Người dùng bất bình với kết quả: 92% ủng hộ tăng giá cước 3G, lo ngại cước 3G lại tăng cao
Trái với những kỳ vọng của người dùng, báo cáo liên quan tới "92% ủng hộ tăng giá cước 3G" đã gây ra rất nhiều tranh cãi cả về tính xác thực, lẫn tính khách quan.
Cách đây không lâu, Báo Bưu điện Việt Nam và Công ty nghiên cứu thị trường Công nghệ và bán lẻ GfK Việt Nam đã tổ chức công bố kết quả: “Báo cáo dự án nghiên cứu hành vi sử dụng dịch vụ 3G của người dùng Việt Nam năm 2014” với sự tài trợ của Qualcomm và sự hợp tác của 3 nhà mạng là Mobifone, Vinaphone và Viettel.
Trái với những kỳ vọng của người dùng, báo cáo đã gây ra rất nhiều tranh cãi cả về tính xác thực, lẫn tính khách quan từ cuộc điều tra được khảo sát bởi 576 mẫu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng trong năm 2014.
Những con số gây tranh cãi
Năm 2014 được coi là một năm biến động đối với cả người di động lẫn các công ty viễn thông khi hầu hết các đại gia cung cấp dịch vụ 3G như Viettel, Mobifone hay Vinaphone đều đồng loạt tăng giá cước 3G trong khi chất lượng dịch vụ lại chưa "tới nơi tới chốn".
Hệ quả là dù chưa có một con số thống kê chính xác nhưng số lượng người dùng 3G trong năm qua đã có sự thay đổi nhất định, rất nhiều trường hợp đã thôi không sử dụng các gói cước 3G của nhà mạng, đồng thời tận dụng tối đa mạng Wifi ở nơi làm việc, nhà riêng...
Trong khi đó, một số người dùng vốn sử dụng các gói cước có mức giá cao cũng đã phải chuyển về sử dụng các gói 3G mắc định với giá thành rẻ hơn. Điều này cho thấy, tâm lý người dùng trả tiền cho cước 3G đã có phần dè dặt, thậm chí là lo ngại bởi nếu không sử dụng, thì không đáp ứng được nhu cầu công việc hay giải trí.
Còn nói theo các cụ nhà ta thì người dùng đang "cắn răng chịu đựng" mà không có giải pháp thay thế, bởi mức giá mà các nhà mạng lớn đưa ra đều "đắt đỏ" như nhau. Do đó, sẽ chẳng có chuyện 92% người dùng ủng hộ giá cước 3G như báo cáo từ GfK đã nêu trong báo cáo của mình, dù mức tăng chỉ 5-10% giá cước.
Để thử kiểm chứng những thông tin mà GfK đưa ra, chúng tôi cũng mở một cuộc khảo sát nho nhỏ với đối tượng độc giả của mình (trung bình từ 18 - 35 tuổi) và kết quả thật bất ngờ.
Với 123 ý kiến, 116 người phản đối việc tăng giá cước 3G của nhà mạng, tương đương với 94% số người được hỏi.
Tất nhiên, với chỉ 123 ý kiến khảo sát trong khoảng vài giờ đồng hồ, kết quả này có thể chưa hoàn toàn chính xác, nhưng nó đã phần nào phản ánh một thực trạng đáng buồn hiện nay: người dùng đã chán ngấy với chiêu bài tăng cước 3G của nhà mạng.
Ý kiến người trong cuộc
Cũng trong cuộc khảo sát phía trên, chúng tôi cũng thu thập được không ít những ý kiến đóng góp từ chính người dùng trẻ - đối tượng sử dụng 3G nhiều nhất cho các hoạt động học tập, làm việc hay giải trí. Điều đáng nói là phần lớn các ý kiến đều tỏ ra thất vọng với kết quả mà GfK đã từng công bố - trên 80% người dùng đều hài lòng với dịch vụ mình đang sử dụng.
Trong đó, chủ yếu các ý kiến người dùng được chia làm 2 ý chính: phản đối việc tăng giá bởi trước giờ, các nhà mạng vẫn hứa "viển vông" và đồng ý tăng nếu chất lượng thực sự cải thiện, độ phủ sóng cao hơn.
Cụ thể, bạn đọc Hoàng Phúc cho rằng: "Thật vô lý. Chẳng có người dùng nào muốn tăng cước để mình phải bỏ thêm tiền. Chắc là khảo sát toàn người không dùng 3G vì có tăng hay không cũng chẳng liên quan đến họ."
Bạn đọc Đình Phong chia sẻ: "ko nhắc đến thì thôi ... nhắc đến bực cả mình ... cước 3g mắc chịu ko nổi ... mà chất lượng thì đâu đâu."
Bạn đọc Thanh Đặng khá "vui tính" có nêu ý kiến: "Đồng ý tăng giá 3G lên 200k/ tháng mà unlimited bandwidth và luôn luôn 7,2Mb. Và đi tỉnh hay di chuyển quận xa xa cũng ko thay đổi tốc độ. Lên 300k cũng dc hehehe. Chứ như 3g hiện nay thì tăng giá người ta chữi cho sập nhà mạng sao."
Còn như bạn đọc Hoàng Tú: "50k/tháng là đc rồi. tăng gì nữa. 50k cũng ko muốn dùng nữa chứ tăng. tốc độ thì chậm mà h còn đòi tăng giá. nghĩ sao vây. chưa nói đến sóng thì chập chờn."
Tựu chung lại, chúng ta đều thấy được, phàm là người dùng, chẳng ai muốn mình bị tăng giá khi sử dụng một dịch vụ nào đó. Ngoài ra, hầu hết người dùng đều cảm thấy hết sức bất bình với khảo sát "tăng cước 3G" lần này, thậm chí, một số ý kiến còn cho rằng, rất có thể, đây chính là cách mà các nhà mạng ung dung tăng giá cước trong năm 2015.
Có khi nào cước 3G lại tăng?
Ở thời điểm hiện tại, rất khó để nói rằng, trong năm 2015 này, các nhà mạng sẽ lại tiếp tục tăng giá cước 3G trong khi người dùng vẫn thất vọng với chất lượng dịch vụ mà mình nhận được. Bởi những thông tin trong bản báo cáo mà đại diện GfK đưa ra chỉ là một hình thức tham khảo nặng về mặt "số liệu".
Còn theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, bản thân ông khá tin tưởng vào phương thức nghiên cứu được thực hiện bởi GfK, tuy nhiên, ông cũng khẳng định mọi kết quả đều có sai số nhất định, bởi phương thức nghiên cứu của mỗi đơn vị là khác nhau.
Theo vị Thứ trưởng, kết quả mà GfK đưa ra chỉ hoàn toàn mang tính tương đối, khó có thể phản ánh được bộ mặt của toàn bộ thị trường viễn thông Việt Nam. Điều này đồng nghĩa, những gì được công bố bởi GfK không thể đại diện cho hơn 100 triệu người dùng di động trong nước.
Thế nhưng, ông cũng gợi ý, các thông tin cũng như kết quả được nghiên cứu bởi GfK hay các tổ chức khác chính là những kênh thông tin hữu ích giúp cơ quan nhà nước tham khảo về hành vi người dùng, là kênh cho doanh nghiệp tham khảo để đo độ hài lòng của khách hàng đối với dịch vụ mình cung cấp.
Tất nhiên, những quyết định cuối cùng của việc tăng hay giảm giá cước 3G vẫn sẽ nằm ở các nhà mạng hoặc các đại diện cơ quan nhà nước. Bởi cho tới khi nào những ý kiến người dùng vẫn chỉ được coi là kênh thông tin "tham khảo" thì các ông lớn trong ngành viễn thông vẫn sẽ ung dung vin vào những số liệu như 92% ủng hộ tăng giá cước 3G.
Cuối cùng và cũng để thay cho lời, chúng tôi xin được trích nguyên văn ý kiến của Bộ Trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son tại cuộc họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức về dịch vụ 3G:
"Chắc chắn Việt Nam là một trong những nước có cước 3G rẻ nhất. Chúng ta đầu tư rất nhiều hạ tầng nhưng chưa tăng giá cước. Việc tăng giá là cần thiết để đầu tư chất lượng hạ tầng tốt hơn. Nếu tăng giá do cạnh tranh không lành mạnh, tăng giá không đúng quy định của pháp luật thì rõ ràng là bất hợp lý.
Nhưng nếu tăng giá theo đúng quy định của pháp luật và tăng giá nhằm góp phần đầu tư nâng cao chất lượng dich vụ tốt hơn thì chúng ta nên ủng hộ, tuyên truyền, giải thích cho người dân thấy rằng cần tăng giá để bảo đảm cho nhà cung cấp dịch vụ có lãi quay trở lại đầu tư cho hạ tầng."
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android