"Tôi đã thử không dùng smartphone trong vòng 12 tháng": Không ngờ đó lại là quyết định rất sai lầm
Sau khi chiếc iPhone bị hỏng, người đàn ông quyết định ngừng dùng smartphone trong vòng 12 tháng. Cuối cùng anh nhận ra đó là quyết định tồi tệ.
Tác giả William Haigen của Business Insider đã chia sẻ câu chuyện về việc từ bỏ dùng điện thoại thông minh trong một năm và những vấn đề gặp phải. Anh nhận ra không có điện thoại trong tay gây bất tiện quá mức. Dưới đây là chia sẻ của Haigen.
Tuyệt vời lúc đầu
Khi chiếc iPhone bị hỏng đột ngột cách đây 12 tháng, phản ứng của bản thân khi ấy khiến tôi nhớ lại cũng cảm thấy ngạc nhiên.
Tôi trở thành kẻ nằm ngoài dòng chảy của mạng xã hội, gần như không thể liên lạc được với ai, nhưng thay vì cảm thấy lo lắng vì bỏ lỡ điều gì đó (FOMO), có một sự nhẹ nhõm hoàn toàn tràn ngập trong huyết quản.
Giống như thống kê của PC Mag, tôi cũng giống như 67% số người thuộc thế hệ trẻ đã cố gắng và thất bại trong việc hạn chế sử dụng điện thoại.
Tôi đã tải xuống tất cả các ứng dụng hiệu suất cá nhân, thử đặt ra các quy tắc và hệ thống cũng như đọc sách về cách từ bỏ những thói quen xấu, nhưng vô ích. Dù tôi có làm gì đi nữa, trung bình tôi vẫn dùng ba giờ đồng hồ và cầm máy lên cả chục lần mỗi ngày.
Nghĩ về sự kiện ra mắt iPhone nổi tiếng của Steve Jobs, tầm nhìn nhiệt huyết của ông dường như hoàn toàn trái ngược với sự phẫn nộ của tôi đối với thứ thiết bị kỳ dị trong túi mà tôi không thể đặt xuống.
Vì vậy khi máy hỏng, thay vì vội vàng đi sửa, tôi quyết định sẽ tận dụng cảm giác này. Tôi cất chiếc điện thoại hỏng vào ngăn kéo và mua một chiếc Nokia giá 30 USD.
Trong vòng vài tuần sống không có điện thoại thông minh, những tác động bắt đầu lộ rõ. Màn sương kích thích quá mức bắt đầu tan đi và tôi bắt đầu thích thú với những điều nhỏ nhặt.
Tôi nhận ra mình có thể đi cả những chặng đường dài chỉ với dòng suy nghĩ đồng hành. Tôi không cần phải thường xuyên cập nhật trên mạng xã hội và hội chứng sợ bị bỏ lỡ hóa ra không quá nghiêm trọng đến thế.
Điều nhận thấy rõ ràng nhất là việc buồn chán khi không có điện thoại trong tay giờ đây là điều bình thường, thậm chí còn tốt.
Trên thực tế, nghiên cứu đã chỉ ra rằng sự nhàm chán là một thành phần cần thiết để não hoạt động khỏe mạnh và sáng tạo. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy, khi so sánh hai nhóm người tham gia theo thước đo tiêu chuẩn về khả năng sáng tạo, những người được yêu cầu sao chép các số từ danh bạ điện thoại sau 15 phút đã vượt trội đáng kể so với nhóm bắt đầu bài kiểm tra ngay lập tức.
Thật vậy, nhiều nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ giữa việc sử dụng điện thoại thông minh và sự suy giảm khả năng sáng tạo.
Tôi cảm thấy tập trung hơn, năng suất hơn, sáng tạo hơn và khỏe mạnh hơn. Tôi có thời gian đọc nhiều hơn để giải trí. Khi đọc, tôi không muốn kiểm tra email hoặc tin nhắn - tôi có thể đắm chìm trong sách theo cách mà tôi chưa từng làm kể từ khi còn là một thiếu niên, rất lâu trước khi điện thoại thông minh xuất hiện.
Nếu những điều này nghe có vẻ khó tin thì đúng là như vậy. Còn dưới đây là lý do tại sao tôi sẽ quay trở lại với điện thoại.
Cuộc sống không smartphone thật khó khăn
Mặc dù sức khỏe tinh thần và năng suất đã được cải thiện nhưng thực tế mà nói, việc sống trong một thế giới mà mọi người đều có điện thoại thông minh mà mình thì không quả là một cơn ác mộng.
Trước hết, việc đi đường rất khó khăn. Tôi đã không đếm xuể những lần tôi đến muộn hoặc bỏ lỡ một cuộc hẹn vì không hiểu được tấm bản đồ mà mình vẽ ra trước khi rời khỏi nhà.
Và mặc dù FOMO có thể là một nỗi sợ phi lý, nhưng đôi khi, việc bỏ lỡ thực sự rất tệ. Tôi hoàn toàn không biết bạn bè và gia đình mình đang làm gì. WhatsApp chỉ hoạt động nếu bạn có điện thoại thông minh, vì vậy bạn bè và gia đình mà không sử dụng Facebook Messenger là gần như không thể liên lạc được.
Ngoài ra còn có rất nhiều, rất nhiều bất tiện nhỏ tích tụ theo thời gian. Tôi không thể nghe nhạc của chính mình tại phòng tập thể dục, không thể giao dịch ngân hàng trực tuyến hay cho bạn bè biết rằng tôi sẽ đến trễ do kẹt xe.
Nếu tôi muốn nghe podcast trong lúc dọn dẹp căn hộ, tôi phải đặt máy tính xách tay vào đúng vị trí để đôi tai mình nằm trong phạm vi âm thanh.
May mắn thay, có một điều tôi học được trong một năm nghỉ sử dụng điện thoại thông minh: Tôi có thể sống mà không cần bật điện thoại mọi lúc.
Tôi đã trở nên khá quen với việc không bật điện thoại hoặc mang theo bên mình mọi lúc mọi nơi. Công việc của tôi không yêu cầu phải trả lời tin nhắn ngay lập tức và tôi không có con, vì vậy việc luôn mang theo điện thoại là không cần thiết.
Khi nào nhận lại chiếc iPhone đã sửa xong, tôi sẽ tắt nó thường xuyên hoặc ít nhất là đặt ở chế độ máy bay. Kết nối với xã hội có những ưu điểm, nhưng việc luôn luôn kết nối sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta, và ít nhất đối với tôi, không cần thiết phải đánh đổi điều màu.
Tôi mong muốn được sử dụng điện thoại theo đúng mục đích mà nó được thiết kế, một công cụ giúp ích, thay vì là nguồn gây lo lắng và kích thích quá mức.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Sự thật từ nghiên cứu khoa học: Chơi trò chơi điện tử có ảnh hưởng bất ngờ đến chỉ số IQ của trẻ em!
Trò chơi điện tử từ lâu đã là chủ đề gây tranh cãi khi nhắc đến ảnh hưởng của chúng đối với trẻ em. Trong khi nhiều ý kiến chỉ trích việc chơi game có thể gây hại cho sự phát triển trí não, thì một nghiên cứu khoa học đã mang đến cái nhìn khác biệt, cho thấy mối liên hệ tích cực giữa việc chơi game và sự gia tăng trí thông minh ở trẻ nhỏ.
Trải nghiệm game trên Mac mini M4 Pro: Cậu bé tí hon bước ra biển lớn gaming