Zing Me chia sẻ kinh nghiệm marketing trên mạng xã hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Leopard, Leopard 

    Hiệu quả, chi phí thấp, dễ tiếp cận khách hàng... song cũng không thiếu các khó khăn.

    Chiều 03-05, VNG - một trong các công ty lớn về Internet tại Việt Nam - với dòng sản phẩm Zing nổi tiếng, đã có một buổi nói chuyện với các doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm trao đổi & chia sẻ kinh nghiệm marketing trong bối cảnh Internet nói chung và mạng xã hội (MXH) nói riêng đang ngày càng lan toả vào mọi ngóc ngách của đời sống hàng ngày.


    Với bạn đọc GenK, khái niệm MXH hẳn không còn xa lạ gì. Facebook, Twitter, tumblr, Google ... là những cái tên quen thuộc với cộng đồng mạng. Và với VNG, Zing Me là sản phẩm mà công ty này tung ra cho thị trường Việt Nam.

    Số liệu của Zing Me

    Nói riêng về Zing Me, VNG cho biết mỗi tháng dịch vụ MXH của công ty này có đến 8 triệu lượt người dùng. "Cứ trung bình 3 người dùng Internet Việt Nam thì có 1 người dùng Zing Me". Cá nhân tôi có lẽ "không may" nằm trong số "2 người còn lại" nên tôi cũng không rõ con số 8 triệu lượt kia cụ thể như thế nào.

    Bấm hình xem kích thước lớn.

    Nhưng giá trị trên thực tế có ý nghĩa như nào? Anh Tony Trương, giám đốc điều hành Golden Digital cho hay: "Zing Me đứng đầu với 8,3 triệu visit trong tháng qua. Tiếp sau là Facebook và Blogger (tại Việt Nam) với 5,3 triệu lượt. Đứng sau nữa là VN-Zoom." Wow!

    Bấm hình để xem kích thước lớn.

    Tuy vậy điểm khiến tôi thắc mắc là đa phần các slide trong phần nói chuyện của Tony Trương lại toàn ảnh chụp giao diện Facebook, với các topic có rất nhiều Like cũng như Comment. Face riêng của Trương có tương đối khá nhiều tin nhắn và sự kiện. Trong khi đó tôi lại không thấy trang riêng nào của Trương trên Zing Me ngoại trừ một slide cho thấy anh sử dụng khá nhiều dịch vụ MXH khác của nước ngoài.
     
    Chi tiết về giới thiệu về Zing Me.
     
    Các slide kèm giao diện của Zing Me xuất hiện khá thưa thớt và trông không có vẻ sôi động cho lắm. Điều này dường như tương phản với khẳng định "Zing Me hiện là trang MXH được yêu thích nhất bởi người Việt trẻ". Đáng ra cái slide về Zing Me phải xuất hiện nhiều hơn chứ? Có lẽ tôi nên để lại giải đáp thắc mắc này cho đại diện VNG.

    Kinh nghiệm gì cho doanh nghiệp?

    Thoạt nghe, bạn có cảm giác buổi nói chuyện này không hơn gì một bài PR cho Zing Me. Nhưng nếu "chịu khó" nán lại đôi chút, vẫn có thứ để tham khảo như cái tên của buổi nói chuyện "Cơ hội nào cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ". Phần này được anh Đặng Quốc Cường, giám đốc điều hành Eleven Communications, trình bày.

    Phương pháp mà VNG đưa ra dựa trên nền tảng phương pháp SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thử thách). Với riêng tôi, SWOT là một phương pháp hay để hoạch định bất kỳ dự án nào.


    - Điểm mạnh. "Nhỏ mà nhanh", các doanh nghiệp nhỏ không có quy mô lớn như các công ty lớn nên dễ thích nghi với các thay đổi mới. Họ dễ dàng thay đổi với môi trường mới đầy biến động như Internet. Các doanh nghiệp lớn với quy mô cồng kênh, một sách lược mới thường mất nhiều thời gian để chuyển tải từ "trung ương - địa phương" và nhiều khi "tới nơi" thì "đã muộn". Một doanh nghiệp lớn có trụ sở ở châu Âu có khi không "hiểu" thị trường Việt Nam bằng một người Việt Nam. Nên đôi khi "nhỏ" cũng là "lợi thế".

    - Cơ hội. Môi trường MXH mở ra nhiều cơ hội marketing hơn so với các phương pháp truyền thông cũ (báo giấy, TV, banner, poster...). Các phương pháp cũ thường rất tốn kém và không đảm bảo rằng bất kỳ ai (khách hàng) cũng có "cơ hội" nhìn thấy chúng. Với MXH, doanh nghiệp gần như làm chủ mọi nội dung quảng cáo mà họ đăng tải lên trong khi khách hàng hoàn toàn có thể xem lại chúng bất kỳ lúc nào nếu muốn.

    Ngoài ra cùng với sự bùng nổ của điện toán di động. Người dùng hầu như có thể truy cập MXH bất kỳ lúc nào. Không như báo giấy hay TV có sự hạn chế về tính di động hoặc tốc độ cập nhật thông tin. Rõ ràng khả năng tiếp cận khách hàng cho doanh nghiệp đang nhiều hơn khi nào hết.

    Marketing đa cấp sơ khai. Thoạt nghe marketing đa cấp (MLM) bạn sẽ thấy khó chịu, vì sự biến tướng của nó tại Việt Nam. Song bản chất MLM khác xa những gì bạn đang thấy. Thực sự một thương hiệu / cửa hàng làm ăn có uy tín sẽ gây được niềm tin cho khách hàng và đấy thường là "lời khuyên" mà các khách hàng chia sẻ cho nhau. "Quán ấy ăn được không ? Đừng, cái quán đối diện ngon mà rẻ hơn nhiều". Đấy chính là MLM.
     
    Các kinh nghiệm cho doanh nghiệp nhỏ. 

    - Điểm yếu. Chẳng có gì hoàn hảo tuyệt đối. Doanh nghiệp nhỏ tuy dễ biến đổi hơn doanh nghiệp lớn, nhưng doanh nghiệp nhỏ mỏng manh hơn. Với số vốn ít nếu đầu tư không đúng chỗ rất dễ dẫn tới phá sản. Ngoài ra nhân sự ít, không có nhiều người chuyên môn cụ thể về marketing thường sẽ không có chiến lược tốt. Ngay cả có nhân sự tốt, sự thiếu hụt về công cụ marketing cũng hạn chế rất nhiều khả năng triển khai các dự án. Đây là những yếu kém hiển nhiên mà doanh nghiệp nhỏ thường mắc.

    - Thử thách. Làm sao để "vượt lên khỏi đám đông"? Làm sao "David chống lại Goliath"? Sản phẩm của bạn có thể tốt, chiến lược có thể hay, nhưng đôi khi vì "thiếu may mắn", "thiếu tiềm lực", "một tay không che được hết bầu trời", bạn khó lòng vượt qua những cái tên lớn được nhiều người biết đến. Và nhất là khi mọi doanh nghiệp nhỏ cùng suy nghĩ & vận động giống nhau, điều gì khiến bạn nổi bật hơn người khác? Đây là nơi mà doanh nghiệp nhỏ không chỉ đối đầu với những "con cá lớn" mà còn với các đối thủ "ngang cơ" với mình.


    Tổng kết lại, buổi nói chuyện của VNG ít nhiều cũng cung cấp cho các doanh nghiệp một số kinh nghiệm có giá trị trong môi trường kinh doanh mới. Dù sao, với quy luật "trâu chậm uống nước đục", "kẻ mạnh sẽ thắng" (nếu có chiến lược đúng) và quan trọng nhất "chữ tín là trên hết", sự thành bại của doanh nghiệp nhỏ trong MXH về căn bản không khác lắm so với các môi trường cũ. Vấn đề vẫn ở chỗ ai thực sự nghiêm túc làm ăn và ai "ăn xổi ở thì"...
    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày

    NỔI BẬT TRANG CHỦ