“Bó tay” từ cái sạc pin, tai nghe...

    Tuấn Anh,  

    Trong danh sách các linh kiện của Samsung đề nghị phía VN tìm đối tác sản xuất có cái rất đơn giản như: sạc pin, cáp USB... nhưng DN trong nước vẫn bó tay.

    Ông Trương Thanh Hoài, phó vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Bộ Công thương, cho biết như vậy.

    Trao đổi với chúng tôi, ông Hoài nói: Thực tế công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ở VN, ngoại trừ ngành xe máy linh phụ kiện trong nước cung cấp được đến 85-90% do áp lực buộc phải giảm giá thành phát triển trong nước khi xe máy Trung Quốc giá rẻ ập vào, còn lại nền CNHT chúng ta vẫn rất hạn chế.

    “Bó tay” từ cái sạc pin, tai nghe...

    Sản xuất điện thoại di động tại Khu tổ hợp công nghệ cao Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Yên Phong, Bắc Ninh - Ảnh: T.V.N.

    "Chúng tôi mới được Tập đoàn Samsung cung cấp danh sách trên 170 linh kiện, phụ tùng mà VN có thể làm để cung ứng cho Galaxy S4 và Tab7 của họ. Tuy nhiên khi hỏi các hiệp hội, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp điện tử đã có 40-50 năm truyền thống, câu trả lời là: chưa làm được (không đáp ứng được công nghệ và giá thành)! Mà trong đó có những linh kiện nghe rất đơn giản như cái sạc pin, cáp USB, vỏ nhựa, tai nghe..."

    Samsung cho biết chỉ riêng sạc pin các loại, mỗi năm họ cần khoảng 400 triệu chiếc. Tôi chỉ tính nếu VN làm được, mỗi sạc pin lãi 0,5 USD, mỗi năm VN đã có 200 triệu USD. Đó là cơ hội lớn nếu nắm bắt được.

    “Bó tay” từ cái sạc pin, tai nghe...

    Ảnh: Nguyễn Khánh

    Điều quan trọng hơn, đó là cơ sở để phát triển nền sản xuất, gắn kết các doanh nghiệp VN vào chuỗi sản xuất toàn cầu, dần nâng cao công nghệ của đất nước... Hiện do CNHT của VN chưa phát triển, phải dựa vào linh kiện và phụ tùng nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) đã làm tăng chi phí sản xuất, tăng nguy cơ nhập siêu, tính cạnh tranh của sản phẩm thấp.

    Vì vậy, đứng trước nhu cầu vô cùng cấp thiết phải phát triển CNHT, Bộ Công thương vừa trình dự thảo nghị định mới, với tư duy và cách làm mới, để phát triển được CNHT. Trước đây, đã có một quyết định của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ cho CNHT. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã ba năm, chỉ duy nhất có một dự án Kyocera ở Hải Dương được hưởng cơ chế này.

    * Ông có thể cho biết cái khác cơ bản của cơ chế ưu đãi CNHT trong nghị định mới so với hiện nay?

    - Cơ chế mới sẽ không chỉ ưu đãi mà còn hỗ trợ, giúp gây dựng năng lực để doanh nghiệp có thể làm CNHT.

    Đặc thù sản phẩm CNHT là thường xuyên thay đổi thiết kế, mẫu mã để phù hợp với sự thay đổi của sản phẩm chính, trong khi năng lực thiết kế, thử nghiệm là thách thức rất lớn đối với phần lớn doanh nghiệp Việt Nam, vì cần đầu tư máy móc đắt tiền.

    Do vậy, dự thảo nghị định Bộ Công thương có Chương trình quốc gia phát triển CNHT để thống nhất chỉ đạo điều hành, trong đó sẽ thành lập các trung tâm phát triển CNHT tại các vùng kinh tế trọng điểm.

    Các trung tâm này sẽ hỗ trợ chuyên gia, thiết kế mẫu mã, sản xuất thử nghiệm sản phẩm, kết hợp kiểm nghiệm và kiểm tra chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn để doanh nghiệp kịp điều chỉnh, đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn.

    Đồng thời, trung tâm cũng giúp thúc đẩy kết nối mạng lưới tiêu thụ. Nghĩa là tất cả khâu khó, các trung tâm này sẽ giúp, làm giảm chi phí cho doanh nghiệp.

    Tìm hiểu thực tế cơ chế phát triển CNHT của Hàn Quốc, chúng tôi thấy họ có mô hình này. Doanh nghiệp CNHT Hàn Quốc đã phát triển ở trình độ rất cao, xuất siêu linh kiện và vật liệu hằng năm 100 tỉ USD mà vẫn cần những trung tâm hỗ trợ. Doanh nghiệp VN năng lực còn hạn chế, nếu không có thì khó lòng làm được.

    Hiện nay, Chính phủ Hàn Quốc đã tài trợ 20 triệu USD nguồn vốn ODA để xây dựng vườn ươm công nghệ tại Cần Thơ. Vì vậy, hướng tới chúng tôi bước đầu có thể mời chính các chuyên gia Hàn Quốc làm giám đốc kỹ thuật các trung tâm, tiếp theo đưa chuyên gia của họ sang, rồi cùng chuyên gia của VN để hỗ trợ doanh nghiệp.

    * Nghị định cũng đề ra quỹ hỗ trợ CNHT với số vốn 2.000 tỉ đồng?

    - Chính nhờ phát triển tốt CNHT mà Trung Quốc đã tạo ra được nền tảng công nghệ, giảm giá thành sản xuất, xuất siêu rất lớn sang VN. Nhập khẩu sản phẩm CNHT dự kiến năm 2014 của ngành điện - điện tử, dệt may và da giày vô cùng lớn, dự kiến khoảng 53 tỉ USD.

    Nên chúng tôi đề xuất lập quỹ, Nhà nước sẽ cấp dần, để có vốn 2.000 tỉ đồng mang tính chất vốn điều lệ. Thực tế nguồn vốn này vẫn là quá nhỏ so với nhu cầu sản phẩm ngành CNHT, có thể đến 70 tỉ USD năm 2016.

    Vì vậy, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước mang tính chất mồi, cần phải kêu gọi đề nghị các nước hỗ trợ vốn ODA và phi chính phủ để vốn nhà nước trong quỹ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ, hạn chế vi phạm các cam kết quốc tế. Quỹ này sẽ hỗ trợ tài chính, bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp CNHT...

    Theo Cầm Văn Kình/Tuoitre

    >> 8 tháng, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đạt 15,2 tỷ USD

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ