"Mạng xã hội" trên tivi liệu có bùng nổ cùng IPTV?

    PV,  

    Cả nước có hơn 1 triệu thuê bao IPTV.

    Một số nhà cung cấp dịch vụ IPTV cho biết, năm 2013 sẽ tập trung phát triển các dịch vụ giải trí theo yêu cầu, tăng tính tương tác giữa các cá nhân, cho phép dịch vụ IPTV đáp ứng nhu cầu người dùng như một mạng xã hội.


    "Mạng xã hội" trên tivi liệu có bùng nổ cùng IPTV? 1


    Đã có hơn 1 triệu thuê bao IPTV


    Dịch vụ truyền hình tương tác (IPTV) mới ra đời cách đây 3 năm, nhưng theo số liệu của Bộ TT&TT, hiện IPTV đạt tới gần 1 triệu thuê bao (trong tổng số 3,5 triệu thuê bao truyền hình trả tiền trên toàn quốc), chỉ đứng sau truyền hình cáp (khoảng 1,5 triệu thuê bao), tương đương với dịch vụ truyền hình số (cả vệ tinh và mặt đất).


    Hiện đang có 4 nhà cung cấp dịch vụ IPTV là FPT Telecom, VTC, VNPT và Viettel. Trong đó, FPT Telecom là nhà cung cấp dịch vụ truyền hình IPTV đầu tiên ở Việt Nam với thương hiệu OneTV. Hiện dịch vụ OneTV đã được FPT Telecom phát triển tại 44 tỉnh, thành trên cả nước.


    VTC là nhà cung cấp dịch vụ IPTV thứ hai. Tuy nhiên, VTC là doanh nghiệp duy nhất không có hạ tầng Internet, nên để triển khai dịch vụ IPTV, VTC đã ký kết hợp đồng phối hợp với VNPT các tỉnh, thành, và hiện đang cung cấp dịch vụ tới khoảng hơn 30 tỉnh, thành. Hai đại gia viễn thông là VNPT (cung cấp dịch vụ MyTV) và Viettel (cung cấp dịch vụ NetTV) tuy đi sau nhưng với lợi thế về hạ tầng mạng Internet và kênh phân phối nên được đánh giá là có tiềm năng lớn phát triển dịch vụ IPTV.


    Theo Công ty Phần mềm và Truyền thông VASC (đơn vị được VNPT giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ MyTV), chỉ sau hơn 2 năm chính thức thương mại hóa, hiện MyTV đã có khoảng 800.000 thuê bao, chiếm khoảng hơn 90% thị phần dịch vụ IPTV trên toàn quốc. MyTV đang có tốc độ phát triển rất nhanh, trung bình khoảng 20.000 thuê bao mới/tháng.


    VASC cho biết sẽ phấn đấu đến cuối năm sẽ tích lũy được 1 triệu thuê bao và giữ vững vị trí đứng đầu trên thị trường dịch vụ truyền hình IPTV.


    "Mạng xã hội" trên tivi liệu có bùng nổ cùng IPTV? 2



    Điểm đặc biệt là MyTV phát triển rất mạnh ở các tỉnh lẻ, nơi mà chưa có dịch vụ truyền hình trả tiền cạnh tranh. Theo đó, Tây Ninh là tỉnh có số lượng thuê bao nhiều nhất do tỉnh này chưa có dịch vụ truyền hình cáp, kế đến là các tỉnh phía Bắc... Hà Nội và TP.HCM là nơi mà dịch vụ MyTV phát triển èo uột do người tiêu dùng không muốn thay đổi dịch vụ hoặc do các khu đô thị mới không có đường truyền Internet của VNPT. Đơn cử, tại TP.HCM, MyTV khai trương từ 16/10/2009 nhưng đến nay mới có 9.600 thuê bao, một con số khá khiêm tốn so với tiềm năng thị trường. Và tại Hà Nội cũng tương tự.


    IPTV sẽ như một "mạng xã hội" trên tivi


    Đánh giá về tiềm năng phát triển của dịch vụ IPTV ở Việt Nam, ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT Telecom cho rằng, IPTV sẽ trở thành xu hướng chung trong lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam. Bởi vì, càng ngày việc cá nhân hóa nhu cầu càng diễn ra mạnh mẽ, khách hàng sẵn sàng trả tiền cho việc được thỏa mãn các nhu cầu giải trí cho riêng mình. Mặt khác, số lượng người dùng Internet ngày càng nhiều hơn, các nhà mạng cũng cung cấp dịch vụ Internet với băng thông cao hơn và chất lượng tốt hơn. Đây là cơ sở nền tảng cho sự phát triển của IPTV.


    Tuy nhiên, theo ông Khoa, người dân Việt Nam đang quen với việc dùng chung và họ chưa sẵn sàng đầu tư khi một đầu thu/bộ giải mã chỉ có thể cung cấp một nội dung phát trên tivi tại một thời điểm. Người dùng có thể chia sẻ tín hiệu đó ra nhiều tivi nhưng tất cả các tivi đó đều xem chung một nội dung. Nó khác với truyền hình cáp là chỉ có 1 đường tín hiệu vào và có thể chia ra nhiều tivi, mỗi tivi xem 1 kênh khác nhau.


    Để khắc phục những yếu điểm của IPTV, từ năm 2013, FPT Telecom sẽ tập trung phát triển dịch vụ FPT Play HD, một dịch vụ giải trí cho phép người dùng có thể thưởng thức nội dung theo yêu cầu tại nhà, một bước phát triển mới trong lĩnh vực IPTV. Với FPT Play HD, người dùng không chỉ xem được các kênh của HDTV mà còn được thực sự thỏa mãn nhu cầu của mình với chất lượng full HD và nội dung đa dạng nhất (xem phim theo yêu cầu, điều khiển YouTube bằng smartphone, cài đặt thêm các ứng dụng (Facebook, Twitter, Picasa) trên tivi. 


    "Mạng xã hội" trên tivi liệu có bùng nổ cùng IPTV? 3
    Thiết bị giải mã (set top box) cho phép thu tín hiệu dịch vụ MyTV trên đường truyền Internet của các nhà mạng khác: Ảnh: M.Q

    Một nguồn tin của ICTnews cũng cho biết, trong năm 2013 VASC sẽ cho ra mắt một dịch vụ mới (MyTVNet) cho phép cung cấp dịch vụ trên hạ tầng Internet của các nhà mạng khác. Với dịch vụ này, khách hàng đang sử dụng dịch vụ Internet của bất cứ nhà mạng nào, chỉ cần mua một thiết bị giải mã riêng, đăng ký dịch vụ MyTV với VNPT các tỉnh thành là có thể xem được dịch vụ MyTV. Hiện nay giải pháp kỹ thuật đã được thử nghiệm xong, dự kiến VASC sẽ chính thức thương mại hóa dịch vụ trong vài tháng tới.


    Đồng thời, với việc phát triển các dịch vụ tương tác mới như: Video call, TV Voting, TV Messages, TV Friend... VASC mong muốn sẽ phát triển một “mạng xã hội” qua chiếc tivi, những bà nội trợ có thể “shopping tại nhà”, “buôn chuyện” bằng cách nhắn tin cho các thuê bao khác qua chính chiếc điều khiển và màn hình tivi, hay các sĩ tử và gia đình sẽ nhẹ gánh lo toan khi ngay trong nhà mình đã có một “giảng đường” trên tivi.


    Theo Ictnews

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ