Ô nhiễm không khí tại Trung Quốc có thể trở thành cơ hội kinh doanh của các công ty công nghệ
Tình trạng ô nhiễm không khí tại các thành phố đang trở nên nghiêm trọng lại có thể là cơ hội kinh doanh cho các công ty công nghệ.
Chính quyền thành phố Bắc Kinh đã hai lần đưa tình trạng ô nhiễm không khí tại đây lên mức báo động đỏ. Cho thấy tình trạng ô nhiễm tại các thành phố lớn của Trung Quốc đang trở nên vô cùng nghiêm trọng, trước sự phát triển quá nhanh của các ngành công nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên hai trong số các công ty công nghệ lớn là IBM và Microsoft lại thấy rằng đây là cơ hội cho một ngành kinh doanh mới có thể đem lại lợi nhuận lớn. Cả hai công ty này đang chạy đua phát triển công nghệ giúp xác định mức độ ô nhiễm trong không khí, một công nghệ cần thiết tại các thành phố như Bắc Kinh.
Để có thể thực hiện tốt các chính sách cải thiện môi trường, chính quyền thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất phải kiểm soát lượng khí thải từ các nhà máy của mình. Tuy nhiên việc đo lường mức độ khí thải lại không phải là chuyện đơn giản, nếu như không có các công nghệ và thiết bị chuyên dụng. Chính vì vậy mà chính quyền thành phố sẽ cần tới các công nghệ xác định và theo dõi mức độ ô nhiễm không khí của IBM hay Microsoft.
Nhà nghiên cứu Yu Zheng của Microsoft cho biết: “Sự quan tâm tới các dịch vụ và công nghệ dự báo mức độ ô nhiễm không khí đang ngày càng cao. Ngày càng có nhiều người quan tâm về việc không khí họ đang hít thở có ở mức độ ô nhiễm báo động hay không”.
Ngành kinh doanh mới trị giá tỷ USD
IBM đã ký hợp đồng với Cục bảo vệ môi trường của Bắc Kinh, mà cung cấp công nghệ cảnh báo mức độ ô nhiễm không khí bằng mã màu. Công ty này cũng đã thành lập một Trung tâm sáng tạo môi trường, là nơi làm việc của các nhà khoa học của IBM và nhân viên chính phủ. Mục đích là tìm ra cách để giảm mức độ ô nhiễm khi vượt quá mức báo động đỏ.
Bên cạnh đó, công ty này còn ký hợp đồng với Zhangjiakou và sẽ cùng nhau tổ chức Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. Trong đó, IBM sẽ có trách nhiệm lập ra các kế hoạch để theo dõi và giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong suốt khoảng thời gian diễn ra thế vận hội.
Về phần mình, Microsoft đã ký kết với Bộ Môi trường Trung Quốc và các cơ quan bảo vệ môi trường tại Phúc Kiến và Thành Đô. Gã khổng lồ phần mềm đã tạo ra một trang web được gọi là “Urban Air” và một ứng dụng cho smartphone mà có thể dự báo trong khoảng thời gian 48 giờ mức độ ô nhiễm không khí. Nhờ đó mà người dân có thể biết được tình trạng ô nhiễm không khí của ngày hôm sau, giống như dự báo thời tiết để có các biện pháp đề phòng.
Ở bên ngoài Trung Quốc, IBM cũng đã triển khai các dịch vụ của mình tại Delhi, Ấn Độ và Johannesburg, Nam Phi là các thành phố có mức độ ô nhiễm cao nhất trên thế giới.
Khi mà tình trạng ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, thì các công nghệ và dịch vụ phục vụ cho việc theo dõi, giám sát và cảnh báo mức độ ô nhiễm đang trở thành một ngành kinh doanh lớn, khi phần lớn các khách hàng là cơ quan chính phủ.
Tuy nhiên IBM và Microsoft không chỉ phải cạnh tranh với nhau, mà hiện tại cũng có nhiều startup mới được thành lập đã tập trung vào hướng đi mới này. Như Air Visual, một startup có trụ sở tại Bắc Kinh, hiện đang cung cấp dịch vụ cảnh báo 3 ngày mức độ ô nhiễm không khí thông qua trang web và ứng dụng smartphone của mình.
Tham khảo: reuters
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Cùng nhận tiền của NASA để sản xuất tàu vũ trụ, SpaceX thành công lớn còn Boeing lỗ nặng
Boeing đứng trước những sóng gió lớn nếu không hoàn thành dự án Starliner của mình.
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương