3 lý do khiến Intel mua lại Altera với giá kỷ lục

    TVD,  

    16,7 tỷ USD không phải là một con số nhỏ.

    Hôm thứ hai vừa qua, Intel đã hoàn thành thương vụ mua lại Altera với giá trị 16,7 tỷ USD. Đây cũng là thương vụ có giá trị lớn nhất trong lịch sử của Intel. Và tất nhiên, không phải tự dưng mà một hãng sản xuất chip xử lý lại đi mua một hãng sản xuất chip xử lý khác với số tiền khổng lồ như vậy.

    Trong một hội nghị mới đây, CEO Brian Krzanich của Intel đã tiết lộ 3 lý do chính mà đã khiến cho ông quyết định thực hiện thương vụ lịch sử này.

    Lý do thứ nhất, theo ông Krzanich là “Intel có thể cải tiến kiến trúc FPGA của Altera theo định luật Moore”. Hiện tại, quá trình sản xuất chip xử lý của Intel cũng như nhiều hãng khác đều đang được xác định trên một định luật Moore. Một định luật quy định rằng sức mạnh xử lý của các bộ vi xử lý sẽ tăng gấp đôi mỗi 2 năm hoặc 2 năm rưỡi.

     CEO Brian Krzanich của Intel.

    CEO Brian Krzanich của Intel.

    Các con chip FPGA của Altera là loại chip có thể được lập trình lại sau khi mua, mà không bị phụ thuộc và cố định bởi dây chuyền sản xuất. Và với các công nghệ sản xuất chip xử lý của Intel, nó có thể giúp cải tiến các con chip này và dễ dàng tiếp cận thị trường hơn.

    CEO của Intel cho biết: “Chúng tôi tin rằng có thể bổ sung thêm cho các công nghệ và dây chuyền sản xuất của Altera, để thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh hơn”.

    Lý do thứ hai mà vị CEO này đưa ra, đó là sự kết hợp giữa Intel và Altera có thể giúp tăng hiệu suất xử lý của các trung tâm dữ liệu. Vì các con chip FPGA của Altera đang ngày càng trở nên phổ biến hơn tại các trung tâm dữ liệu lớn, để xử lý những lượng dữ liệu khổng lồ.

    Intel sẽ kết hợp dòng chip Xenon của mình với các con chip FPGA của Altera để tăng hiệu suất xử lý lên cao hơn. Các công ty lớn cũng đang sử dụng đồng thời chip xử lý của Intel và kiến trúc FPGA của Altera để tăng thêm 50% hiệu suất. Tuy nhiên nếu Intel có thể kết hợp hai công nghệ này vào một sản phẩm, họ có thể tăng hiệu suất lên gấp 2 hoặc gấp 3 lần.

    Và lý do cuối cùng, đó là Intel cần phải thoát ra khỏi cái bóng của mảng kinh doanh chip xử lý cho PC. Khi mà thị trường PC đang chững lại và có dấu hiệu sụt giảm, nó gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới mảng kinh doanh chip xử lý máy tính của Intel.

    Chính vì vậy mà thương vụ sáp nhật Altera có thể giúp Intel mở ra các hướng đi mới và không còn phụ thuộc quá nhiều vào mảng kinh doanh chip PC. Mà một trong những hướng đi đó chính là sản xuất các con chip xử lý cho thị trường Internet of Things.

    Với kiến trúc FPGA, các khách hàng có thể dễ dàng lập trình lại để các con chip này hoạt động phù hợp với nhiều thiết bị khác nhau. Đây là một ưu điểm rất lớn của FPGA và sẽ hỗ trợ rất tốt cho xu hướng IoT, khi mà tất cả các thiết bị có thể kết nối với nhau thông qua mạng internet.

    CEO Krzanich cũng cho biết thêm rằng, một số công nghệ của Altera có thể giúp Intel giảm thiểu chi phí sản xuất, tạo ra những con chip tiết kiệm điện năng hơn và nhờ đó sẽ giúp cho hãng sản xuất chip này có ưu thế lớn hơn trước các đối thủ cạnh tranh.

    Các nhà đầu tư có vẻ cũng rất ủng hộ thương vụ thâu tóm này, khi mà ngay sau khi thông tin được công bố thì giá cổ phiếu của Intel đã tăng 1,5% và tiến đến 35,44 USD/cổ phiếu. Các chuyên gia nhận định mức giá này có thể lên đến 38 USD.

    Chuyên gia phân tích Ross Seymore của Deutsche Bank cho biết: “Chúng tôi ước tính Altera sẽ đóng góp 1,76 tỷ USD vào doanh thu của Intel trong năm 2016, và chiếm 53% trong tăng trưởng hàng năm của Intel đối với mảng kinh doanh chip xử lý trung tâm dữ liệu”.

    Tham khảo: BI

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ