Steve Ballmer: Anh hùng không gặp thời?

    PV,  

    Thời hoàng kim của PC chấm dứt. Microsoft cũng vì thế mà gặp khó khăn. Phải chăng những gì Steve Ballmer đã và sắp làm không phù hợp với thời thế và định hướng mới của công ty nên đành phải từ chức.

    Steve Ballmer: Anh hùng không gặp thời?
     

    Những ngày qua, hễ nhắc đến Steve Ballmer hẳn người ta lại nghĩ đến hai chữ "nghỉ hưu". Vị giám đốc kế nhiệm Bill Gates đã đóng "hai vai chèo" trong suốt thời gian cầm quân: vừa là một "ông ba mươi" luôn gầm gừ trước các sản phẩm của Apple, vừa là một chú "tiểu hổ" hoạt náo tung hô sản phẩm công ty trên các bục diễn thuyết. Nhưng dù thế nào chăng nữa, ông cũng đang sắp sửa về hưu nội trong năm tới.

    Sự vắng mặt của Ballmer là một điều gây bất ngờ vì mới tháng 7 đây thôi vị CEO này vừa công bố một đợt tái tổ chức công ty, hy vọng sẽ được chứng kiến nhiều thay đổi lớn. Một vài sự kiện xảy ra như thể ăn mừng sự ra đi của ông: giá cổ phiếu Microsoft tăng những 7,3% vào ngày công bố thông tin.

    Có rất nhiều lời phê bình dành cho Ballmer mặc dù trong 13 năm được ông chèo lái, doanh thu Microsoft đã tăng gấp ba. Tháng 6 vừa rồi doanh thu đạt 77,8 tỉ USD, lợi nhuận lên tới 21,9 tỉ USD.

    Những người chê trách chỉ vào mức tăng trưởng của Apple, Google và nói đáng nhẽ Microsoft phải làm tốt hơn, hoặc phải chia cho các cổ đông một phần từ khoản 77 tỉ đô ấy.

    Trả lời phỏng vấn báo Seattle Times, Steve Ballmer khẳng định rằng không có chuyện ValueAct (một quỹ đầu tư nắm giữ lượng cổ phần nhỏ của Microsoft) gây nên áp lực và đẩy ông ra đi.

    Microsoft yên vị trên chóp kim tự tháp bao gồm các công ty phát đạt nhờ sự bùng nổ của máy tính cá nhân (PC). Phần lớn các máy PC chạy trên hệ điều hành (HĐH) Windows, trang bị chip Intel và khoác lên thương hiệu của Dell, HP, Lenovo..., ngày nay phần lớn được gắn mác của các nhà thầu Đài Loan.

    Nhưng thời nay người ta ngày một ưa dùng các thiết bị di động đến từ Apple hoặc chạy hệ điều hành Android. Vì vậy mà doanh số PC đã tụt ở mức hai chữ số. Các công ty trong khối tim tự tháp trên từ chóp đến đáy đều đang đánh liều đổi mới PC và giảm sự phụ thuộc vào PC. Nhưng mấy ai có được thành công đáng kể.

    Nhà phân tích của Forrester, Frank Gillett ước tính thị phần các thiết bị cá nhân cài HĐH Windows trước đây từng nằm trên ngưỡng 95% nay giảm xuống còn khoảng 30%. Microsoft đã "chữa cháy" một cách chậm trễ bằng Windows 8 - HĐH mới cho máy tính màn hình cảm ứng và tablet vào tháng 10 năm ngoái cùng những phiên bản riêng cho điện thoại và tablet giá rẻ.

    Người dùng sẽ mở ứng dụng bằng cách chạm ngón tay vào các ô vuông, thay vì nhấp chuột vào biểu tượng như xưa. Hệ thống giải trí Xbox - thành công đáng kể của Microsoft - cũng mang diện mạo tương tự. Phong cách thống nhất này sẽ giúp Microsoft chuyển phạm vi thống trị từ máy tính để bàn sang thiết bị di động, giúp công ty làm mới các sản phẩm PC.

    Nhưng mục tiêu ấy chưa hề xảy ra. Chưa có mấy doanh nghiệp vội vàng đặt mua Windows 8 còn một số khác vẫn chưa thể giã từ Windows 7 quen thuộc. Khách hàng chưa quen với những ô vuông trên màn hình, chính vì thế phiên bản Windows 8.1 sắp ra mắt vào tháng 10 sẽ giúp cải thiện phần nào. Có điều bây giờ là lựa chọn giữa máy tính cảm ứng hay tablet lai máy tính mà thôi.

    Surface, tablet của Micrsosoft là một thất bại thảm hại, lấy đi của công ty những 900 triệu USD.

    Còn điện thoại chạy HĐH Windows (phần lớn là Nokia) lại bị iPhones và các thiết bị chạy Android bỏ xa, chỉ chiếm ít ỏi 3,3% trên thị trường thế giới. Các sản phẩm này tuy lật đổ được BlackBerry khỏi vị trí thứ ba nhưng việc ấy cũng chưa nói lên điều gì.

    Bên cạnh Microsoft, tablet và smartphone của Intel cũng quá gây thất vọng, cho dù công ty đang phấn đấu bắt kịp thị trường và tháng 6 vừa rồi đã tung ra một loại chip mới với hy vọng kéo lại sức sống cho PC.

    Về phần HP, năm 2011, một loạt thành viên dự định nghỉ việc đồng loạt, công ty quyết định sa thải luôn bất cứ ai có ý định đó. Meg Whitman, CEO kế nhiệm đã trụ lại, tập trung thúc đẩy dịch vụ, phần mềm và sa thải bớt 27.000 nhân viên. Nữ CEO này có rất nhiều việc phải giải quyết khi kết quả kinh doanh gần đây nhất của HP vào ngày 21 tháng 8 đã khiến tình hình cổ phiếu công ty đảo ngược hoàn toàn so với trước đây.

    Dell cũng đang lúng túng trong hoàn cảnh tương tự. Michael Dell, nhà sáng lập kiêm CEO vẫn mong muốn theo đuổi mục tiêu mua lại cổ phần và tư nhân hóa công ty (go private).

    Lenovo thích ứng nhanh nhạy nhất trong số những nhà sản xuất máy tính hàng đầu. Trung Quốc, thị trường nội địa của công ty, tuy đang giảm tốc nhưng vẫn phát triển không ngừng. Thương hiệu châu Á này cũng đã bán được rất nhiều smartphone.

    Dù khởi đầu khá chậm chạp trong mảng điện thoại di động, Microsoft vẫn duy trì được lợi nhuận cao. David Cearley, phó chủ tịch của Gartner nhận định: "Tập trung vào mỗi Windows thì dễ thôi".

    Microsoft đã nhanh chân hơn đối thủ trong việc cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các công ty lớn. Mặc dù Word Processor và Spreadsheet miễn phí của Google đang là mối đe dọa cho Office, nhưng Microsoft vẫn bán trực tuyến được những dịch vụ cải tiến cho phần lớn khách hàng. "Hướng đi của Ballmer thực sự hợp lý", Cearly nhận xét. Nhưng nếu đặt ra sớm hơn, hẳn Ballmer đã mau chóng thấy cuộc hành trình được hoàn tất.

    Theo Thùy An
    CafeBiz

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ