Khi bị cắt nhiều chi phí hỗ trợ cùng giá cước tính theo giờ cao điểm tăng cao, nhiều hành khách đã tự chủ động liên hệ với lái xe mà không thông qua ứng dụng trung gian.
Dịch vụ đặt xe qua ứng dụng di động trung gian như Grab (trước đây là GrabTaxi) hay Uber bùng nổ với tốc độ chóng mặt trên nhiều quốc gia bởi tính ứng dụng cao và tiện lợi mà nó mang lại. Xuất hiện tại Việt Nam không lâu, những dịch vụ đặt xe đã dần thay đổi thói quen sử dụng xe của nhiều người dùng, tuy nhiên do nhiều lý do tác động, đã xuất hiện nhiều loại hình biến tướng khó kiểm soát hơn mà ngay chính những người quản lý của Grab hay Uber cũng khó lường trước được.
Trên mạng xã hội Facebook, nhiều group được tạo ra với mục đích chia sẻ, giao lưu giữa khách sử dụng và lái xe của dịch vụ Uber, Grab hay chia sẻ các mã giảm giá. Sau một thời gian hoạt động đúng với tiêu chí ban đầu, nhiều thành viên đã chuyển hướng sang một mục đích khác, đó là việc tự mời khách, tự đặt lịch và gọi xe mà không thông qua ứng dụng như trước đây.
Những tưởng việc này thuận tiện hơn so với sử dụng qua ứng dụng trung gian, thế nhưng khi khách và tài xế tự liên hệ, tự trả giá cho chuyến đi đã kéo theo nhiều hệ lụy, thậm chí gây nguy hiểm cho cả hai bên. Và vô hình chung, chính Uber là người mang tới "dịch vụ chui" khó kiểm soát này.
Lỡ công, lỡ việc và thậm chí mang bực tức vào người
Khi có nhu cầu di chuyển, các thành viên trong nhóm sẽ đăng bài để tìm tài xế. Mọi vấn đề liên quan như trả giá, hẹn thời gian đón và thậm chí cả thông tin tài xế cũng chỉ gói gọn trên Facebook. Chính vì lý do trên, không ít khách hàng bị "bỏ bom" giữa đường mà không thể liên lạc được xe đã hẹn do đủ các lý do.
Một thành viên nhóm chia sẻ: "Tôi có chuyến công tác từ TP.HCM bay về Hà Nội, đặt xe của một tài xế trên nhóm Facebook đón tại sân bay Nội Bài. Đã thỏa thuận xong giờ đón và giá cả, có số điện thoại và xác nhận từ tài xế nhưng khi xuống máy bay không thể gọi được cho tài xế này nên đành phải bắt taxi thường về nhà. Đây là lần đầu và cũng là lần cuối tôi tự đặt xe thông qua nhóm công cộng như vậy".
Không chỉ là khách hàng, nhiều tài xế cũng gặp tình trạng tương tự khi khách đặt xe nhưng đành phải chấp nhận bởi họ tự đặt lịch mà không thông qua các ứng dụng có sẵn. Nếu như sử dụng các ứng dụng như đã nói phía trên, tài xế và khách hàng hoàn toàn được đảm bảo khi gặp tình trạng tương tự sẽ được phía quản lý hỗ trợ.
Khi gặp nguy hiểm, biết kêu ai?
Điểm lợi thế dễ thấy nhất của dịch vụ đặt xe là cung cấp thông tin đầy đủ về tài xế, số xe và có đội ngũ hỗ trợ khách hàng thường trực. Thế nhưng lợi thế đó đã bị gạt ra khỏi các nhóm người dùng.
Khi người dùng tự đặt xe trực tiếp với tài xế, thông tin mà họ có chỉ là số điện thoại, tên người lái (hoàn toàn có thể sử dụng tên giả) và chút thông tin ít ỏi trong trang profile cá nhân. Sử dụng dịch vụ khi không biết thông tin cụ thể người cung cấp, nếu như gặp sự cố, bạn sẽ không thể yêu cầu trợ giúp bởi họ không bị quản lý bởi bất kỳ đơn vị nào.
Dù những trường hợp đáng tiếc do tự đặt xe qua nhóm công cộng trên Facebook xảy ra chưa nhiều nhưng khó có thể coi đây là hình thức an toàn. Nếu sử dụng lâu dài và tiếp tục tồn tại, hoạt động này hoàn toàn có thể biến tướng gây nguy hiểm cho cả khách hàng và tài xế lái xe khi gặp kẻ xấu.
Thuế Uber thu đã khó, thuế "dịch vụ chui" còn khó gấp bội
Đến nay doanh nghiệp taxi Uber tại Hà Lan vẫn không đăng hoạt động kinh kinh doanh vận tải bằng taxi tại thành phố, trong khi đó, doanh nghiệp taxi Uber tại Việt Nam chỉ đăng ký maketing tiếp thị cho taxi Uber.
Thu thuế Uber là một vấn đề nhức nhối và đau đầu của những người làm quản lý Việt Nam. Trong một thông tin mới đây nhất, mỗi ngày Uber chuyển 1 tỷ đồng về trụ sở chính ở Hà Lan, thế nhưng cơ quan thuế Việt Nam vẫn chưa nhận được một đồng nào.
Thông tin trên tờ Tuổi trẻ cho biết, trong thời gian qua Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã lập biên bản xử phạt khoảng 200 taxi Uber không có giấy phép kinh doanh và không có bảng hiệu, bộ đàm, phù hiệu taxi. Trước đó, đại diện Cục thuế TP.HCM cho biết taxi Uber chưa kê khai thuế về hoạt động taxi tại TP.HCM.
PGS.TS Nguyễn Việt Khôi, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) trong một cuộc phỏng vấn có nói rằng: "Bạn mua bất kỳ sản phẩm, dịch vụ nào, bạn cũng phải đóng thuế". Việc thu thuế Uber đã khó, nay dịch vụ này lại bị khách hàng và tài xế tự ý biến tướng thành "dịch vụ chui", không cơ quan quản lý, không có thông tin cụ thể khiến việc thu thuế từ hoạt động này gần như không thể, gây thất thoát lớn.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android