Trung Quốc đã chi 37 tỷ USD đầu tư cho các hãng khởi nghiệp trong năm 2015

    Neo,  

    Trong năm vừa qua, các hãng đầu tư mạo hiểm Trung Quốc đã đầu tư tới 37 tỷ USD cho các hãng khởi nghiệp, gấp hai lần so với số tiền đầu tư trong năm 2014. Cứ đà này, Trung Quốc sẽ sớm giành vị trí lãnh đạo ngành công nghiệp công nghệ cao của Mỹ.

    Theo hãng tư vấn Prequin, trong năm 2015, có tổng số 1.555 dự án tại Trung Quốc nhận được vốn từ các hãng đầu tư. Tốc độ đầu tư nói chung giảm mạnh trong quý IV/2015 và đầu tư vào các dịch vụ Internet giảm mạnh nhất với 40%.

    Bùng nổ đầu tư tại Trung Quốc khiến một số công ty non trẻ ở quốc gia này như Xiaomi, Didi Kuaidi và Lu.com trở thành những hãng khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới. Năm vừa qua, tổng số vốn đầu tư tăng gấp đôi so với năm 2014. Trong khi tổng số vốn trong năm 2014 gấp ba lần so với năm 2013.

    "Tăng trưởng hàng năm từ 4,5 tỷ USD tới 15 tỷ USD và 37 tỷ USD cho thấy các hãng đầu tư Trung Quốc đang phát triển rất mạnh mẽ", Felice Egidio, trưởng bộ phận nghiên cứu các khoản đầu tư của Preqin, chia sẻ,.

    Theo số liệu của Preqin, năm ngoái là năm thành công trên toàn cầu khi tổng số vốn đầu tư đạt mức kỷ lục 135,8 triệu USD, tăng 45% so với năm ngoái. Tuy nhiên, đợt suy thoái đầu tiên kể từ khủng hoảng tài chính năm 2008, với rất ít hãng tiến hành bán cổ phiếu ra công chúng và hiếm các thương vụ thâu tóm các hãng khởi nghiệp, khiến tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại châu Âu và Mỹ giảm mạnh. Mặc dù vậy, sự bùng nổ của các khoản đầu tư tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc, đã bù lại và thậm chí giúp tăng số vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu đạt mức kỷ lục, Egidio nói.

    Trung Quốc đang thu hẹp khoảng cách với Mỹ, nơi sản sinh ra những hãng đầu tư mạo hiểm. Theo Preqin, năm ngoái, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại Mỹ đạt mốc 68 tỷ USD, tăng 12 tỷ USD so với con số 56 tỷ năm 2014.

    "Trong năm năm tiếp theo, Bắc Kinh sẽ có nhiều đổi mới, sáng tạo hơn tại Silicon Valley," Travis Kalanick, sáng lập Uber, hãng khởi nghiệp có giá trị lớn nhất thế giới, chia sẻ.

    Tuy vậy, vẫn có những lo ngại bởi có quá nhiều hãng khởi nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực nhất định tại Trung Quốc gây ra những cuộc chiến dành khách hàng tốn kém. Do đó, trong quý IV/2015, các nhà đầu tư cỏ vẻ hơi chùn tay khi chỉ bỏ ra 7,8 tỷ USD, một con số khiêm tốn so với 13 tỷ USD được rót ra trong quý III.

     Didi sáp nhập với Kuaidi nhằm giảm chi phí cạnh tranh và tăng sức mạnh trong cuộc chiến với Uber

    Didi sáp nhập với Kuaidi nhằm giảm chi phí cạnh tranh và tăng sức mạnh trong cuộc chiến với Uber

    "Dù rất tích cực đầu tư trong hơn hai năm qua nhưng trong thời gian gần đây các liên doanh và nhà đầu tư tư nhân có vẻ thận trọng hơn", Hong Chuan Thor, giám đốc quản lý của hãng nghiên cứu Highland Capital Partners, chia sẻ. "Nửa đầu năm 2016 sẽ là thời điểm khó khăn với các doanh nhân muốn huy động vốn".

    Làn sóng sáp nhập đang diễn ra tại Trung Quốc cũng thúc đẩy các nhà đầu tư rót tiền vào các doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Didi Kuaidi được kết hợp từ hai hãng phát triển ứng dụng chia sẻ xe hàng đầu Trung Quốc. Trong khi đó, mới đây, Meilishuo.com (một hãng bán lẻ thời trang được Tencent hỗ trợ) đã sáp nhập với đối thủ Mogujie.com để tạo ra một công ty mới có doanh thu lên tới 3 tỷ USD.

    Tình hình tại châu Á diễn ra tương tự Trung Quốc. Sau khi đạt đỉnh ở mức 18 tỷ USD vào quý III, gần bằng mức 18,5 tỷ USD tại Mỹ, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm tại châu Á trong quý IV/2015 giảm xuống chỉ còn 9,4 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức 12,7 tỷ tại Mỹ trong cùng thời điểm.

    Xiaomi, hãng khởi nghiệp có giá trị lớn thứ hai thế giới, đang phải đối mặt với khó khăn khi nhiều nhà đầu tư cho rằng hãng này không xứng đáng với giá trị 45 tỷ USD. Năm ngoái, Xiaomi không thể đạt mục tiêu bán ra 80 triệu smartphone bởi ngày càng nhiều đối thủ sao chép phong cách trẻ trung và chiến lược bán hàng trực tuyến của hãng này. Lin Bin, đồng sáng lập Xiaomi, vừa tiết lộ rằng hãng này chỉ bán được 70 triệu chiếc smartphone trong năm 2015.

    "Tôi không nghĩ sự bùng nổ của đầu tư mạo hiểm đã kết thúc", Mingchen Xia, giám đốc hãng đầu tư tư nhân Hamilton Lane Advisors, chia sẻ. "Tuy nhiên, nhìn chung, sắp tới các nhà đầu tư sẽ hoạt động hợp lý hơn hai năm vừa qua".

    Egidio cho rằng việc có nhiều thương vụ lớn diễn ra trong quý III năm ngoái đã khiến tổng vốn đầu tư tăng đột biến. Và, bất chấp sự suy giảm vốn đầu tư trong quý IV, Egidio tin rằng trong năm nay đầu tư mạo hiểm vào các hãng khởi nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. "Chẳng có lý do gì có thể khiến ngành công nghiệp Trung Quốc ngừng phát triển".

    Tham khảo Bloomberg

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày