(GenK) - Tình hình kinh doanh không mấy khả quan và mối lo mang tên "thừa kế" cùng rất nhiều khó khăn khác đang đổ lên đầu Samsung.
Lợi nhuận sụt giảm kỷ lục
Đầu tháng 7, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc công bố doanh thu đạt 7,2 nghìn tỷ won (tương đương 7,1 tỷ USD) trong vòng ba tháng tính đến ngày 30/06. Giảm 24% so với cùng kỳ năm trước đó và không đạt được mức kỳ vọng như ban đầu là 8 nghìn tỷ won.
Trong khi đó, doanh số bán hàng hàng quý cũng giảm 10% tương ứng với 52 nghìn tỷ won. Dòng sản phẩm mang lại doanh thu chủ yếu cho Samsung vẫn là điện thoại thông minh Galaxy.
Báo cáo kết quả kinh doanh gần đây nhất cũng cho thấy, lợi nhuận từ mảng di động của Samsung giảm từ 6,28 nghìn tỷ won của một năm trước đó xuống còn 4,42 nghìn tỷ won, mức thấp nhất trong 2 năm qua.
Trong thông cáo, Samsung thừa nhận nửa sau năm 2014 tiếp tục là thách thức lớn và nhấn mạnh kết quả này là do cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt. Theo hãng nghiên cứu IDC, thị phần smartphone Samsung giảm từ 32,3% xuống còn 25,2%.
Trước diễn biến kết quả kinh doanh tồi tệ, các Giám đốc phụ trách mảng di động của Samsung đồng loạt trả lại 1/4 tiền thưởng 6 tháng đầu năm, đồng thời chuyển sang đi ghế máy bay hạng thường.
Đây là dấu hiệu cho thấy tình hình kinh doanh đang diễn biến theo chiều hướng thật sự xấu và lãnh đạo Samsung đang phải tìm mọi cách để cơ cấu lại.
Rắn mất đầu, loay hoay giải quyết vấn đề thừa kế
Một cuộc chiến ngầm khác Samsung đang phải đối mặt mang tên “thừa kế”. Tháng 4 vừa qua, Lee Kun Hee - chủ tịch Samsung và là người có quyền lực tối cao nhất tại tập đoàn này phải nhập viện vì suy tim, câu hỏi ai thừa kế và người thừa kế đó sẽ dẫn dắt tập đoàn này ra sao đang trở thành vấn đề nổi cộm hơn bao giờ hết.
Hiện con trai duy nhất của chủ tịch Lee là Lee Jae Yong (46 tuổi) được dự đoán sẽ kế nghiệp và dẫn dắt Samsung. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tỏ ra lo ngại anh này không đủ sức ảnh hưởng và khả năng để có thể lãnh đạo Samsung như cha của mình.
Ngoài ra, nếu thực sự trở thành người thừa kế, Yong có thể phải đối mặt với khoản thuế thừa kế lên tới 6 tỷ USD cùng vô số thử thách khác.
Giáo sư Kim Houng Yo của trường quản lý Kyung Hee Seoul còn thẳng thắn nhận xét:“Samsung có được như ngày hôm nay là nhờ vào tài lãnh đạo của chủ tịch Lee Kun Hee. Một khi cấu trúc lãnh đạo hiện tại bị phá vỡ, tầm kiểm soát của các thành viên trong gia đình họ Lee sẽ bị suy yếu và dẫn tới thất bại trên thị trường”.
Chung Sun Sup chủ tịch hãng tư vấn Chaebul.com nhận xét: “Yong chưa chứng tỏ được khả năng ở bất cứ thử thách lớn nào. Nhà đầu tư đang tỏ ra ái ngại về tương lai của Samsung nếu trao quyền kiểm soát cho Yong. Dù là ai thì cũng rất khó có được khả năng lãnh đạo và tầm ảnh hưởng giống như chủ tịch Lee Kun Hee”.
Cạnh tranh khốc liệt trong mảng kinh doanh chính là điện thoại di động
Tin buồn liên tục ập đến với Samsung thời gian gần đây. Theo đó, ngày hôm quahãng này đã chính thức bị mất “ngôi vương” trong mảng điện thoại di động tại một trong những thị trường lớn nhất thế giới là Trung Quốc. Điều đáng nói là, đối thủ vượt mặt được Samsung là Xiaomi mới chỉ được thành lập 4 năm.
Theo đó, doanh số bán điện thoại của Xiaomi đạt 15 triệu chiếc, chiếm 14% thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, Samsung chỉ bán được 13,2 triệu chiếc, chiếm 12% thị trường Hàn Quốc.
Ngoài ra, Essica Kwee, chuyên gia phân tích tại công ty Canalys (Singapore) nhận định: “Vị trí của Xiaomi ở Trung Quốc khó có thể bị phá vỡ và các nhà sản xuất đến từ nước ngoài cần phải dè chừng”.
Trước đó, Trung Quốc luôn là thị trường rộng lớn và tiềm năng với không chỉ riêng Samsung mà là tất cả các nhà sản xuất điện thoại. Trong quý 2/2014, quốc gia này chiếm 37% lượng điện thoại tiêu thụ trên toàn cầu tương đương với 108,5 triệu chiếc.
Bên cạnh đó, đối thủ Apple đang ráo riết tung ra thông tin về việc sản xuất iPhone 6 với hai phiên bản, bao gồm cả thiết kế màn hình to để cạnh tranh với các smartphone đang có mặt trên thị trường.
Không chỉ khó khăn trong mảng di động, mới đây Samsung còn bị Apple giáng một đòn đau khi quyết định chấm dứt hợp tác trong mảng sản xuất chip cho iPhone và iPad.
Trước đó, ngoài sản xuất ti vi, điện thoại di động, máy giặt…, ít ai biết Samsung còn là nhà cung cấp chip điện tử cho rất nhiều hãng công nghệ lớn, trong đó có cả Apple.
Việc Apple đã đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt hợp tác trong mảng kinh doanh này được tiết lộ là do những lùm xùm về việc Samsung ăn cắp thiết kế và hai hãng đang ngày trở thành đối thủ “không đội trời chung” trong mảng kinh doanh điện thoại di động.
Các chuyên gia nhận định, với quyết định này, Samsung có thể mất đi doanh thu 877 tỷ won/năm tương đương khoảng 851 triệu USD từ mảng sản xuất chip điện tử.
Chủ tịch quan hệ đầu tư của Samsung cũng khẳng định: “Doanh số bán hàng và lợi nhuận của mảng sản xuất chip điện tử đang ngày càng trở nên tồi tệ do nhu cầu của các khách hàng tiếp tục giảm mạnh”.
Không khả quan trong dài hạn
Về hướng đi mới, Samsung tuyên bố sẽ thay đổi chiến lược. Ngoài điện thoại thông minh, công ty sẽ tập trung thêm vào máy tính bảng và đồng hồ thông minh.
Người phát ngôn của hãng này cho biết: “Công ty đang đặt kỳ vọng lớn vào quý 3 với các dòng điện thoại thông minh mới ra mắt. Mảng sản phẩm smartphone vẫn là mũi nhọn của chúng tôi”.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư lại đưa ra những nhận xét không khả quan, đặc biệt là trong dài hạn. Một chuyên gia nhận định: “Mặc dù có một số bằng chứng đáng để kỳ vọng trong quý ba, nhưng nếu nhìn trong dài hạn, tôi không chắc chắn được liệu Samsung có tiếp tục đạt được lợi nhuận khả quan hay không”.
Theo CafeBiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
iPhone 14 Pro Max phát nổ khiến người dùng bị thương
Vụ việc đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?