Những sai lầm mà người mới khởi nghiệp thường mắc phải (P1)

    Comet,  

    Nếu bạn là người lần đầu startup hoặc có ý định làm điều đó, hãy lắng nghe những lời khuyên này.

    Những người khởi nghiệp thường có rất nhiều thứ: nhiệt huyết, sự tự tin, thái độ cầu thị, sự chịu khó,...Thế nhưng rõ ràng thứ họ thiếu nhất lại chính là kinh nghiệm và sự từng trải - thứ có thể giúp con đường khởi nghiệp của họ bớt vất vả hơn. Và khi chúng ta không có một điều gì đó, hãy đi hỏi và lắng nghe lời khuyên của những người khác.

    Mới đây một chủ đề tương tự đã xuất hiện trên Quora (một trang web chuyên hỏi đáp) với nội dung rất đơn giản: "Những lỗi lầm phổ biến nhất mà những người lần đầu làm startup thường mắc phải là gì?"

    Và đây là những lời khuyên của những người đi trước, hãy xem xem liệu bạn có học được điều gì từ đây không nhé:

    1. Đừng cố ôm hết mọi việc

     Bạn không có chừng này cánh tay đâu...

    Bạn không có chừng này cánh tay đâu...

    Một vấn đề mà những người mới làm startup hay gặp phải là họ chẳng có nhiều tiền để thuê nhiều nhân sự. Do đó họ thường tự mình kiêm luôn rất nhiều công đoạn khác của công việc. Điều này rõ ràng là không xấu, nhưng chỉ là khi bạn vẫn có thể giữ được sự tỉnh táo cho riêng mình. Một startup cần một vị thủ lĩnh thực sự, người có thể đưa cả dự án đến thành công chứ nó không cần một anh chàng đa-zi-năng trong công việc. Mặc dù vậy, vẫn có nhiều công đoạn ban đầu bạn cần tự tay thực hiện như quan hệ khách hàng, tìm kiếm đầu tư,...

    2. Đừng làm việc đến chết

    Đa phần những người mới làm startup có đủ nhiệt huyết để làm việc khoảng... 16-18 tiếng một ngày và 7 ngày trong tuần. Thế nhưng khởi nghiệp là một chặng đường dài, và người ta ước tính thời gian để con đường này thành công thường rơi vào khoảng 7-10 năm. Vậy nên nếu bạn không lên một thói quen làm việc hợp lý, bạn sẽ chẳng đủ sức để trụ vững cho đến ngày thành công đó. Đấy là chưa kể việc làm việc quá tải sẽ giảm năng suất và hiệu quả làm việc đi rất nhiều.

    Khi bạn làm startup, nếu bạn không tự lo được cho mình thì bạn cũng chẳng thể lo được những việc khác đâu!

    3. Đừng làm cái gì nửa vời

    Những người làm startup là những "cỗ máy" sáng tạo thực sự. Họ có thể nghĩ ra hàng trăm ý tưởng để kiếm tiền, và đôi khi họ làm điều đó ngay cả khi đang thực hiện dở một trong số đó. Việc liên tục sáng tạo và tìm tòi cái mới là hợp lý, nhưng hãy nhớ là các nhà đầu tư sẽ chẳng bao giờ đánh giá cao một dự án khi mà bản thân bạn còn chẳng đặt toàn tâm toàn ý vào đó.

    Hãy dành nhiều thời gian hơn cho giai đoạn lên ý tưởng, và một khi đã quyết định làm điều gì đó thì hãy làm nó tới cùng.

    4. Đừng trốn tránh điểm yếu

    Nhiều người trẻ tuổi thường thích nói về những thứ đẹp đẽ hơn là tìm hiểu những mặt yếu kém và khắc phục chúng. Ví dụ họ rất hay dùng những câu nói đại loại như: "Tất cả các khách hàng đều yêu quý sản phẩm của chúng tôi", "Khảo sát cho thấy hơn 80% người dùng đang kỳ vọng vào sự xuất hiện của sản phẩm". Vâng, chúng sẽ là những con số tuyệt vời, trừ việc mới chỉ không quá vài chục người mua sản phẩm và thực hiện các bản survey khảo sát của bạn.

    Đừng né tránh những điều còn chưa tốt, hãy cố gắng khắc phục chúng.

    5. Đừng kẹt xỉn lúc này

    Những đồng tiền được chi tiêu đúng lúc sẽ vô cùng giá trị
    Những đồng tiền được chi tiêu đúng lúc sẽ vô cùng giá trị

    Nếu bạn đang có một ý tưởng tuyệt vời, thậm chí là vô cùng tiềm năng? Chúc mừng bạn, và hãy cố gắng dành cho nó những thứ mà nó xứng đáng có. Nhiều người khởi nghiệp thường xem nhẹ các vấn đề như bằng sáng chế hay thuê luật sư để giải quyết các vấn đề pháp lý. Thế nhưng điều này sẽ làm hại chính bạn khi mà dự án đạt được những thành công đầu tiên. Những trở ngại về luật pháp có thể dễ dàng đánh chìm toàn bộ công sức của bạn, bất kể bạn đã dành cho nó vài tháng, thậm chí là vài năm làm việc chăm chỉ.

    6. Đừng né tránh khách hàng

    Đã bao lâu rồi bạn không giao tiếp với khách hàng của mình (qua điện thoại, email, thư từ,..). Hy vọng không phải là vài tuần, thậm chí là vài tháng? Điều này không phải là để thuyết phục họ mua thêm hàng, cũng không phải là đễ hỗ trợ họ tốt hơn. Nó là để bạn LẮNG NGHE những gì họ nói. Là một startup, bạn và dự án của mình luôn phải lắng nghe thị trường để biết mình nên làm điều gì và cải thiện điều gì.

    Còn nếu bạn thậm chí còn không có khách hàng nào để làm điều đó, hãy xem lại một cách nghiêm túc thứ mà bạn đang theo đuổi.

    7. Hãy quan tâm tới cộng sự của bạn

    Đừng làm kẻ sở hữu, hãy làm bạn của họ
    Đừng làm kẻ sở hữu, hãy làm bạn của họ

    Với một công ty lớn cỡ vài ngàn nhân viên, việc một tổng giám đốc chẳng biết mặt các nhân viên của ông ta chẳng có gì là lạ cả. Nhưng với một startup chỉ có chưa tới 10 người, việc các nhân viên chẳng bao giờ thấy mặt người lãnh đạo của họ đúng là một thảm họa thực sự. Hãy nhớ ở giai đoạn này, bạn cần đến họ nhiều như những gì họ cần ở tương lai của startup này. Đừng cố tỏ ra xa cách, và hãy luôn thể hiện vai trò của mình trong những giai đoạn quan trọng. Bởi khởi nghiệp thì những "tai nạn" bất chợt là không hề thiếu.

    8. Đừng bí mật ý tưởng của bạn

    Ít nhất, đừng làm thế khi bạn đang bắt tay vào thực hiện nó. Nhiều người thường lo sợ sẽ bị người khác đánh cắp ý tưởng, đến nỗi khư khư giấu nó trong suy nghĩ mà chẳng hề nhận ra nó đang chết dần chết mòn trong đó. Hãy nói ra những gì bạn suy nghĩ, và cách người khác phản hồi về nó sẽ giúp bạn biết được mình nên cải thiện điều gì. Lí do duy nhất mà người ta không dám nói ra ý tưởng của họ chỉ là vì họ sợ nó thật ngu ngốc và bị người khác chê cười.

    Bạn không có gì phải sợ cả, người ta quá bận rộn với những ý tưởng của họ, và chẳng ai có thể hiểu rõ ý tưởng của bạn hơn chính bạn đâu.

    9. Đừng dành tính yêu cho ý tưởng, hãy dành nó cho sản phẩm thực tế

    Bất cứ ai trong chúng ta cũng có quyền tự hào và tâm đắc với ý tưởng do mình nghĩ ra. Nhưng từ ý tưởng đến thực tế là cả một chặng đường rất dài. Bạn nên ngưng việc tự hào về ý tưởng kia để bắt tay vào việc biến nó thành một dự án thành công. Còn nếu không thể làm nó thành công thì hay quên nó ngay đi!

    Một ý tưởng sẽ mãi chỉ là một ý tưởng. Chỉ có những sản phẩm thành công mới làm no được cái bụng của bạn và đem lại cho bạn sự kính trọng của xã hội. Còn ý tưởng thì chỉ đang tiêu hao năng lượng của bạn mỗi khi nghĩ về nó mà thôi.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ