Giá Grabcar không còn “siêu rẻ”, tiệm cận với giá taxi truyền thống

    PV,  

    Với việc điều chỉnh giá cước mới bắt đầu từ 15h00 ngày 27/11, giờ đây người dùng đi Grabcar phải trả mức cước gần ngang bằng với giá taxi truyền thống.

    Giá cước tiệm cận với giá taxi truyền thống 

    Rất nhiều người dùng trong thời gian gần đây đã chọn Grabcar (dịch vụ taxi siêu rẻ của GrabTaxi giống với Uber) vì giá cước rẻ gần như một nửa so với việc đi taxi truyền thống.Tuy nhiên, kể từ 15h00 chiều ngày 27/11, sự chênh lệch về giá giữa dịch vụ này với dịch vụ taxi truyền thống gần như không còn nữa.

    Cụ thể, GrabCar vừa thông báo áp dụng giá cước mới như sau: Tại Hà Nội, giá cước cơ bản vẫn là 7000 đồng/km, nhưng giờ cao điểm lên tới 9.100 đồng/km. Mức cước này cao hơn một số hãng taxi truyền thống ở Hà Nội, khi giá mở cửa của họ là 6000 đồng/km và 9000 đồng/km tiếp theo.

    Trong khi đó, giá cước cơ bản tại TP.HCM lên tới 11.700 đồng/km và giờ cao điểm lên tới 14.700 đồng/km, giá cước khung giờ khuya (0h00 – 6h00 sáng) lên tới 12.900 đồng/km.Với giá cước này, nếu so với các hãng như Vinasun hay Mai Linh tại TP.HCM gần như ngang bằng nhau, chỉ rẻ hơn được vài ngàn đồng.

    Điều đáng nói là GrabCar cho biết, việc thay đổi giá lần này nhằm giúp các tài xế có thu nhập ổn định hơn. Như vậy có thể hiểu, thay vì đưa ra các chính sách để giúp cho việc hợp tác giữa GrabCar và tài xế tốt hơn, thì công ty này lại quyết định “đánh” vào người dùng, bằng cách tăng giá cước để “móc túi” thêm tiền của họ.

    Liên tục thay đổi chính sách, nhiều tài xế bỏ chạy GrabCar 

    Với việc liên tục thay đổi chính sách hợp tác với tài xế trong thời gian gần đây, rất nhiều người chạy GrabCar đã bỏ dịch vụ này. Đối với những người còn lại họ cho biết vì lỡ đầu tư xe nên phải chạy tiếp và để có thu nhập tạm ổn họ phải chạy một lúc cả Uber lẫn GrabCar, nếu không sẽ lỗ.

    Cụ thể, trao đổi với ICTnews, một tài xế tại TP.HCM cho biết, với chính sách của GrabCar như hiện nay, họ thu 20% tiền doanh thu mỗi tháng nhưng lại trả tiền qua hợp tác xã khiến tài xế phải mất thêm 13% tiền thuế (GrabCar không phải đóng thuế gì), chỉ hỗ trợ từ cuốc xe 16 trở đi, những người đang chạy GrabCar thu nhập gần như chẳng còn được bao nhiêu. Nếu tính ra như hiện nay thu nhập một ngày của tài xế GrabCar chỉ còn vài trăm ngàn đồng và do xe hiện tại quá đông nên để chạy đủ số cuốc được hỗ trợ cũng rất khó.

    “Nhìn chung, đã lỡ đầu tư mua xe để chạy dịch vụ này giờ phải theo, chứ những người có xe nhà tranh thủ chạy thêm GrabCar giờ họ cho xe ở nhà “trùm mềm” hết, vì chạy cũng chỉ làm giàu cho cây xăng, nói chung là “chua lắm” không dễ ăn như Grab quảng cáo là chạy tháng thu nhập được vài chục triệu đồng đâu”, bác tài xế cho biết thêm. Việc này cũng được kiểm chứng, khi gần đây người dùng tại TP.HCM rất khó bắt được xe GrabCar, phải chờ đợi rất lâu.

    Trao đổi với nhiều tài xế khác, được biết, rất nhiều người đang “chết đứng” vì đầu tư xe chạy các dịch vụ Uber và GrabCar hiện nay. Cụ thể, trong thời gian ban đầu, với chính sách hỗ trợ tốt, tháng những người chạy Uber hay GrabCar thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng, nhiều người đã quyết định đầu tư (kể cả vay ngân hàng) hàng loạt xe để chạy các dịch vụ này. Nhưng khi các bên thay đổi chính sách, thu nhập giảm đi rất nhiều, chạy cật lực cũng chỉ được vài chục triệu đồng/tháng, những người đầu tư mua cả loạt xe chạy như “dở khóc dở mếu”. Họ đã lỡ đầu tư rồi không thể bỏ dịch vụ được vì còn phải trả rất nhiều chi phí và đặc biệt là trả nợ ngân hàng, chính vì thế họ gần như đang phải bán mình cho Uber hay Grab.

    Hiện tại các dịch vụ như Uber và GrabCar đang được lợi nhất khi họ chỉ ngồi thu phí mà không phải làm gì nhiều, kể cả việc đóng thuế. Và một điều đặc biệt là các hãng xe như Toyota hay Kia…nhờ Uber và GrabCar mà doanh số bán xe trong năm 2015 đã tăng lên vùn vụt.

    Theo ICT News

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày