Nếu duy trì mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu ở mức 7%/năm trong 20 năm, người Việt có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người 7.000 USD/năm. Con số này nếu quy ra sức mua tương đương, sẽ ngang bằng với Hàn Quốc năm 2000.
Ngược lại, không đạt mục tiêu trên, Việt Nam sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Hiểu đơn giản là "mãi không tăng trưởng nổi".
Theo báo cáo của các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) và chuyên gia Việt Nam, nếu Việt Nam thực hiện cải cách thành công và duy trì liên tục đà tăng trưởng, thu nhập bình quân năm 2035 có thể đạt hơn 7.000 USD (tương đương 18.000 USD nếu tính theo sức mua tương đương của năm 2011).
WB đánh giá, mục tiêu này là khả thi do thu nhập bình quân năm 2014 của Việt Nam đã ở mức 5.370 USD nếu tính theo sức mua tương đương 2011. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân từ năm 1990 đến nay đạt trung bình 6,9%.
Nếu duy trì tăng trưởng bình quân đầu người ở mức 7%/năm tới năm 2035, quỹ đạo tăng trưởng của Việt Nam sẽ giống với Trung Quốc, đưa nước ta lên mức thu nhập trung bình cao.
Tuy nhiên, đề tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, WB nhấn mạnh 6 cải cách chuyển đổi mà nền kinh tế cần phải làm ngay.
Đó là: Xây dựng thể chế hiện đại, Thúc đẩy hòa nhập xã hội, Tăng trưởng bền vững và có khả năng chống chịu với khí hậu, Hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân năng động, Phát triển năng lực đổi mới sáng tạo, Quản lý quá trình đô thị hóa hiệu quả.
Thật ra, 20 năm nữa bằng Hàn Quốc năm 2000 là kịch bản "tốt đẹp nhất". Còn để nó thành hiện thực thì Việt Nam chắc chắn sẽ phải trải qua quá trình cải cách không hề đơn giản.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Việt Nam không thực hiện được những cải cách này?
“Chúng ta sẽ không thể khai thác được cơ hội, cũng không thể vượt qua thách thức. Việt Nam sẽ rơi vào nguy cơ tụt hậu xa hơn, và khó tránh khỏi tình trạng rơi vào bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh thẳng thắn nhìn nhận.
Nếu không có những thay đổi đủ tốt, dự báo thu nhập bình quân đầu người năm 2035 chỉ tối đa ở mức 4.500 USD.
“Việt Nam hiện đang ở một ngã ba đường mang tính quyết định”, báo cáo cho biết.
Yếu tố mang tính quyết định hướng đi của Việt Nam là năng suất lao động lại đang ngày càng giảm kể từ năm 1990. “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì nó gần như là tất cả” – Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Paul Krugman tổng kết.
“Và chính ở đây, bức tranh Việt Nam trở nên kém sắc hồng”, các chuyên gia thực hiện báo cáo nhận định.
Báo cáo Việt Nam 2035 là một báo cáo mới nhằm gợi ý các bước đưa Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình cao trong vòng 2 thập kỉ tới.
Báo cáo tập trung vào 3 trụ cột: Nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh khu vực kinh tế tư nhân, Thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, và Nâng cao hiệu quả khu vực công.
Có lẽ rất ít ai biết rằng, vào đầu thế kỷ thứ 19, vào năm 1820, Việt Nam đã có vị thế rất đáng nể trong khu vực về dân số cũng như về quy mô kinh tế. Khi ấy, nền kinh tế Việt Nam lớn hơn cả Philippines và Myanmar cộng lại; gấp hơn 1,5 lần Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam khi đó xấp xỉ mức trung bình của thế giới.
Hiện nay, tính theo số liệu 2014, GDP bình quân đầu người Việt Nam chỉ ở mức 2.052 USD/người/năm, chưa bằng được 1/5 mức thu nhập trung bình của thế giới (12.000 USD/người/năm), và chỉ bằng hơn 1/3 GDP bình quân đầu người của Thái Lan.
Đây là thời điểm mà yêu cầu đổi mới và phát triển đất nước đối với Việt Nam càng cấp bách hơn bao giờ hết".
Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Tại sao nhân loại lại cần đến máy tính lượng tử, chúng được dùng để làm gì?
Điện toán lượng tử hiện tại vẫn còn cách xa khả năng ứng dụng rộng rãi, nhưng tiềm năng mà nó mang lại là không thể phủ nhận.
Huawei xác nhận ra mắt Mate 70: Dòng smartphone đầu tiên "đoạt tuyệt" hoàn toàn với Android