Nền công nghiệp Phần Lan phát triển nhờ Nokia suy thoái

    Tuấn Anh,  

    Tưởng chừng Nokia suy thoái sẽ khiến nền công nghiệp công nghệ Phần Lan khó có thể phát triển, nhưng sự thật hoàn toàn ngược lại.

    Ở thời kỳ hưng thịnh, nói tới ngành công nghiệp công nghệ Phần Lan, chúng ta sẽ nghĩ ngay tới Nokia. Đó là thương hiệu điện thoại đỉnh cao với giá trị thị trường khổng lồ lên đến gần 250 tỷ USD, chiếm 40% thị phần toàn cầu. Đối với riêng Phần Lan, Nokia chiếm 4% GDP hằng năm của quốc gia này.

    Tôi từng "phát cuồng" với những chiếc điện thoại Nokia, từ "cục gạch" huyền thoại 1110i, 1200 cho tới những chiếc N-Series như N95 và thế hệ cảm ứng 5800. Thế nhưng khi bạn đứng trên đỉnh cao, nếu mãi tự mãn với những gì đang có, bạn sẽ sớm rơi xuống vực thẳm. Tháng 10/2009 sẽ mãi là cột mốc không thể quên với những fan hâm mộ của Nokia khi công ty cho biết họ có quý kinh doanh thua lỗ đầu tiên sau suốt một thập kỷ giữ ngai vàng. Đó cũng là thời điểm Nokia cho rằng họ đủ sức tồn tại và cười khỉnh "gà mới" iPhone cùng smartphone đầu tiên chạy Android là HTC Dream.

    Khi Nokia bổ nhiệm cựu giám đốc Microsoft là Stephen Elop làm CEO vào tháng 9/2010, công ty liên tiếp cắt giảm nhân sự và lâm vào khủng hoảng. Nhiều chuyên gia cho rằng chính sự chậm trễ trong chiến lược của Elop đã đẩy Nokia vào góc bức tường.

    Công ty điện thoại Phần Lan từng là niềm tự hào của cả một quốc gia giờ đã chỉ còn là hư danh, khiến nền kinh tế nước này sụt giảm đáng kể. Tưởng chừng đây là một cơn ác mộng đối với Phần Lan, nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Sau khi tổng hợp thông tin về ngành công nghệ tại đất nước này, bạn sẽ không khỏi thán phục khi biết rằng rất nhiều người dân tại đây coi sự suy sụp của Nokia là bài học và tạo thành động lực để vượt qua, mô hình ngành công nghiệp của Phần Lan chuyển sang các công ty vừa và nhỏ, đặc biệt là start-up. Chỉ trong năm 2014, tại Phần Lan có hơn 400 công ty mới thuộc lĩnh vực công nghệ cao được thành lập.

    Khi Nokia hưng thịnh, số lượng nhân viên công ty làm việc tại Phần Lan lên tới 17 nghìn người. Điều này đồng nghĩa với việc sẽ có rất rất nhiều nhân sự sẽ không có việc làm khi công ty bị Microsoft "tóm gọn". Nhưng mọi việc đã được giải quyết khá êm xuôi khi lượng nhân sự này có trình độ mảng công nghệ tốt, có thể sử dụng trong nhiều start-up. Và cho tới hiện tại, nền công nghiệp công nghệ Phần Lan nhanh chóng nổi lên một số dự án start-up phát triển nhanh chóng sử dụng nguồn nhân sự trên, ví dụ như Rovio, Jolla, Supercell,...

    Lưu ý: Một thông tin thú vị mà người viết tìm hiểu đó là khi cắt giảm nhân sự, Nokia đã gửi tới nhân viên của mình số vốn nhỏ kèm hỗ trợ nhiều hóa học đào tạo để giúp họ có thể tìm được việc làm mới.

    Nokia đã đóng góp rất nhiều nhân sự có kỹ năng cao cho ngành công nghiệp công nghệ Phần Lan, và công ty cũng có một lượng lớn bằng sáng chế có thể giúp start-up sử dụng miễn phí, nhờ đó nhân viên cũ có thể tận dụng lợi thế của các công nghệ cốt lõi vốn sẵn có cùng tinh thần kinh doanh được đào tạo. Ví dụ như Jolla với việc sử dụng bằng sáng chế từ Nokia đã ra mắt một thiết bị đeo thông minh có tên PulseOn và nhận được khá nhiều đánh giá tích cực.

     Thiết bị đeo tay thông minh PlusOn - Một sản phẩm tới từ Phần Lan.

    Thiết bị đeo tay thông minh PlusOn - Một sản phẩm tới từ Phần Lan.

    Vào ngày 4/6/2014, Facebook tuyên bố họ đã mua lại start-up chuyên về dữ liệu Pryte, dự án khởi nghiệp này đứng thứ 81 trong top 100 công ty công nghệ Phần Lan thời điểm đó. Thương vụ mua bán trên phần nào cho thấy khả năng cạnh tranh rất tốt của các công ty công nghệ tại đây.

    Có thể thấy rõ ràng rằng khi các công ty lớn rơi vào suy thoái (như Nokia), nó có thể tạo tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong một thời gian ngắn hạn, nhưng nó cũng có thể kích thích sự sáng tạo, là tiền đề cho sự hình thành của rất nhiều start-up lớn mạnh trong tương lai.

     

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày