FPT lại thay “tướng”: Mỗi ngày thêm già cỗi...

    PV,  

    Việc ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT - giới thiệu một cách khá “công kênh” về tân CEO Bùi Quang Ngọc (rằng: “… Hội đồng quản trị đã quyết định lựa chọn một người am hiểu sâu sắc FPT, có năng lực quản trị và tổ chức triển khai…”) không nói lên được gì nhiều, bởi điều người ta thực sự mong đợi chính là một thế hệ CEO trẻ và có đủ năng lực, đức độ...

     Ông Trương Gia Bình (trái) và ông Bùi Quang Ngọc (phải). 

    Ông Trương Gia Bình (trái) và ông Bùi Quang Ngọc (phải)

    Khủng hoảng nhân sự CEO trầm trọng

    Ngày 26.9.2012, khi ông Trương Gia Bình - người hơn ba năm trước đã chủ động nhường ghế CEO FPT lại cho ông Nguyễn Thành Nam - quay trở lại kiêm nhiệm chức tổng giám đốc, với người ngoài FPT có cảm thấy ít nhiều bất ngờ. Vì người ta nghĩ theo cách thông thường rằng, đã chủ trương trẻ hóa, không thành công ở người này thì đặt niềm tin vào người có năng lực khác. Song những gương mặt khá trẻ và trẻ (đối với chiếc ghế CEO FPT) vào thời điểm ấy, từ bà Chu Thanh Hà và Nguyễn Thế Phương cùng là “phó tướng” của CEO Trương Đình Anh khi ấy, cho đến Đỗ Cao Bảo, Hoàng Nam Tiến, đều không được tín nhiệm. Có thể FPT khi ấy sợ dớp “con chim bị bắn hụt thì sợ cành cong” trong việc trẻ hóa chăng?

    Với một người bình thường, khi đã muốn rút khỏi vị trí CEO đầy áp lực và mệt mỏi, bận rộn để “nhàn hạ” hơn với chức chủ tịch HĐQT được xem như là “thái thượng hoàng” tại FPT, nhưng cực chẳng đã phải quay trở lại như ông Trương Gia Bình, thì chắc chắn chỉ là giải pháp tình thế. Giải pháp tình thế đó duy trì gần 10 tháng, thì một lần nữa ông Bình lại lui về ghế chủ tịch; nhưng FPT cũng chẳng thể tìm ra ai mới hơn để thay ông ở vị trí CEO. Cuối cùng, giải pháp tình thế của ngày 26.9.2012 lại được thay thế bằng một giải pháp tình thế được tính từ ngày 31.7.2013. Tôi khẳng định rằng, việc bổ nhiệm ông Bùi Quang Ngọc vào chức CEO của FPT là một giải pháp tình thế để giải quyết giải pháp tình thế trước đó.

    Xét về độ tuổi, ông Trương Gia Bình sinh năm 1956, đã nhường chức lại cho ông Nguyễn Thành Nam trẻ trung hơn, sinh năm 1961. Và khi ông Nam rút, người tiếp quản là Trương Đình Anh còn trẻ hơn nữa, sinh năm 1970. Hai cuộc chuyển giao, FPT đã trẻ hóa được “chiếc ghế” CEO đến 14 tuổi. Thế nhưng khi ông Bình quay trở lại kiêm nhiệm, chiếc ghế ấy lại bị lão hóa 14 tuổi. Ông Ngọc bằng tuổi ông Bình. Cuộc chuyển giao ngày 31.7.2013 là một cuộc chuyển giao “zero trẻ hóa”. Điều này cho thấy FPT khủng hoảng trầm trọng về nhân sự cho chiếc ghế CEO.

    “Lão tướng phải ra trận”

    Thông tin FPT lại thay “tướng” vừa được phát ra chiều 31.7 và cái tên người ta tò mò muốn biết lại chả gây được tò mò gì, thì nhiều người thốt lên rằng: “Lão tướng phải ra trận”. Ngoài những cái tên khá nổi bật mà tôi đã kể ở trên, hãy nhìn đi, FPT bây giờ dường như ngày càng nghèo đi nguồn nhân sự sáng giá cho quản lý cấp cao. Một số cán bộ trung và cao từ nơi khác về FPT, sau một thời gian sống trong guồng máy vắt kiệt lực và đầy áp lực, đã phải ra đi. Ở các Cty thành viên, nhiều nhân sự lãnh đạo cao cấp cũng đã liên tiếp ra đi trong vài năm trở lại đây (như khối bán lẻ, khối dịch vụ trực tuyến). Điển hình như FPT Online, đã nhiều lần thay đổi gần như toàn bộ giàn lãnh đạo và cán bộ cấp trung. Đó chính là nguyên nhân quan trọng nhất khiến cho Cty này làm ăn ngày càng bết bát trong khoảng ba năm trở lại đây.

    Một cái tên mà cách đây vài năm khi mới về FPT còn khá sáng giá là Lê Trung Thành, được giữ chức “CEO phó”, được đồn rằng ăn lương “khủng”, nhưng đến nay càng ngày càng mờ nhạt đến “không tì vết”. Bổ sung từ ngoài về không làm nên chuyện, người từ nôi lớn lên thì lại ra đi, FPT mỗi ngày thêm hiện diện một sự già cỗi khác hẳn với mong muốn của chính họ. Biểu tượng của sự già cỗi đó là sự chuyển giao… cùng thế hệ Trương Gia Bình - Bùi Quang Ngọc. Lão “tướng” Ngọc giờ cầm chùy ra trận, dù là người có kinh nghiệm nhiều và hiểu biết nội bộ sâu rộng, nhưng với tuổi ấy sức ấy, liệu có tránh khỏi rung tay được trong bao lâu dưới sức nặng của quả chùy?

    FPT từng được xem là một Cty trẻ hóa tốt nhờ nguồn vào trẻ trung. Nhưng đến bây giờ, vấn đề này cần được đánh giá lại, thậm chí có những góc khuất còn cho thấy FPT không giữ được người trẻ sau khi họ hưng phấn cống hiến cho Cty này trong vài ba năm. Nguyên nhân vì sao là cả một câu chuyện dài để nói. Nhưng rõ ràng, rất nhiều Cty thầm cảm ơn FPT đã đào tạo giúp họ những nhân sự quản lý bậc trung và cao đầy năng động và sáng tạo. Và cũng chính các Cty này thầm mong FPT hãy cứ thực hiện chính sách không dưỡng sức người như hiện nay đi, để họ còn có cơ may hưởng lợi vớt người trẻ rời đi từ FPT.

    Theo Thẩm Hồng Thụy
    Lao động

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày