Magic Leap vs Hololens: Những màn đụng độ đầu tiên

    Nguyễn Hải,  

    Cùng được khởi động năm 2010, nhưng cho đến nay, dù Hololens đã công bố những sản phẩm mẫu và phiên bản cho Developer, nhưng Magic Leap vẫn còn là bí ẩn lớn đối với công chúng – ngoại trừ vài clip demo. Nhưng không vì thế mà người ta không chú ý đến những khác biệt giữa hai sản phẩm này với nhau.

    Thị trường thiết bị kính thực tế ảo ngày càng sôi động hơn với sự tham gia của không chỉ những startup đình đám như Oculus hay Magic Leap mà cả những người khổng lồ trong làng công nghệ như Microsoft hay Google. Khác với các kính thực tế ảo khác như Oculus Rift hay Google Cardboard, Hololens và Magic Leap, hai đại diện tiêu biểu cho việc hiển thị hình ảnh 3D không phụ thuộc vào góc nhìn của người xem.

    Trong khi Microsoft đã trình diễn thiết bị của mình trong buổi giới thiệu sản phẩm vào đầu năm 2015 thì đến nay, những thông tin về Magic Leap vẫn còn nhiều bí mật. Dù vậy, startup này đã thu hút được 500 triệu USD vốn đầu tư, trong đó nổi bật có tên của Google và Richard Taylor, người sáng lập công ty Weta Workshop, làm hiệu ứng cho phim Avatar và Lord of the Rings. Vì vậy, khi hãng này phát đi một vài đoạn clip demo - được thực hiện qua màn hình của thiết bị, đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đổ về phía mình. Ngoài ra, những thông tin rò rỉ về bằng sáng chế của Magic Leap được công bố trên MIT Technology reivew cũng cho ta thêm nhiều thông tin về vũ khí bí mật của startup này.

     Giao diện của Magic Leap - trích từ clip demo

    Giao diện của Magic Leap - trích từ clip demo

    Magic Leap là gì?

    Một trong các bằng sáng chế của Magic Leap đề cập về việc sử dụng “trường ánh sáng” để tạo ra hình ảnh nổi của vật thể, khi đó mắt của chúng ta sẽ thật sự tương tác với các hình ảnh đó. Công nghệ về trường ánh sáng đã được nhà nghiên cứu Gordon Wetzstein và các đồng nghiệp ứng dụng trong việc tạo ra màn hình hiển thị chữ nổi cho người bị cận hoặc các tật về mắt. Với đặc điểm về công nghệ và ứng dụng, ta có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa về nguyên lý giữa Magic Leap với nghiên cứu của Wetzstein – hệ thống máy chiếu trường ánh sáng.

    Bằng sáng chế của Magic Leap đề cập đến một thiết bị, viết tắt là WRAP. Nguyên lý của thiết bị này là một mảng gồm nhiều gương cong nhỏ, ánh sáng được truyền qua sợi quang học đến mảng này, và mỗi gương nhỏ trong mảng này sẽ phản chiếu một phần của ánh sáng đến để tạo ra trường ánh sáng tại một điểm cụ thể trong không gian 3D. Các mảng gương nhỏ này khi được xếp thành nhiều lớp sẽ cho phép hiển thị một ảnh ảo 3D của vật thể ở các khoảng cách khác nhau. Tuy nhiên, bằng sáng chế của Magic Leap cũng cho rằng chỉ cần một lớp gương này là đủ để hiển thị thay vì nhiều lớp – nếu lớp này được làm từ “nước sắt từ”. Vật liệu này sẽ giúp mảng gương nhanh chóng hiển thị hình ảnh với các độ sâu khác nhau, tạo ra hình ảnh động để đánh lừa mắt người xem.

     Hình ảnh mô tả bằng sáng chế của Magic Leap

    Hình ảnh mô tả bằng sáng chế của Magic Leap

    Giải pháp để hiển thị hình ảnh 3D của Magic Leap là phát triển một máy chiếu siêu nhỏ để chiếu hình ảnh lên một thấu kính trong suốt, sau đó hình ảnh này tiếp tục được phản chiếu lên thẳng võng mạc người dùng. Về lý thuyết điều này sẽ giúp các vật thể nhân tạo nhìn qua thiết bị này sẽ chân thực hơn, gần như không thể phân biệt được với vật thể thực.

    So sánh với Hololens

    Trái ngược với Magic Leap, Hololens đã công bố sản phẩm mẫu vào đầu năm, và gần đây tại triển lãm công nghệ E3 năm 2015, Microsoft đã mang đến 2 sản phẩm mẫu để nhiều người có thể trải nghiệm thiết bị này. Ngay tên gọi của thiết bị cũng cho thấy một phần tính năng của sản phẩm này. Hololens – tên gọi của thiết bị làm ta nghĩ ngay đến khái niệm Holographic – một kỹ thuật cho phép tạo ra hình ảnh nổi 3D có thể quan sát được không cần kính hay thiết bị trợ giúp đặc biệt khác. Kỹ thuật này hiện được nhiều hãng sử dụng để biểu diễn thời trang, nghệ thuật hoặc quảng cáo …

     Nguyên lý cơ bản của việc tạo hình ảnh nổi Hologram

    Nguyên lý cơ bản của việc tạo hình ảnh nổi Hologram

    Dường như kỹ thuật này không có nhiều điểm tương đồng so với phương pháp được sử dụng trên Magic Leap. Ngoài ra, bằng sáng chế của Hololens cho thấy có nhiều điểm tương đồng với chiếc Kinect – thiết bị cảm ứng chuyển động hơn. Bằng sáng chế đó mô tả Hololens là một thiết bị đeo trên đầu, được trang bị microphone, hệ thống theo dõi chuyển động mắt, camera cảm biến chiều sâu và một camera nhận biết khuôn mặt.

    Hơn nữa, một điều khác biệt thể hiện rất rõ trong clip demo sản phẩm của cả hai công ty : đó là sự tương tác với môi trường của hai thiết bị. Với Magic Leap, người dùng không chỉ nhìn thấy hình ảnh 3 chiều được hiển thị trên màn hình, mà còn cả không gian thực xung quanh nữa. Điều đó mang lại cảm giác cho người dùng rằng các hình ảnh lơ lừng trong môi trường – hay như Magic Leap tuyên bố đó là ”thực tế tăng cường” (argumented reality) chứ không chỉ là thực tế ảo (virtual reality). Trong khi đó, Scott Erickson, giám đốc cấp cao của dự án Hololens đã gọi đây là một thiết bị của mình là “mix reality” – một sự pha trộn giữa thực tế và hình ảnh ảo. Theo đó, hình ảnh ảo do Hololens tạo ra sẽ được hiển thị trên một bề mặt thật nào đó ở ngoài đời như mặt bàn, tường, mặt đất … và người dùng có thể di chuyển xung quanh hình ảnh ảo đó để quan sát từ nhiều hướng khác nhau.

    Với việc phát hành phiên bản Developer của Hololens đến cho các lập trình viên, chúng ta đã có một số đánh giá sơ bộ về thiết bị này. Bên cạnh việc đánh giá cao những hình ảnh 3D mà thiết bị này tạo ra, những nhận xét về Hololens đều nhấn mạnh vào một điểm yếu đó là góc quan sát từ thiết bị tương đối hẹp. Góc quan sát thông thường với mắt người là khoảng 180 độ, tuy nhiên theo đánh giá của trang Business Insider, góc quan sát hình ảnh ảo 3D trên Hololens tập trung vào vùng xung quanh một vùng hẹp trên mắt kính. Trong khi đó, giải pháp như Magic Leap đã công bố là chiếu thẳng hình ảnh 3D vào võng mạc người xem, về lý thuyết phương pháp này sẽ loại bỏ được hạn chế trên của Hololens khi vừa cho phép người dùng quan sát được thực tế xung quanh và kết hợp với hình ảnh ảo trên thiết bị.

     Vùng quan sát hình ảnh 3D trên Hololens

    Vùng quan sát hình ảnh 3D trên Hololens

    Hiện giờ, với việc chưa có phiên bản chính thức nào được đưa đến tay người dùng, sẽ rất khó để đánh giá được mức độ trải nghiệm mà hai sản phẩm này mang lại như độ chân thực của hình ảnh hay mức độ nhận biết thao tác, cử chỉ của người dùng. Tuy nhiên, những trải nghiệm về thực tế ảo mà các sản phẩm này hứa hẹn sẽ mang lại cho chúng ta, có thể sẽ giúp thay đổi hoàn toàn cách chúng ta sử dụng máy tính và tương tác với thế giới xung quanh trong thời gian tới.

    Theo MIT Technology Review, CNet, Business Insider, Ign.com

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày