Con đường đến Product Hunt của Startup Việt gọi vốn thành công hàng chục nghìn USD

    Tuấn Anh,  

    Product Hunt là cộng đồng mà bất cứ startup nào cũng muốn chinh phục.

    bài viết trước, chúng tôi đã gửi tới độc giả những chia sẻ của anh Leo Trieu, người đã gọi vốn thành công hàng chục nghìn USD cho startup của mình là Code4Startup (Startup về các khóa học lập trình online) trên trang góp vốn KickStarter. Chia sẻ của anh phần nào cho chúng ta thấy được dù bạn có dự án tốt, nắm trong tay sản phẩm tiềm năng nhưng không có sự tìm hiểu, không chuẩn bị kỹ càng khi tiến ra thị trường thì có thể thất bại bất cứ lúc nào.

    Trong bài viết này, chúng tôi xin được chia sẻ thêm những chiến lược và bài học kinh nghiệm trong quá trình đưa Code4Startup tới với Product Hunt của founder Leo Trieu. Với những người làm startup, Product Hunt (PH) có lẽ không còn xa lạ. Khi sản phẩm được xuất hiện tại PH và lại ở vị trí cao không chỉ là một vinh dự mà còn đem lại lợi ích trực tiếp rất lớn, đặc biệt với những startup xác định vươn tới người dùng trên toàn thế giới.

    Nói rõ hơn về Product Hunt: Đây là một cộng đồng gồm rất nhiều thành viên là các Founder, CEO, CTO< Growth Hacker, Marketer của nhiều startup trên toàn thế giới. Hàng ngày, các thành viên sẽ tìm kiếm những sản phẩm (có thể là ứng dụng, website hoặc một sản phẩm vật lý) hay hoặc hữu ích, sau đó chia sẻ trên website. Chúng ta gọi những người đó là Hunter.

    Các thành viên khác sẽ vào và vote cho những sản phẩm họ thấy ấn tượng. Điều đặc biệt là không phải ai cũng có thể đăng ký làm thành viên trên PH. Muốn được làm thành viên tại đây, yêu cầu bắt buọc là họ phải nhận được lời mời từ những người đã là thành viên của PH. Điều này nhằm đảm bảo chất lượng rất cao của cộng đồng tại đây.

    Giai đoạn 1: Pre Launch

    Bước chuẩn bị trước khi chạy vô cùng quan trọng, rất nhiều người mắc sai lầm khi bỏ qua hoặc làm sơ sài bước này mà chỉ trực tiếp đăng sản phẩm lên PH, dẫn tới kết quả không được như mong muốn. Các bước cần có:

    - Bước 1: Xây dựng một danh sách email của subscribers từ trước đó, trong trường hợp của Code4Startup là khoảng 1,000 emails từ bước làm Landing Page (xem ở bước dưới).

    - Bước 2: Trước khi bắt đầu chạy trên PH, cần chuẩn bị và thiết kế Landing Page một cách tối ưu (website sẽ không còn ở dạng "Coming soon" mà chuyển sang Beta hoặc đã chạy chính thức). Cần đảm bảo được những thông điệp mà startup của mình muốn truyền tải rõ nét nhất nhưng thật đơn giản, ngắn gọn vì người xem sẽ chỉ bỏ ra khoảng 2-3 giây lướt nhanh qua nó.

    Đối với Code4Startup, founder Leo Trieu đã nhấn mạnh dòng chữ: Learn Ruby on Rails, Angular JS, NodeJS và Real-life Startup. Sau đó là CTA button to, nền đỏ đậm, chữ trắng (Create Free Account). Khi người dùng nhấn vào CTA button này, họ sẽ được chuyển đến đến trang đăng ký - nơi mà chúng ta đưa ra cho họ lựa chọn đăng ký nhanh bằng Facebook, Google và Github. Kết quả là conversion rate đạt 23.8% (không tệ).

    - Bước 3: PH là một cộng đồng, nơi chỉ chấp nhận đăng ký thành viên nếu có lời mời và sử dụng twitter nên bắt buộc bạn phải tạo một tài khoản twitter cho cá nhân và sản phẩm. Tuy nhiên việc tạo tài khoản không chỉ dùng để đăng ký, mà nó còn có ý nghĩa rất lớn khi các thành viên theo dõi sản phẩm, họ thường có xu hướng xem tài khoản twitter về thông tin xoay quanh sản phẩm đó. Nếu không có một profile "dễ nhìn", sản phẩm của bạn rất khó có thể gây thiện cảm cho các thành viên khác.

    Twitter còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nó chưa thực sự phổ biến như Facebook nên không nhiều người sở hữu tài khoản twitter ấn tượng. Để khắc phục tạm thời, bạn có thể mua followers và đây được coi là chuyện bình thường, không bị tính là gian lận. Với Code4Startup, founder cũng đã mua followers từ trước đó.

    - Bước 4: Cần tìm một Hunter có lượng followers lớn. Điều này vô cùng quan trọng bởi nếu Hunter đó đăng sản phẩm của bạn lên PH, hệ thống sẽ tự động gửi email đến tất cả người theo dõi của hunter đó để thông báo về sự kiện.

    Giả sử, Hunter sở hữu 4,000 followers đồng nghĩa với việc sản phẩm của bạn đã được 4,000 người biết tới thông qua email (tất nhiên trong đó sẽ có một số tài khoản ảo, tuy nhiên với PH, con số này sẽ không cao).

    - Bước 5: Trước khi chính thức chạy sản phẩm khoảng 3-5 ngày, bạn nên thông báo tới bạn bè, người quen và cả subscribers bằng email, Twitter, Facebbook, LinkedIn, Reddit hoặc Slack. Nói với họ để họ nhận thức được bạn sẽ launch trên PH trong vài ngày tới.

    - Bước 6: Cần chuẩn bị ảnh về sản phẩm về team của bạn, những đoạn script nhỏ (Ví dụ về tính năng sản phẩm, quá trình bạn phát triển sản phẩm, giới thiệu về mỗi cá nhân trong team,...) và đặt chúng trên Dropbox. Đây là bước dự phòng bởi khi có yêu cầu từ người dùng hoặc từ các kênh truyền thông về một bài giới thiệu sản phẩm, phỏng vấn thì bạn có thể phản ứng nhanh khi đã chuẩn bị trước.

    Giai đoạn 2: During Launch

    Thời gian để launch tốt nhất là vào thứ 3 hoặc thứ 4, từ 9-11h sáng (GMT-7, giờ Ssan Francisco). Giai đoạn này được tính trong khoảng 24 tiếng sau khi sản phẩm của bạn nằm ở feature trên PH.

    Ngay sau khi launch, bạn có thể gửi email, Tweet, chia sẻ link trên Facebook, LinkedIn, Reddit hay Slack và nhấn mạnh rằng sản phẩm của bạn đã được đăng trên Product Hunt.

    Có một mẹo nhỏ ở đây trong việc theo dõi xem có bao nhiêu người chia sẻ và tương tác với link đó, là việc dùng dịch vụ rút gọn link bit.ly. Bạn tạo một tài khoản trên bit.ly và tạo đường link ngắn gọn cho link đến sản phẩm trên trang Product Hunt của bạn.

    Ví dụ trang Product Hunt của Code4Startup là: http://www.producthunt.com/tech/code4startup, sau khi rút gọn sẽ là: http://bit.ly/1hcXtzT. Bạn sẽ dùng đường link ngắn gọn này cho tất cả các bài đăng liên quan thay vì đường link dài. Bằng cách này chúng ta sẽ theo dõi được có bao nhiêu chia sẻ, bao nhiêu click và đó là những nguồn nào.

    Ngay khi sản phẩm xuất hiện trên Product Hunt, bạn sẽ là người tạo comment đầu tiên. Comment này vô cùng quan trọng bởi nó là cơ hội để bạn giới thiệu ngắn gọn về sản phẩm của mình.

    Nên nhớ: Keep it SHORT and SWEET.

    Sau đó sẽ có nhiều thành viên khác và comment và bạn phải đảm bảo trà lời đầy đủ những thắc mắc của họ trong thời gian sớm nhất có thể. Cần lưu ý rằng Founder hoặc CEO nên trả lời trực tiếp từng câu hỏi thay cho maketer hoặc PR team, vì như vậy sẽ thể hiện sự tôn trọng đối với thành viên khác.

    Nên để ý từng thành viên comment ở trang sản phẩm của bạn, bởi rất có thể đó là những CEO hoặc Founder của các startup khác. Nếu họ nhận thấy tiềm năng từ startup của bạn, họ sẽ lập tức mời chào, đó có thể là lời mời partnership hoặc đơn giản là một interview. Cần nắm thật nhanh những cơ hội như vậy.

    Ở bước này, thời gian vô cùng quan trọng. Trong 2 tiếng đồng hồ đầu tiên, bạn cần cố gắng đạt được ít nhất từ 50-100 vote thì mới hi vọng có được lợi thế cho tới cuối ngày. Sau 24 tiếng đồng hồ, PH sẽ lại sang một trang mới của ngày hôm sau, sản phẩm của bạn khó có thể giữ độ hot cho tới lúc đó. Chính vì vậy cần làm tất cả những gì có thể và nhanh nhất trong 24 giờ đầu. Nếu sắp xếp được một cuộc phỏng vấn từ truyền thông, cần được thực hiện trong khoảng thời gian này.

    Trong bước này, Code4Startup trong vòng 24 tiếng đã đạt được:
    - Hơn 32 nghìn page views
    - Hơn 2 nghìn người đăng ký mới (mặc dù bounce rate khá cao 52.49%)

    Trong bài viết tới, chúng tôi sẽ gửi tới độc giả chia sẻ về bước thứ 3, cũng là bước rất quan trọng (Post launch) của startup Code4Startup trên con đường chinh phục Product Hunt.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ