Hiệp hội truyền hình trả tiền "trích dẫn không đầy đủ"
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội truyền hình trả tiền (THTT) đề nghị không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) khẳng định hiệp hội này đã “trích dẫn không đầy đủ”…
Không trái luật
Như Pháp luật Việt Nam đã có bài phản ánh, để “kìm hãm” sự cạnh tranh, nửa cuối năm 2012, Hiệp hội THTT Việt Nam, VTV, VCTV và SCTV đã đồng loạt “nã pháo” kiến nghị cơ quan quản lý không cấp phép dịch vụ truyền hình cáp thêm cho “người mới”. Trong khi đó, các doanh nghiệp viễn thông đang rục rịch nhòm ngó phần “bánh ngọt” này cũng bị tố là “đầu tư ngoài ngành”.
Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành, toàn bộ việc đầu tư phát triển hạ tầng, bao gồm cả viễn thông, internet, truyền hình (có dây và không dây)… đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông. Còn việc sản xuất nội dung chương trình, kênh chương trình lại do Luật Báo chí điều chỉnh.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp viễn thông như VNPT, Viettel, FPT... khi tham gia vào thị trường truyền hình cáp, nếu chỉ dừng lại ở mức làm hạ tầng, triển khai mạng, cung cấp dịch vụ thì vẫn thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Viễn thông và vẫn là ngành cốt lõi của họ. Ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) nói rằng, việc Viettel, FPT xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp không phải là đầu tư ngoài ngành. Theo đó, những đơn vị này chỉ vi phạm đầu tư ngoài ngành nếu chuyển sang sản xuất nội dung, kênh chương trình giống như các đài VTV, VTC... đang làm.
Cũng theo ông Hải, trên hạ tầng mạng, các DN cung cấp càng nhiều dịch vụ càng tốt, Cục Viễn thông khuyến khích DN tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể cả truyền hình cáp vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy, Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch vụ khác chứ không riêng gì truyền hình.
Khuyến khích tham gia
Ông Hải cho rằng, Cục Viễn thông sẽ xem xét khả năng hạ tầng mạng của các doanh nghiệp và theo quy định mới là đầu tư vào dịch vụ gì thì phải cam kết thời gian đầu làm đến đâu, đầu tư bao nhiêu, khi xác định các DN có đủ điều kiện này thì cho phép cung cấp dịch vụ.
Liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội THTT đề nghị không cấp thêm giấy phép dịch vụ truyền hình cáp, ngày 20/3, Bộ TT&TT cũng đã chính thức có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu quan điểm xung quanh việc các DN xin gia nhập thị trường THTT. Theo Bộ TT&TT, Hiệp hội THTT đã “trích dẫn không đầy đủ” nội dung quy định tại quyết định 22 và 2451.
Theo đó, việc chấm dứt phát sóng truyền hình analog tại 5 thành phố trực thuộc trung ương vào năm 2015 và chấm dứt phát sóng truyền hình analog mặt đất chỉ áp dụng với phương thức “phát thanh, truyền hình analog mặt đất”, không áp dụng đối với “truyền hình cáp analog”. Quyết định 22 chỉ quy định “ngừng việc sử dụng công nghệ truyền hình cáp analog trước năm 2020 để chuyển hoàn toàn sang công nghệ số”.
Quan điểm của Bộ TT&TT cũng cho rằng, do xu hướng hội tụ công nghệ, trên một sợi cáp viễn thông có thể cung cấp các dịch vụ thoại, Internet và truyền hình, nên việc khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ THTT là điều cần thiết.
Bộ TT&TT cho rằng, định hướng quy hoạch là ưu tiên cấp phép cho các doanh nghiệp có cam kết đầu tư để cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, dịch vụ truyền hình số hoặc có cam kết lộ trình rõ ràng và khả thi khi chuyển đổi hoàn toàn sang dịch vụ truyền hình số theo quy định.
Có thể nói, với định hướng này, “miếng bánh thị phần” sẽ được chia đều và điều mà người xem chờ đợi về một thị trường truyền hình trả tiền bình đẳng có thể sẽ được thiết lập trong thời gian tới.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android