Tin vui cho Startup Việt Nam: Hàng loạt ưu đãi thuế đang được Bộ Tài chính "thỉnh cầu" lên Chính phủ
Nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình Chính phủ hàng loạt ưu đãi dành cho khu vực này như miễn, giảm thuế...
Bộ Tài chính đang dự thảo tờ trình Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ về một số giải pháp thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất phương án giảm thuế thu nhập DN cho các doanh nghiệp khởi nghiệp mới thành lập có dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ưu đãi hoặc tại các khu vực kém phát triển, nông thôn, vùng sâu, vùng xa: áp thuế 10% trong 15 năm; miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với dự án mới.
Đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp không thực hiện tại các địa bàn ưu đãi thuế, không đáp ứng các lĩnh vực khuyến khích đầu tư hiện hành, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế suất phổ thông áp dụng với đối tượng này dự kiến ở 17% hoặc 15%, thuế suất phổ thông hiện đang áp dụng là 20%.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Đáng lưu ý, theo Bộ Tài chính, tiêu chí xác định doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ là doanh nghiệp thành lập mới hoạt động dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới để tạo ra hàng hoá, dịch vụ có tính sáng tạo và ứng dụng thực tế trong các lĩnh vực của đời sống. Tổng doanh thu không vượt quá 20 tỷ đồng/năm.
Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, Bộ này cũng dự kiến trình 2 phương án gồm: Phương án 1, áp dụng thuế suất phổ thông 17% từ 1.1.2016 đến hết năm 2020 cho DN vừa và nhỏ. Phương án 2, áp dụng thuế phổ thông 15% từ 1.1.2016 đến 2020.
Tờ trình lý giải, hai phương án này dự kiến sẽ làm giảm thu ngân sách năm 2016 - 2020 nhưng sẽ được bù đắp tăng thu từ các loại thuế gián thu và thuế thu nhập cá nhân vì số tiền thuế được giảm sẽ được sử dụng vào tiêu dùng và đầu tư.
Đồng thời, việc giảm thuế sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do doanh nghiệp có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Tài chính, Chính phủ nhiều nước đã thông qua các chính sách và chương trình hỗ trợ trên các phương diện khác nhau, trong đó tập trung vào các chính sách như: tín dụng ưu đãi, bảo lãnh tín dụng, miễn giảm thuế, hỗ trợ đổi mới khoa học…
“Ở nước ta, hiện số DNNVV chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động và đang giữ một vị trí không thể thay thế trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Vì vậy, chính sách thuế cũng là một trong những công cụ hỗ trợ cần tính tới.
Hiện tại Hàn Quốc mức thuế suất dao động 10 - 20% tuỳ theo thu nhập; ở Pháp doanh nghiệp có doanh thu trước thuế dưới 7,63 triệu Euro thì áp dụng mức thuế suất 15% hoặc tại Trung Quốc dựa trên tiêu chí công nghệ, áp thuế suất 20% với doanh nghiệp công nghệ cao”, Bộ Tài chính cho biết.
Liên quan đến việc xử lý nợ thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, Bộ Tài chính đề xuất xóa nợ nhưng phải đảm bảo bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử; xóa tiền chậm nộp đối với trường hợp do nguyên nhân bất khả kháng không có tiền để nộp thuế.
Đồng thời, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các DN đã giải thể, phá sản, cá nhân kinh doanh đã chết, mất tích.
Theo Trí thức trẻ/Cafebiz
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI