Dù rất muốn mở rộng kinh doanh vào Việt Nam, Đông Nam Á, song các nhà mạng Trung Quốc đều lo sợ sự cạnh tranh khốc liệt đang diễn ra trên thị trường viễn thông Việt Nam.
Trong khi các nhà cung cấp thiết bị viễn thông Trung Quốc đã có chỗ đứng khá vững chắc trong cộng đồng Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), thì các hãng viễn thông Trung Quốc vẫn còn phải chật vật trên các thị trường này.
"Các nhà mạng Trung Quốc như China Mobile, China Unicom và China Telecom đều muốn thâm nhập các thị trường trên toàn cầu, nhưng nhiều thị trường hiện đã đạt đến độ bão hòa và rất khó cho một tên tuổi mới gây ấn tượng trên thị trường đó", Andrew Kitson, nhà phân tích cấp cao về công nghệ thông tin của hãng nghiên cứu Business Monitor International (BMI) nói.
Ông Andrew Kitson cho rằng thị trường viễn thông Lào, Campuchia cũng như Việt Nam đều mang lại các tiềm năng rất tốt, nhưng có quá nhiều nhà mạng di động đã được cấp phép trên các thị trường này, nên cơ sở hạ tầng ở đây đã được đầu tư rất mạnh mẽ và các công ty cũng mạnh tay quảng bá thương hiệu. Các cuộc chiến tranh giá đang diễn ra khốc liệt giữa các nhà mạng trên những thị trường này, khiến lợi nhuận giảm sút và một số hãng đã phải ra đi.
Chuyên gia phân tích của BMI lấy ví dụ ngay thị trường Việt Nam, 3 nhà đầu tư nước ngoài lớn đã phải rút khỏi Việt Nam từ năm 2005. Comvik của Thụy Điển chính là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên thâm nhập vào thị trường viễn thông Việt Nam với tư cách là một nhà mạng, song cũng là hãng đầu tiên phải rút lui khỏi thị trường, sau đó lại đến SK Telecom của Hàn Quốc và VimpelCom của Nga.
Chính vì thế, BMI cho rằng các nhà mạng Trung Quốc chỉ nên tìm kiếm cơ hội ở Myanmar. "Trong thời gian này, cơ hội tại các thị trường Lào, Campuchia và Việt Nam rất ít và sẽ là rủi ro khi đầu tư vào đây", Kitson nói.
Tại các thị trường đã phát triển như Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Philippines, cạnh tranh đã rất mạnh. Trong khi các nhà cung cấp giải pháp/dịch vụ CNTT và thiết bị Trung Quốc có rất nhiều cơ hội tại những nước này, thì các nhà mạng Trung Quốc lại hầu như không có cơ hội tại đây, vì thị trường đang bị nắm giữ bởi các công ty trong nước và khu vực. Không kiếm được doanh thu ở thị trường nước ngoài khiến sự tăng trưởng của các nhà mạng Trung Quốc gặp nhiều bất lợi.
Trong năm 2012, số liệu cho thấy chỉ có 5,5% doanh thu của ngành công nghiệp viễn thông Trung Quốc đến từ các thị trường nước ngoài, giảm so với mức 6% của năm 2011.
Theo Bảo Bình - ICTnews
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android