Liên minh HP và Apple sẽ giúp Việt Nam xử lý rác thải điện tử

    PV,  

    Khi tiến hành thu hồi, người tiêu dùng cần nghiêm túc chấp hành và có trách nhiệm tự chuyển các thiết bị điện tử cũ đến địa điểm tập kết hoặc giao cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo quy định.

    Để giúp đỡ Việt Nam xử lý rác thải công nghệ an toàn, dự án Vietnam Recycles (tạm dịch là Việt Nam tái chế) đã ra đời. Đây là chương trình thu gom và tái chế rác thải miễn phí theo sáng kiến của tổ chức Vietnam Recycling Platform, một liên minh giữa hai hãng công nghệ hàng đầu là HP và Apple.

    Những năm gần đây, số lượng các thiết bị công nghệ tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Điều này khiến cho vấn đề rác thải điện tử ngày càng tạo áp lực lớn đến người dân và chính phủ. Trong khi đó, hoạt động thu gom các sản phẩm này do những người thu mua phế liệu thực hiện. Một lượng lớn rác thải điện tử sẽ được chuyển ra ngoại ô các thành phố lớn, vùng nông thôn để phân rã bằng phương pháp thủ công. Việc xử lý rác thải điện tử theo cách này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường. Những người trực tiếp tham gia vào việc tái chế hoặc sống xung quanh khu vực tập trung rác thải điện tử đã bị mắc nhiều loại loại bệnh ung thư.

    Theo bà Monina de Vera-Jacob, Quản lý bộ phận môi trường khu vực Đông Nam Á thuộc HP châu Á – Thái Bình Dương, các loại rác thải điện tử thường tồn tại ở hai dạng:

    Thứ nhất là các màn hình CRT, thường được trang bị cho TV, máy vi tính thế hệ cũ. Các màn hình này có chứa rất nhiều độc tố như thủy ngân, chì, huỳnh quang... Rác thải điện tử loại này không thể đưa ra nước ngoài mà chỉ có thể chôn lấp nhằm tránh ảnh hướng đến môi trường khi chưa có giải pháp tái chế hiệu quả.

    Thứ hai là các bo mạch vốn là linh kiện không thể thiếu trong các thiết bị điện tử. Đối với các bo mạch không còn dùng được nữa, có thể tiến hành phân tách các chất như vàng, đồng, chì… để tái sử dụng. Tuy nhiên, công nghệ trong nước chưa có khả năng xử lý chất thải loại này mà phải vận chuyển và tái chế ở nước ngoài với chi phí rất lớn.

    Để giải quyết những vấn đề trên, dự án Vietnam Recycles (tạm dịch là Việt Nam tái chế) đã ra đời.

    Chương trình sẽ áp dụng thí điểm mô hình tái chế rác thải điện tử theo phương pháp mới. Trong đó, mọi khâu của quy trình xử lý rác thải điện tử như thu thập, phân tách, tái chế theo tiêu chuẩn hiện đại sẽ được tiến hành tại các cơ sở bên trong lãnh thổ Việt Nam. Đầu ra của quá trình xử lý này sẽ là các sản phẩm an toàn và đảm bảo tối đa lượng tài nguyên thu được sau tái chế.

     Với sự hỗ trợ của tổ chức Vietnam Recycles Platform, Việt Nam sẽ sớm có công nghệ xử lý chất thải điện tử an toàn.

    Với sự hỗ trợ của tổ chức Vietnam Recycles Platform, Việt Nam sẽ sớm có công nghệ xử lý chất thải điện tử an toàn.

    Nhằm hỗ trợ người dùng tích cực tham gia, tổ chức Vietnam Recycles Platform sẽ định kỳ tổ chức chương trình này theo chu kỳ 3 tháng/lần. Hà Nội và TPHCM sẽ là những địa phương đầu tiên tổ chức các điểm thu gom rác thải điện tử. Sau đó, hoạt động này sẽ được mở rộng dần ra các tỉnh, thành khác trong cả nước. Những người tổ chức đã có nhiều sáng kiến để giúp người dân dễ dàng tiếp cận với các điểm thu gom hơn như mở thêm một số điểm nằm gần các siêu thị điện máy, cửa hàng bán lẻ thiết bị…

    Chương trình Vietnam Recycles là một hình thức thí điểm để chính phủ Việt Nam nắm được thực tế cách vận hành của một hệ thống tái chế rác thải điện tử tiên tiến. Bên cạnh đó, nó tạo tiền đề để mọi người dân sẵn sàng tuân thủ khi có khuôn khổ luật pháp liên quan đến việc xử lý, tái chế rác thải điện tử.

    Đề cập tới những khó khăn trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong vấn đề thu gom, tái chế rác thải điện tử một cách an toàn, bà Monina khẳng định rằng, các nước như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) cũng phải mất đến hơn 20 năm để người dân có thể ý thức được và hành động một cách tự giác.

    Tương tự, các nước châu Âu cũng phải mất đến 25 năm để áp dụng mức quota 40% cho việc sản xuát thiết bị điện tử (cứ 100 thiết bị được bán ra thì có 40 thiết bị có thể được tái chế sau sử dụng). Vì vậy, việc thay đổi nhận thức của người dân không phải là chuyện có thể làm được “chỉ sau một đêm”.

    Về trách nhiệm của các nhà sản xuất thiết bị điện tử lớn khác, bà Monina cho biết, hiện tại chỉ có HP và Apple tình nguyện tham gia chương trình Vietnam Recycles. Tuy nhiên, bà hy vọng rằng, sắp tới, khi quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ có hiệu lực, tất cả các hãng sẽ phải có chính sách phù hợp trong vấn đề xử lý rác thải điện tử tại Việt Nam.

    Với chương trình Vietnam Recycles, bà Monina de Vera-Jacob hy vọng “tất cả mọi người từ người dân, các nhà sản xuất đến chính phủ đều thể hiện trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng. Việc tái chế rác thải điện tử an toàn là một cách để thể hiện điều đó ”.

    Theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg ngày 22/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/7/2016, Việt Nam sẽ thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ từ rác điện tử nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân.

    Khi tiến hành thu hồi, người tiêu dùng cần nghiêm túc chấp hành và có trách nhiệm tự chuyển các thiết bị điện tử cũ đến địa điểm tập kết hoặc giao cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm theo quy định.

    Riêng nhà sản xuất có trách nhiệm tổ chức thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc nhà sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do nhà sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;...

    Cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với nhà sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của nhà sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định;...

    Theo ICTNews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày