Samsung được áp dụng quy định thuế nhập khẩu như doanh nghiệp nội

    PV,  

    Không đồng ý với đề xuất sửa đổi quy định tại Thông tư 38, Bộ Tài chính chấp thuận cho Samsung được áp dụng các quy định về thuế nhập khẩu như với doanh nghiệp nội địa.

    Bộ Tài chính chính thức có ý kiến báo cáo Thủ tướng Chính phủ phản hồi kiến nghị về chính sách thuế nhập khẩu đối với hàng hóa sản xuất tại doanh nghiệp chế xuất bán nội địa Việt Nam của Công ty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (gọi tắt là công ty Samsung).

    Theo đó, Bộ Tài chính cho biết trình Chính phủ cho phép công ty Samsung khi chuyển sang loại hình doanh nghiệp chế xuất mà được phép tiêu thụ nội địa 10-15% sản phẩm thì thực hiện phương thức kê khai, nộp thuế và chính sách quản lý đối với nguyên liệu nhập khẩu sản xuất hàng hóa tiêu thụ nội địa như doanh nghiệp nội địa.

    Thực hiện theo phương án này, theo Bộ Tài chính sẽ đảm bảo chính sách thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu nhập khẩu để sản xuất ra 10-15% sản phẩm để tiêu thụ nội địa của công ty thống nhất với trường hợp của doanh nghiệp nội địa nhập khẩu linh kiện về để sản xuất ra sản phẩm như Samsung.

    Bộ Tài chính đặt giả thiết nếu được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ hướng dẫn Samsung và các cơ quan liên quan.

    Cụ thể, khi nhập khẩu nguyên vật liệu (toàn bộ) để sản xuất sản phẩm, công ty (nhập khẩu từ nước ngoài vào doanh nghiệp chế xuất) thực hiện theo hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất quy định tại Mục 5 Thông tư 38/2015/TT-BCT. Hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế nhập khẩu, không chịu thuế giá trị gia tăng, công ty có quyền và nghĩa vụ của người khai hải quan theo hướng dẫn tại điều 2 Thông tư 38/2015/TT-BCT.

    Đối với sản phẩm sản xuất ra khi xuất khẩu theo dự kiến là 85-90% tổng doanh thu san khi đi vào hoạt động ổn định thực hiện theo hướng dẫn về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp chế xuất quy định tại Mục 5 thông tư kể trên.

    Đối với sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ nội địa theo dự kiến là 10-15% tổng doanh thu sau khi đi vào hoạt động ổn định công ty xây dựng định mức thực tế để sản xuất sản phẩm được lưu tại công ty và xuất trình khi cơ quan hải quan kiểm tra.

    Theo Bộ Tài chính, trên cơ sở định mức thực tế để sản xuất sản phẩm, số lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa, công ty xác định số lượng nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất ra số lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa, thực hiện khai hải quan mới đối với số lượng nguyên vật liệu này.

    Đồng thời, công ty phải hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến số lượng hàng hóa bán vào thị trường nội địa, công ty xuất hóa đơn giá trị gia tăng, tính thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật và được khấu trừ số thuế giá trị gia tăng giữa số thuế giá trị gia tăng phải nộp khi bán sản phẩm với số thuế giá trị gia tăng phải nộp của số lượng nguyên vật liệu sử dụng để sản xuất ra số lượng sản phẩm tiêu thụ nội địa.

    Phương án Bộ Tài chính đưa ra trùng với phương án thứ 2 do Samsung kiến nghị và trong đề xuất của Samsung, Samsung cũng đề cập đến việc đề nghị Bộ Tài chính xem xét và chấp thuận cho Samsung được áp dụng các quy định về thuế nhập khẩu như đối với doanh nghiệp nội địa.

    Còn phương án thứ nhất được Samsung đưa ra là sửa đổi quy định tại khoản 2 điều 40 Thông tư 38 quy định về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan, thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để phù hợp với đặc thù của doanh nghiệp chế xuất.

    "Samsung đề nghị tách giá trị của các nguyên liệu, linh kiện nhập khẩu có thuế xuất thuế nhập khẩu bằng 0% ra khỏi phần giá trị tính thuế của hàng hóa sản xuất tại doanh nghiệp chế xuất khi bán, nhập khẩu vào nội địa Việt Nam", Samsung cho biết.

     

    NGUYỄN THẢO/CafeBiz/Theo Diễn đàn đầu tư

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ