Apple: Trót chung giường với "giặc"

    PV,  

    Apple đau đầu nghĩ kế chia tay Samsung mà không đặng. Bằng chứng? Cứ nhìn nỗ lực của công ty này nhằm tìm một nhà cung cấp chip khác thay cho đối thủ đáng gờm Samsung là biết.

    Tháng trước, sau nhiều năm trì hoãn vì lý do kỹ thuật, Apple cũng ký được thỏa thuận với Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để làm chip từ năm 2014.

    Dù có thỏa thuận trên, tới hết năm sau Samsung vẫn là nhà cung cấp chính của Apple.

    Apple là một trong những khách hàng mua nhiều bộ vi xử lý và chip nhớ nhất từ Samsung. Nhưng hai công ty lại đối đầu trực diện trên thị trường điện thoại và suốt hai năm qua kiện tụng triền miên về hình dáng, cảm nhận và tính năng của sản phẩm mỗi hãng.

    Một thập kỷ trước, khi chưa cạnh tranh, họ là “đối tác tin cậy”. Thế rồi Samsung tiến sang mảng smartphone, mà nay sản lượng đã vượt xa iPhone. Năm ngoái, lãnh đạo Apple còn nói phụ thuộc vào Samsung khiến Apple khó tự quyết định số phận chính mình vì sức mạnh đàm phán hạn chế và khó dùng các công nghệ khác nhau.

     Mua những chỗ khác "không tốt, nên vẫn phải nhờ đến Samsung"

    Mua những chỗ khác "không tốt, nên vẫn phải nhờ đến Samsung"

    Apple hiện đã ngừng mua màn hình iPhone và giảm mua màn hình iPad Samsung. Apple cũng đang mua bộ nhớ flash từ các công ty khác.

    Tuy thế bộ vi xử lý kiểm soát iPod, iPhone và iPad thì vẫn là hàng Samsung. Một số iPad loại mới nhất vẫn đang dùng màn hình Samsung.

    Hóc hiểm ở chỗ, Samsung là nhà sản xuất lớn nhất thế giới của bộ vi xử lý, bộ nhớ và màn hình độ phân giải cao, toàn những thứ Apple cần cả. Apple cũng từng dành hơn 5 năm làm việc với Samsung để có con chip của riêng mình. Giờ ba chữ “lại từ đầu” nghe thật nản.

    Mua những chỗ khác “không tốt, nên vẫn phải nhờ đến Samsung,” Chủ tịch Michael Marks của SanDisk, công ty đang bán thẻ nhớ cho Apple, nói. Thêm nữa, ngành công nghệ đang bão hòa, chẳng còn mấy tay chơi lớn mà chọn. “Vì chẳng còn ai nên mới có cảnh “đồng sàng dị mộng” kỳ cục như thế."

    Thỏa thuận mua chip từ TSMC là một bước ngoặt. Từ lâu Apple đã muốn có bộ vi xử lý của riêng mình. Họ từng mua một công ty chip vào năm 2008 để thiết kế nó, nhưng tới nay, Apple vẫn phải phụ thuộc vào Samsung.

    Đầu năm 2010, Apple và TSMC bắt đầu bàn chuyện phát triển con chip chung. Đến năm 2011, lãnh đạo cấp cao TSMC và Apple gặp nhau lên kế hoạch hợp tác sản xuất.

    Apple muốn đầu tư vào TSMC hoặc TSMC phải sắp xếp khu vực sản xuất chip Apple riêng trong nhà máy của mình. Chủ tịch Morris Chang của TSMC từ chối cả hai yêu cầu trên vì công ty muốn duy trì vị thế độc lập cùng khả năng sản suất linh hoạt.

    TSMC dự định sẽ sản xuất hàng loạt loại chip này vào đầu năm sau bằng công nghệ tiên tiến “20-nanomet” giúp con chip nhỏ và tiết kiệm năng lượng hơn.

    Apple: Trót chung giường với "giặc"
     

    Về phần Samsung, họvẫn muốn hữu hảo với Apple do đây khách mua linh kiện nhiều nhất và đóng góp quan trọng vào lợi nhuận của Samsung.

    Đơn hàng linh kiện từ Apple năm ngoái lên tới 10 tỷ USD so với doanh số 59,13 tỷ USD từ toàn bộ phận linh kiện của Samsung (bao gồm cả chip và màn hình). Trong đó, bộ vi xử lý cho Apple mà hiện Samsung là nhà cung cấp duy nhất góp tới 5 tỷ.

    Apple và Samsung “đồng sàng” từ thời iPod mới xuất hiện đầu những năm 2000. Trong vài năm đầu, iPod dùng ổ cứng loại nhỏ, nhưng sau Apple muốn thay bằng thẻ nhớ flash, đáng tin cậy hơn mà cũng đỡ tốn pin hơn.

    Vấn đề là thẻ nhớ vừa đắt mà giá cả lại không ổn định. Khi cầu iPod tăng vọt, Apple ký hợp đồng với Samsung để có nguồn cung cố định. Chiếc iPod Shuffle đầu tiên dùng thẻ nhớ Samsung lên kệ vào năm 2005.

    Cùng lúc đó, Apple còn tìm cả bộ vi xử lý cho iPod vì lo đối tác lúc ấy là PortalPlayer không đồng ý với một số điều khoản.

    Samsung thắng thầu cung cấp một phần và đến khi iPhone chào đời năm 2007, “não bộ” của chiếc điện thoại này cũng là “hàng Samsung”.

    Nhưng Apple không mù mà không thấy tham vọng của Samsung dù cho hãng điện từ Hàn Quốc có trấn an rằng họ đã tách riêng hai bộ phận và cam kết không để lãnh đạo hai bộ phận này trao đổi thông tin.

    Một số quan chức Apple không thích nhìn cảnh mình làm giàu cho góc này của Samsung còn góc kia lại tấn công mình mãnh liệt. Và cho Samsung biết Apple nghĩ gì về triển vọng kinh doanh thì còn khó nuốt hơn.

    Năm 2008, Apple bắt đầu tìm nguồn cung thẻ nhớ từ nơi khác. Năm 2009, công ty tuyên bố trả trước cho 500 triệu USD cho Toshiba để sản xuất thẻ nhớ. Lúc ấy, Apple phải nhờ tới Samsung mới có loại thẻ nhớ NAND.

    Đây là bước đi đúng. Hơn 5 năm trước, Samsung cung cấp phần lớn thẻ nhớ NAND và chip DRAM cho thiết bị di động cho Apple. Nay, phần mua từ Samsung giảm xuống dưới 10%.

    Apple cũng đã chia tay với màn hình Samsung. Chất lượng màn hình là một yếu tố ngày càng quan trọng giúp sản phẩm Apple “đứng riêng” so với các hãng khác. Khi Apple giới thiệu iPhone 4 vào năm 2010, họ gọi màn hình mới là “màn hình retina” để người ta chú ý tới độ phân giải cao của nó.

    Theo Apple, muốn thoát khỏi tay Samsung thì phải xử lý được câu chuyện màn hình. Màn hình là khuôn mặt của một chiếc điện thoại, nếu mua màn hình từ đối thủ cạnh tranh, cũng tức là chia sẻ một số thông tin quan trọng về sản phẩm mới.

    Apple ngừng dùng màn hình Samsung cho chiếc iPhone 4 ra mắt năm 2010. Công ty này đã giúp các nhà sản xuất khác như Sharp và Toshiba mở rộng nhà xưởng.

    Nhưng nào có dễ mà bỏ được Samsung. Năm 2011, khi Apple đang thiết kế chiếc iPad thế hệ thứ ba, họ nhờ Sharp sản xuất màn hình độ phân giải cao cho iPad mới. Nhưng khi Apple ra mắt The New iPad vào tháng 3/2012, họ vẫn phải dùng màn hình Samsung là chủ yếu vì Sharp trễ hẹn giao hàng do không sản xuất hàng loạt nổi với công nghệ mới.

    Tháng 3 năm nay, Samsung vừa đồng ý mua 3% cổ phần của Sharp và mua thêm màn hình LCD từ công ty điện tử Nhật. Thỏa thuận này sẽ biến Samsung thành cổ đông lớn thứ 5 và là khách hàng then chốt của Sharp. Thế là tiếng nói của Apple lại càng kém trọng lượng.

    Theo CafeF
     Trí Thức Trẻ/The Economist

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ