Tính năng sắp ra mắt của Microsoft sẽ giúp mở nhiều tab ngay trên các ứng dụng Windows, không khác gì một trình duyệt web thông thường
Nhờ đó, người dùng có thể sắp xếp, quản lý các ứng dụng dễ dàng và thực hiện những tác vụ, dự án hiệu quả hơn rất nhiều.
Microsoft sẽ sớm tiến hành thử nghiệm một tính năng độc đáo trên Windows 10 có tên “Sets” và nếu thành công, họ có thể thay đổi hoàn toàn cách sử dụng máy tính hiện tại của chúng ta. Tính năng này tuy mới mà không mới, bởi thực chất nó chính là những thanh trang (tab) đã quá quen thuộc và được sử dụng rộng rãi trong một thời gian rất dài.
"Sets" sẽ giúp giao diện các ứng dụng Windows trở thành một trình duyệt web thông thường.
Với “Sets” (tên gọi chưa chính thức), Microsoft nuôi tham vọng có thể áp dụng môi trường hoạt động nhiều tab giống như trên các trình duyệt web hiện nay cho toàn bộ các ứng dụng Windows chứ không chỉ giới hạn ở Chrome hay Edge nữa.
Bên cạnh đó, ngoài tính năng mở nhiều tab cho cùng một ứng dụng (ví dụ như mở hai tab văn bản), “Sets” còn giúp kết hợp các ứng dụng khác nhau vào cùng một cửa sổ chung như đoạn video minh họa dưới đây.
Về cơ bản, “Sets” sẽ tập hợp các ứng dụng liên quan đến nhau nhằm thực hiện các tác vụ, dự án hay ý tưởng nhất định. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng lộn xộn vì phải mở quá nhiều cửa sổ riêng biệt như hiện nay, đồng thời cũng tiết kiệm thời gian cho người dùng.
Ví dụ, nếu bạn đang tiến hành nghiên cứu một tác phẩm văn học nào đó, bạn có thể dễ dàng kết hợp các phần mềm như PDF reader, PowerPoint và ghi chú toàn bộ những gì cần thiết mà chỉ cần mở một cửa sổ duy nhất.
Mặc dù hiện tại người dùng cũng đã có thể sắp xếp các ứng dụng theo từng tác vụ cụ thể bằng cách sử dụng desktop ảo, nhưng phương pháp này vẫn tồn tại những mặt hạn chế. Ví dụ, bạn có thể đặt tên riêng biệt cho những desktop khác nhau dành cho các dự án khác nhau nhưng lại không thể quan sát hay di chuyển chúng cùng một lúc được.
Và “Sets” đã có thể khắc phục điều này bằng cách cung cấp cho người dùng một lớp điều khiển riêng nhằm sắp xếp mọi ứng dụng gọn gàng nhất có thể. Bên cạnh đó, việc sử dụng tab đã trở nên quen thuộc và mang tính trực quan hơn đối với người dùng thông thường.
"Sets" giúp người dùng dễ dàng kết hợp các ứng dụng liên quan đến dự án mà họ đang thực hiện.
Sau tất cả, tab đã trở thành tính năng không thể thiếu mỗi khi chúng ta lướt web hay sử dụng hàng tá ứng dụng web khác nhau. Đây cũng chính là cơ chế hoạt động cơ bản của Chrome OS và Microsoft chỉ giúp mở rộng phạm vi của nó ra toàn bộ ứng dụng Windows mà thôi.
Thực chất, ý tưởng này đã manh nha từ khái niệm “Timeline” mà Microsoft giới thiệu trong hội nghị Build hồi tháng 5 vừa qua. Cụ thể, tính năng đó sẽ cho phép người dùng “quay ngược thời gian” để xem mình đã sử dụng những ứng dụng nào tại một thời điểm cụ thể. Điều này cho phép họ dễ dàng khôi phục lại những thiết lập hoặc dự án cũ. Hiểu đơn giản thì “Sets” chỉ là một cách khác để nhóm họp và sắp xếp lại các ứng dụng của người dùng.
Ý tưởng về "Sets" đã nảy sinh từ khái niệm "Timeline" của Microsoft.
Trước mắt, chỉ những ứng dụng UWP (những ứng dụng chạy trên nền tảng Universal Windows) mới được tích hợp tính năng này. Sau đó, Microsoft có thể sẽ mở rộng thêm cho cả những ứng dụng khác như Office hay các ứng dụng Win32.
Điều này đồng nghĩa với việc sẽ phải một thời gian dài nữa, “Sets” mới có thể chính thức đến tay người dùng. Thậm chí ngay cả những người dùng thử nghiệm nội bộ được Microsoft lựa chọn ngẫu nhiên cũng không được cung cấp quyền truy cập hoàn chỉnh vào tính năng này.
Theo TheNextweb
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Samsung và cuộc cách mạng AI: Hệ sinh thái toàn diện từ TV đến điện thoại di động đã thay đổi đời sống của người tiêu dùng như thế nào?
Với chiến lược toàn diện, Samsung đã sẵn sàng cho một cuộc cách mạng công nghệ tiếp theo, nơi AI đóng vai trò trung tâm. “Ông lớn" Hàn Quốc chứng minh trí tuệ nhân tạo không chỉ là một tính năng trong các thiết bị, mà còn là cốt lõi trong chiến lược đổi mới của họ.
Nhà sáng lập TSMC nhận định về Intel: Sẽ tốt hơn nếu không cố chen chân vào mảng sản xuất chip, đáng lẽ nên tập trung vào AI