Ông chủ "điện thoại xách tay Sky” bên bờ vực thẳm

    Huê Tửu,  

    (GenK.vn) - Nợ nần chất chồng lên nhau, tài sản của công ty sụt giảm trầm trọng, liệu "Sky" có vào Việt Nam thuận lợi?

    Hãng điện thoại thông minh Pantech, vốn được nhiều người dùng Việt biết đến với việc là chủ thương hiệu điện thoại xách tay Sky, đang nợ nần chồng chất và có thể phải nộp đơn xin phá sản. Điều đó khiến giới công nghệ Việt dấy lên câu hỏi, liệu hãng còn có thể “vào Việt Nam” thuận lợi như tin đồn được đưa ra gần đây?

    Ngoài ra, không như nhiều người yêu thích điện thoại xách tay từng biết, Pantech đã không còn duy trì được vị trí hãng điện thoại số 2 Hàn Quốc, mà giờ đây đã rớt xuống vị trí thứ 3.

    Pantech là đối thủ duy nhất tại thị trường Hàn Quốc không thuộc một siêu tập đoàn nào. Hiện tại hãng đang đứng thứ 3, sau hai gã khổng lồ xứ Kim Chi là Samsung và LG. Pantech chỉ giữ được 8% thị phần Hàn Quốc, bị hai đối thủ lớn bỏ khá xa. Dù hệ điều hành Android nắm tới 90% thị phần quốc gia Đông Bắc Á.

    Tình hình bán lẻ smartphone Hàn Quốc 2013: Samsung 65,7%, LG 18,8%, Pantech 8%, Apple 7,1%

    Tình hình bán lẻ smartphone Hàn Quốc 2013: Samsung 65,7%, LG 18,8%, Pantech 8%, Apple 7,1%

    Hôm qua, báo chí Hàn Quốc cho hay các nhà đầu tư của Pantech đang họp với nhau để cùng đưa ra quyết định về tương lai của hãng điện thoại này. Các phương án được đưa ra bao gồm: chi thêm tiền vào hãng, phác thảo lộ trình giải quyết nợ mới, thậm chí là nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

    “Pantech đang cố gắng thu hút vốn từ các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, nhưng xem ra hãng gặt hái rất ít thành quả. Theo những gì mà tôi biết, các nhà đầu tư đang muốn đạt thỏa thuận trong tuần này về việc phục hồi cho Pantech, bao gồm cả việc bơm thêm tiền vào công ty này”, một nguồn thạo tin tài chính ở Hàn Quốc cho hay.

    Tuy nhiên, nguồn khác lại cho rằng “Theo như tôi biết, thì các nhà đầu tư đang quyết định việc có giải cứu Pantech bằng việc chi thêm vốn không, hay là để công ty này tự giải quyết vấn đề nợ”.

    Vào tháng tư 2007, công ty này từng phải đăng ký giãn nợ, sau khi gặp vấn đề về tài chính. Vào tháng 12/2011, sau khi kết thúc chương trình giãn nợ, hãng đã tái cấu trúc thành công và tiếp tục giữ lợi nhuận trong 17 quý liên tiếp. Thế nhưng, vào quý 3 năm 2012 hãng lại tiếp tục gặp khó khăn về tài chính. Chính vì hoạt động kém của công ty, nhà sáng lập và là Phó chủ tịch Pantech, Park Byeong-yeop, đã nộp đơn xin nghỉ việc vào tháng 9/2013. Trước đó, vào cuối năm 2011, vì kế hoạch giải quyết nợ của hãng không hoàn thành, ông Byeong-yeop đã phải xin từ chức Chủ tịch tập đoàn.

    Pantech đang phải đối mặt với chương trình tái cấu trúc mới với việc cho 800 nhân viên nghỉ không lương và từ bỏ mảng kinh doanh smartphone ở nước ngoài. Thêm vào đó, hãng không thể bán mạnh sản phẩm của mình là bởi hãng vẫn đang thiếu vốn để đẩy mạnh marketing. Tài sản lưu động của Pantech cũng đang giảm mạnh, nếu vào năm 2011 hãng có giá trị tài sản khoảng 1,38 tỷ USD, thì quý 3 năm trước con số đó giảm gần 5 lần, xuống còn 527 triệu USD.

    Một câu hỏi khác đặt ra là: Liệu Samsung có thâu tóm đối thủ hay không? Ít người biết rằng Samsung hiện đang là cổ đông lớn thứ 3 của Pantech. Hồi tháng 5/2013, Samsung từng thâu tóm 10% cổ phần của Pantech với giá khoảng 48 triệu USD. Trả lời báo giới, Samsung cho hay thương vụ này không liên quan tới việc cạnh tranh của hãng và Pantech, mà chỉ nhằm gia tăng mối quan hệ giữa hai hãng.

    Samsung và Pantech đang có mối quan hệ rất chặt chẽ ở mảng chip xử lý và màn hình. Pantech mua linh kiện từ Samsung, hợp tác trong nhiều mảng kinh doanh smartphone với Samsung. Ở thị trường Hàn Quốc thì hai hãng từng cạnh tranh rất gay gắt. Tuy nhiên, ở các thị trường khác, các chuyên gia đánh giá quan hệ của Samsung và Pantech là "nước sông không phạm nước giếng", khi sản phẩm của Pantech chỉ thuộc hàng hạng 2, hạng 3, khó gây cản trở cho Samsung.

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày