VinaPhone kiếm tiền, cổ vũ vừa lái xe vừa nghe điện thoại?

    PV,  

    Nhằm mục tiêu có thêm khách hàng sử dụng dịch vụ, VinaPhone khuyến khích khách hàng “vừa lái xe vừa thỏa sức alo”?

    Tôi hết sức bất ngờ khi xem được tấm hình quảng cáo trên trang fanpage của Tổng công ty viễn thông hàng đầu Việt Nam đang được cộng đồng mạng đua nhau chia sẻ, bởi mức khuyến mãi cực hấp dẫn. Cụ thể, ngày 11/8 tới đây, VNPT VinaPhone sẽ triển khai chương trình khuyến mại miễn phí cho toàn bộ thuê bao VinaPhone trả sau, từ phút thứ 2 đến phút thứ 10 của các cuộc gọi nội mạng VinaPhone và gọi đến mạng cố định VNPT phát sinh trong ngày 11/8/2015.

    Theo dự kiến, sẽ có hàng triệu thuê bao VinaPhone có cơ hội sử dụng tối đa 2,5 tỷ phút miễn phí, để chào mừng sự kiện ra mắt Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông VNPT VinaPhone.

    Nhà mạng khuyến mại khủng – điều này cũng không có gì để bàn. Tuy nhiên, bức hình quảng cáo lại đăng một nội dung hết sức phản cảm, đáng phê phán. Trong poster quảng cáo có hình ảnh các “thượng đế” từ đi bộ, đi xe máy, đến lái ô tô đều đang thỏa sức… alo cùng nhà mạng này.

    VinaFone kiếm tiền, cổ vũ vừa lái xe vừa nghe điện thoại?

    Hình poster quảng cáo của VNPT VinaPhone: Các "thượng đế vừa lái xe vừa thỏa sức alo".

    Không hiểu với cách quảng cáo trên của VinaPhone, nhà mạng này có lường được những tác động xã hội họ gây ra hay không? Chỉ vì mục tiêu thu hút thêm khách hàng, họ đã cổ súy cho việc vi phạm quy định an toàn giao thông. Trong khi trung bình mỗi ngày đang có khoảng 30 người Việt Nam tử vong vì tai nạn giao thông và hàng trăm người khác phải gánh chịu thương tật. Không quan tâm đến tính mạng của những “thượng đế” mà mình đang phục vụ, VinaPhone liệu có thuyết phục được khách hàng?

    Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 9.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong số đó, nguy cơ tai nạn giao thông từ việc nghe điện thoại khi tham gia giao thông cao gấp 4 lần bình thường.

    Ngoài ra, theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại di động khi lái ô tô hoặc các phương tiện tương tự như ô tô, với mức từ 600.000-800.000 đồng; từ 60.000-80.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện), hoặc các phương tiện tương tự như xe máy; từ 50.000-60.000 đồng đối với người điều khiển xe đạp, xe đạp máy.

    Theo Zing

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ