"Cái bóng của VTV" và độc quyền truyền hình trả tiền

    PV,  

    Các công ty con của VTV đang chi phối thị trường.

    Thời gian qua, dư luận đã nói nhiều về vị thế độc quyền của VTV trên thị trường truyền hình trả tiền (THTT) Việt Nam nhưng không hiểu vì lí do gì các bộ ngành chức năng vẫn chưa có động thái xem xét, giải quyết để giúp cho thị trường phát triển lành mạnh hơn.

    "Cái bóng của VTV" và độc quyền truyền hình trả tiền 1
    Thị trường truyền hình đang dần bị độc quyền hóa?


    Hiện, VTV nắm trong tay ba công ty con: VCTV thống lĩnh thị trường phía Bắc với hơn một triệu thuê bao; SCTV mạnh nhất ở thị trường phía Nam với hơn 1,5 triệu thuê bao; K đang trở thành nhà đài cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh hàng đầu với hơn 400.000 thuê bao. Sơ bộ, VTV có hơn 3 triệu thuê bao trên tổng số trên dưới 4,5 triệu thuê bao của toàn thị trường, chiếm hơn 70% thị phần.


    Có thể lấy một trường hợp để ra so sánh. Đó là VNPT. Vào thời điểm hiện nay, VNPT có hai “đứa con” là MobiFone và VinaPhone song cả hai gộp lại thì cũng chưa chiếm tới 70% thị phần. Thế nhưng bất cứ một động tĩnh nào định sáp nhập hai nhà mạng này lại đều bị dư luận phản ứng và các chuyên gia phân tích rằng VNPT có động thái độc quyền, vi phạm luật cạnh tranh.


    VTV dù chưa thực hiện sáp nhập các công ty trực thuộc hoặc có cổ phần, nhưng động thái VCTV, SCTV cùng với Hiệp hội THTT (thực chất do người liên quan tới VTV nắm) kiến nghị với các bộ ngành chức năng đề nghị không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp đã thể hiện quá rõ tham vọng thống lĩnh dần đi đến thế độc quyền của VTV. Khi đã đạt được mục đích, lúc đó VTV muốn gì, đưa ra giá cước ra sao, thì người tiêu dùng phải chịu chứ chẳng còn chọn lựa nào khác.


    Trên thực tế thời gian qua, VTV đã dần thâu tóm một số công ty truyền hình cáp ở phía Bắc và phía Nam, đồng thời tranh thủ lúc còn ngăn bước được Viettel, VNPT, FPT nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp nên đã ra sức củng cố các lợi thế. Đơn cử như việc kí kết để có ưu đãi trong việc thuê cột điện với EVN. Ai cũng thấy được là EVN có quá nhiều điểm yếu và ngại công luận xoáy vào. Với uy thế của một đài truyền hình quốc gia, khi đề cập tới vấn đề gì tất nhiên sẽ tạo ra tiếng nói trọng lượng và tầm ảnh hưởng. Chính vì thế mà EVN kí kết hợp tác với VTV chứ không phải là nhà đài nào khác.


    Có thể nói, VTV và các công ty con cũng thấy được rằng về lâu dài không thể ngăn bước được Viettel hay VNPT bước vào lĩnh vực truyền hình cáp, cũng như động thái hướng đến thế độc quyền của họ không bao giờ được dư luận và người tiêu dùng đồng thuận. Bởi trong ba năm qua, VCTV và SCTV đã tăng giá cước thuê bao đến mấy lần, đẩy mức cước từ 44.000 đồng/tháng lên 110.000 đồng/tháng như hiện nay. Có nghĩa là giá cước đã tăng đến 250%. Vậy thì, nếu để họ tiếp tục lớn mạnh với vị thế gần như độc chiếm thị trường như hiện nay, sắp tới xảy ra việc tăng giá cước nữa thì hệ luỵ đối với quyền lợi người tiêu dùng càng lớn.


    Viettel dường như đã chuẩn bị xong hạ tầng kĩ thuật và đội ngũ cho dịch vụ truyền hình cáp của mình. Thế nhưng lúc này, cái vướng còn lại của họ chính là giấy phép, vì bị VCTV, SCTV và Hiệp hội THTT ngăn cản. Tuy nhiên trong một hội nghị dịp cuối năm 2012, đích thân Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu Bộ TT&TT xem xét cấp phép dịch vụ truyền hình cáp cho Viettel. Hồ sơ xin phép của Viettel đang ở trên bàn của lãnh đạo bộ và trong vòng xem xét. Nhưng vấn đề là, sự xem xét cũng cần khẩn trương, để thị trường có những công ty đủ tiềm lực làm đối trọng với VTV, tránh cho thị trường một cuộc thôn tính một chiều hướng đến độc quyền của VTV. Hiện nay trên thị trường còn có một số đơn vị cung cấp dịch vụ khác như HTVC, HCTV, AVG… nhưng không đủ lực để cạnh tranh với VTV. Tất cả đang trông chờ vào sự nhập cuộc của Viettel để giúp cho thị trường phát triển lành mạnh hơn. Mà sự nhập cuộc sớm hay muộn của Viettel lại đang hoàn toàn phục thuộc vào động thái của Bộ TT&TT…


    Theo Thế Lâm
    Vietnamnet

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ