Doanh nghiệp Nhật than phiền về chất lượng nhân lực CNTT

    PV,  

    Chất lượng nhân lực CNTT Việt Nam chưa đạt yêu cầu tuyển dụng, sử dụng của doanh nghiệp lại tiếp tục là vấn đề "nóng" tại Hội nghị quốc tế Gia công xuất khẩu phần mềm Việt Nam trong khuôn khổ Tuần CNTT Nhật Bản 2013.


    Nhan luc CNTT2.jpg
    Hoạt động đào tạo CNTT tại Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

    Ông Michio Hayashi, Chủ tịch Công ty Oartech cho biết rất ít kỹ sư người Nhật biết tiếng Anh nên khi doanh nghiệp Nhật Bản đặt hàng gia công phần mềm ở các nước khác như Việt Nam, Campuchia,… thường chỉ viết được yêu cầu công việc bằng tiếng Nhật. Trong khi đó, tại Việt Nam, kỹ sư CNTT biết tiếng Anh thì nhiều nhưng biết tiếng Nhật lại rất ít. Đã 2 - 3 năm nay Oartech tăng cường tìm kiếm các kỹ sư CNTT biết tiếng Nhật song vẫn chưa tìm đủ số người mình cần.

    Ông Ngô Văn Toàn, Phó Chủ tịch Công ty Global CyberSoft cho hay, trung bình hàng năm công ty này có nhu cầu tăng trưởng nhân lực 20 - 25% nhưng tích cực tuyển dụng cũng chỉ đạt được khoảng 10%. Nhu cầu nhân lực khá đa dạng, từ kỹ sư phần mềm, kỹ sư hệ thống nhúng, mobile,… đến nhân lực làm thiết kế, phân tích hệ thống, quản trị dự án… Khi làm việc với đối tác Nhật Bản thì nhu cầu nhân lực quản trị dự án được đặt lên hàng đầu, thế nhưng thực tế nhiều người làm quản trị dự án tại Việt Nam đi lên từ lập trình viên, có thể vững về hệ thống nhưng hạn chế về khả năng quản lý, quản trị nhân sự.

    Nhiều ý kiến tại Hội nghị cũng đồng thuận quan điểm cho rằng nhiều người làm công tác quản lý dự án (project manager - PM) tại Việt Nam chỉ tương đương cấp độ quản lý nhóm (team leader) chứ chưa đạt cấp độ Giám đốc dự án hoặc quản lý nhiều dự án (account manager), như vậy sẽ rất khó thuyết phục những khách hàng khó tính như Nhật Bản.

    Một trong những nguyên nhân khiến cho chất lượng nhân lực CNTT của Việt Nam chưa cao chính là những hạn chế trong hoạt động giáo dục, đào tạo. Sau nhiều năm tham gia Chương trình hợp tác đào tạo Việt - Nhật HEDSPI tại Đại học Bách Khoa Hà Nội, ông Shoichi Gondai rút ra nhận xét: “Các trường đại học ở Việt Nam dường như chỉ muốn áp đặt sinh viên ghi nhớ những gì học trên lớp. Khả năng giao tiếp của sinh viên CNTT Việt Nam khá kém bởi hoạt động đào tạo chủ yếu tập trung chuyên môn CNTT, trong khi đáng ra cần đào tạo cả các kỹ năng mềm. Việc trang bị kiến thức, kỹ năng làm việc nhóm rất cần thiết nhưng các trường đại học Việt Nam chưa làm được việc này”.

    Ông Shoichi Gondai cũng bày tỏ sự không hài lòng trước hiện tượng khi cho sinh viên tham gia thử dự án, đến khâu phân tích, tìm nguyên nhân vì sao 1 dự án thất bại, sinh viên Việt Nam thường không tự nhận lỗi mà hay đổ cho lý do khách quan.

    Tiếp nhận những ý kiến phản ánh trên, ông Lê Trường Tùng - Đại học FPT cho biết nhiều trường đại học ở Việt Nam như FPT đang tích cực cải thiện hiện trạng nhân lực để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp. Chẳng hạn, về việc gia tăng số lượng kỹ sư CNTT Việt Nam biết tiếng Nhật, Đại học FPT yêu cầu sinh viên ngoài tiếng Anh phải biết nói thêm 1 ngoại ngữ nữa, trong đó quy định khối CNTT bắt buộc học tiếng Nhật, khối kinh tế bắt buộc học tiếng Hoa. Bên cạnh đó, Đại học FPT đã triển khai chuyên ngành kỹ sư CNTT Nhật Bản (thống kê mỗi năm có khoảng 500 sinh viên Đại học FPT tốt nghiệp, trong đó 20% là kỹ sư CNTT Nhật Bản).

    Về việc cải thiện chất lượng nhân lực CNTT cấp cao, từ năm 2013, Đại học FPT bắt đầu đào tạo Thạc sĩ về Quản lý dự án, dự kiến năm nay đào tạo 100 thạc sĩ mảng này.

    Theo Xuân Bách
    Ictnews.vn

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ