mức lương khoảng 1-2 USD. Việc thiếu trang bị bảo hộ lao động ở các mỏ khai thác khoáng có thể khiến các em bị mắc các bệnh về phổi và da nếu tiếp xúc với hóa chất và bụi trong thời gian dài.
Tổ chức UNICEF đã báo cáo trong năm 2014 rằng có khoảng 40.000 trẻ em đang phải lao động ở các mỏ khoáng ở phía Nam Congo, phần lớn trong số đó là mỏ côban.
Tổ chức phi lợi nhuận Amnesty đã liên lạc với 16 công ty công nghệ là khách hàng của bên cung cấp pin được sản xuất từ nguồn khoáng côban từ Congo, trong đó có Apple và Microsoft. Tuy nhiên họ cho biết họ không rõ nguồn gốc của côban cũng như nơi sản xuất của nó. Samsung SDI - chuyên sản xuất pin cho các điện thoại Samsung và Apple - cho rằng không thể nào xác định nguồn gốc của côban có trong pin vì công ty Huayou không nằm trong chuỗi cung ứng của họ.
Nhà sản xuất ô tô Volkswagen cho rằng họ có làm việc với bên cung cấp pin mà Amnesty đang điều tra, nhưng có nói thêm: "Theo như chúng tôi được biết thì côban trong pin của chúng tôi không có nguồn gốc từ Congo." Nhà sản xuất xe Daimler cho rằng họ không thể xác định được nguồn gốc côban có trong sản phẩm pin của mình.
Điều đáng lo ngại ở đây là đa số các công ty đều không có những động thái cần thiết để điều tra nguồn gốc sản phẩm của mình và đẩy lùi vấn nạn bóc lột sức lao động trẻ em. Hiện vẫn có bộ luật quy định các công ty ở Mỹ phải công bố nguồn gốc của các khoáng sản trong sản phẩm của mình như thiếc, vonfram, tantali và vàng nhưng vẫn chưa có bộ luật bảo vệ người lao động ở các mỏ khai thác côban.
Amnesty đề nghị chính phủ Congo mạnh tay hơn về vấn đề bóc lột sức lao động trẻ em và an toàn lao động ở các mỏ khai thác khoáng này. Và họ cũng nhắc các công ty công nghệ nên có một sự hiểu biết sâu hơn về nguồn gốc khoáng sản có trong sản phẩm của mình. Trong đầu tháng này, Intel vừa cam kết sẽ chấm dứt sử dùng nguồn nhiên liệu từ các nơi đang có giao tranh vào cuối năm 2016.
Như vậy đã có tia hy vọng cho các trẻ em/công nhân ở các mỏ khoáng Congo, nhưng các công ty công nghệ nên chung sức để khiến việc bóc lột sức lao động này sẽ không còn diễn ra trong tương lai.
Tham khảo TheNextWeb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương