Tính năng hay nhất của Photos trên iOS 10 có thể khiến Apple vi phạm luật như Facebook, Google

    NPQM,  

    Trước đây không lâu, Facebook cũng từng bị chình một nhóm người dùng của mình kiện vì phạm phải luật bảo mật thông tin cá nhân. Liệu Apple nay lại đi vào vết xe đổ đáng buồn đó, hay thực hư mọi chuyện cụ thể ra sao?

    Vừa qua, tại Hội nghị dành cho các nhà phát triển Toàn cầu (WWDC), Apple đã chính thức công bố một hệ thống nhận diện khuôn mặt mới được ra mắt. Đây là một trong những nâng cấp, cải tiến đi kèm với ứng dụng Photos, có chức năng phân loại các bức ảnh dựa vào khuôn mặt của người được chụp.

    “Điểm đáng chú ý nhất liên quan đến ứng dụng Photos lần này là công nghệ đột phá Advanced Computer Vision,” Federighi - phó Chủ tịch phụ trách mảng Phát triển ứng dụng của Apple phát biểu trước đám đông. “Chúng tôi đang áp dụng những kỹ thuật tiên tiến chưa từng có để mang đến một nền tảng tiếp thu dữ liệu khuôn mặt tốt nhất cho iPhone.”

    Giới thiệu về tính năng của Apple Photos trong WWDC

    Nói cách khác, Apple có lẽ đang chơi trò “đuổi bắt” trong lĩnh vực công nghệ. Bằng chứng là ứng dụng Photos mới không khác gì một phiên bản thu nhỏ hơn chút của Google Photos mới ra mắt tháng 5 vừa qua, cũng có nhiều cách thức hoạt động và điểm tương đồng so với công nghệ tự động đánh dấu (tag) và phân loại ảnh đầy tiềm năng của Facebook. Quả thật, với sức hấp dẫn không thể bỏ qua như vậy, không khó hiểu khi nó đã sớm xuất hiện trên một thiết bị có tầm ảnh hưởng lớn như iPhone.

    Tuy nhiên, điều này cũng đang làm dấy lên nhiều vấn đề gây tranh cãi, khi cả Facebook và Google đều đang phải đối mặt với những cáo buộc vi phạm điều khoản sử dụng liên quan đến hệ thống nhận diện khuôn mặt của họ, như vụ kiện gần đây nói rằng Facebook phạm vào Đạo luật Illinois về Quyền riêng tư và Thông tin sinh trắc học.

    Cụ thể, việc nhận diện một khuôn mặt bao gồm quá trình xây dựng dữ liệu mẫu mặt để đối chiếu và so sánh, tương tự như lấy dấu vân tay để phục vụ công tác sau này. Theo như bên nguyên đơn, động thái trên của Facebook cũng được tính là trái phép thu thập thông tin sinh trắc học, cần sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền chứ không đơn giản như những gì công ty nghĩ và làm.

    (Ảnh minh họa)
    (Ảnh minh họa)

    Về phần Apple, hệ thống của họ tôn trọng sự riêng tư của người dùng hơn so với hai “đối thủ” trên, với những giới hạn nhất định được đặt ra trong việc thu thập và lưu trữ dữ liệu. Phát biểu trong sự kiện, Federighi khẳng định rằng công nghệ của Apple chỉ sử dụng và khai thác thông tin từ những nguồn cục bộ chứ không can thiệp và tải dữ liệu lên server của công ty.

    Đây là một điểm nhấn thực sự quan trọng đối với những ai đang lo ngại về khả năng bị xâm hại quyền riêng tư cá nhân. Việc lưu trữ và nhận diễn hình mẫu khuôn mặt của bạn vẫn được tiến hành như bình thường, nhưng quá trình đó chỉ diễn ra độc lập trên chiếc điện thoại cá nhân mà không hề có sự kết nối nào khác từ bên ngoài, thậm chí chính nhà sản xuất. Đây là điểm mấu chốt tạo nên sự khác biệt giữa Apple và Facebook cũng như Google.

    Dù vậy, những quan điểm trên có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục nếu xét về mọi khía cạnh của Đạo luật Illinois trên. Nguyên văn bộ luật đề cập đến hành động “cố gắng thu thập, lưu trữ… và những động thái liên quan đối với dữ liệu sinh trắc học”. Kể cả những thông tin mẫu khuôn mặt của bạn không bị rò rỉ và truy cập bởi những nguồn bên ngoài, nhưng không ai dám chắc rằng ứng dụng Photos cũng hoàn toàn “vô can” trong trường hợp này.

    Nếu xảy ra viễn cảnh tồi tệ nhất liên quan đến cáo buộc của Tòa án hướng tới hành vi của Apple Photos, thì câu hỏi lớn được đặt ra khi đó sẽ là liệu ứng dụng của họ đã chính thức được chấp thuận thông qua những điều khoản ban đầu hay chưa. Rất khó để có thể kết luận bất cứ điều gì một khi iOS 10 vẫn còn đang trong quá trình phát huy và cải thiện hiệu suất như hiện nay, nhưng những bằng chứng ban đầu cho thấy Photos thật sự khó có thể “đứng ngoài cuộc chơi” mà không bị ảnh hưởng bởi một cáo buộc nào. Với những “rùm beng” gần đây của Facebook và Google, có lẽ Apple tốt nhất nên chuẩn bị tinh thần trước đi thì hơn.

    Bên cạnh đó, những nguy cơ nổi lên về vấn đề vi phạm riêng tư cũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, chứ không đơn thuần chỉ đến mức độ kiện cáo như những ông lớn công nghệ trên phải hứng chịu. Hệ thống nhận diện khuôn mặt có thể là con dao hai lưỡi, bị lợi dụng cho những mục đích vượt quá tầm kiểm soát, như trường hợp một ứng dụng phổ biến của Nga có khả năng cung cấp tên và số điện thoại khi “đọc” một người bất kỳ đi ngang qua (dựa vào cơ sở dữ liệu tự do từ những nền tảng như trên).

    Tuy nhiên, không thể không kể đến những lợi ích tích cực thu được từ công nghệ này, như cách thức và giao diện crop ảnh mới thông minh hơn trước; bảo mật thông tin hoặc ngay cả an ninh cho nơi ở của bạn vì chỉ chủ nhân với dữ liệu khuôn mặt tương thích mới có quyền truy cập.

    Nhìn chung, vụ việc trên có vẻ như sẽ không gây nên ảnh hưởng lâu dài tới Apple Photos. Như Facebook và Google, dù còn đang bận giải quyết tranh chấp cáo buộc của họ, nhưng vẫn đang nắm giữ những vị trí dẫn đầu trong giới công nghệ. Kể cả trong trường hợp xấu nhất là thua kiện, họ chỉ phải chi trả một phần phí phạt, cùng sự ra đời của một điều luật nữa trong Điều khoản Sử dụng Dịch vụ của hãng.

    Dù vậy, hệ quả về sau có thể trở nên rất khó lường chứ không đơn giản chỉ là vài sửa đổi liên quan tới một bộ luật hay sản phẩm nào đó. Trong một thế giới tràn ngập bởi các thiết bị camera và nền tảng dữ liệu đám mây, việc tích hợp những bức ảnh với hệ thống dữ liệu khuôn mặt quả thực có một tầm ảnh hưởng rất lớn trên nhiều khía cạnh cả tốt lẫn xấu.

    Không thể phủ nhận những mặt tốt mà nó mang lại, nhưng tốt hơn hết, hãy giữ mọi việc luôn ở trong tầm kiểm soát, khởi đầu bằng cách bổ sung tính năng cho người dùng biết đến những cách thức và thời điểm khi nào thông tin cá nhân của mình được thu thập và lưu trữ, thay vì chỉ biết đến bản thân và mặc cho mọi thứ xuôi theo dòng phát triển sẵn có của nó.

    Tham khảo: TheVerge

    Tin cùng chuyên mục
    Xem theo ngày