"Tôi là một cyborg": Câu chuyện về chàng trai đánh mất cả hai bàn tay và cách anh biến cuộc đời mình trở nên cực kỳ có ý nghĩa
Sau một tai nạn vào năm 2014, Konstantin Deblikov đã mất cả hai bàn tay. Kể từ đó, cuộc đời anh thay đổi hoàn toàn.
* Cyborg: Khái niệm chỉ người cơ khí - nửa người nửa máy
Tôi là Konstantin Deblikov, và tôi là một cyborg!
Thực ra thì đó là cách tôi tự gọi mình thôi. Nhưng cũng hợp lý, bởi tôi có 2 bàn tay nhân tạo, được làm từ vật liệu sinh học. Dẫu vậy, tôi cũng chẳng coi mình là một người tàn tật. Cuộc đời tôi đã đảo lộn kể từ khi mất cả hai bàn tay, nhưng tôi đã tìm cách biến nó trở nên thật sự có ý nghĩa.
Hy vọng rằng, câu chuyện của tôi sẽ trở thành nguồn cảm hứng cho những người có số phận không may mắn. Mong sao bạn sẽ không mất đi động lực sống của mình, bởi vì chúng ta có thể làm rất nhiều điều.
Năm 2014 nghiệt ngã
Năm ấy tôi 22 tuổi, đang theo học phóng viên và phải thực hiện một buổi trình diễn có khói lửa. Trên tay tôi là quả pháo hoa, và nó phát nổ.
Thực sự là tôi may mắn vì chỉ mất tay, bởi mọi chuyện lẽ ra đã tệ hơn rất nhiều. Khi thức dậy trong bệnh viện vào sáng hôm sau, tôi thậm chí đã rất shock khi thấy mình còn sống. Bạn bè giúp tôi gây quỹ trên internet để lắp chân tay giả, trong khi bản thân tôi thì chẳng chút nghi ngờ rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi.
Dĩ nhiên, một tai nạn kinh khủng như vậy thực sự không dễ để vượt qua, nhưng gia đình và bạn bè đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tất cả mọi người đều sẵn lòng hỗ trợ, nhưng quan trọng nhất vẫn phải là thái độ lạc quan của chính mình.
Nếu bạn không may gặp phải một sự việc như vậy, lời khuyên là hãy ở bên những người yêu thương, cố gắng làm những gì mình thích, và tìm cách vượt qua. Đừng xem đó là trở ngại, mà là thử thách để vươn lên chính mình.
Dẫu vậy, đó vẫn là một sự kiện làm thay đổi cả cuộc đời. Dù có lạc quan đến đâu, tôi vẫn gặp nhiều khó khăn để chấp nhận rằng mình không còn tay nữa. Ngày trước tôi thường chơi guitar, còn giờ thì quên nó đi. Thay vào đó, tôi chuyển sang chơi trống và nhạc điện tử, vẫn tham gia một ban nhạc. Vẫn ổn, đúng không?
Hơn nữa, tôi thấy một số người đủ quyết tâm để tập chơi guitar bằng chân, và họ làm rất hay. Rõ ràng, mọi thứ nằm ở nghị lực thôi.
Tôi có thể làm bất kỳ điều gì
Khi không còn tay nữa, bạn phải học cách làm quen với nó - chính xác hơn là học lại từ đầu tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Mọi thói quen thường ngày giờ cần nhiều thời gian và công đoạn hơn cho đến khi tôi thực sự quen. Chẳng hạn như chiếc áo khoác mới mua có khóa kéo, tôi cũng phải rất nỗ lực để tìm cách mặc nó. Mọi lĩnh vực khác cũng tương tự như vậy.
Nhưng về cơ bản, tôi có thể làm mọi thứ, chỉ cần tìm ra cách. Nó sẽ khác so với người bình thường, nhưng khi quen rồi thì mọi thứ trở nên đơn giản hơn.
À, có một điều tôi nhận ra sau vụ tai nạn là mình cực kỳ ghét tiền xu. Bởi với công nghệ hiện tại, dù tay giả có xịn đến cỡ nào thì cũng rất khó để nhặt được một đồng xu rơi xuống đất. Ngoài ra thì còn mấy tấm thẻ ngân hàng nữa: xu có thể tặc lưỡi cho qua, nhưng thẻ thì buộc phải nhặt. Nên nếu làm rơi, tôi sẽ phải nằm hẳn xuống sàn, mất vài chục giây mới nhặt được nó (và câu chuyện diễn ra ngay giữa trung tâm thương mại, với bao con mắt nhìn vào).
Mỗi lần như thế, đầu óc tôi lại tự động nhớ lại rằng mình khác với mọi người như thế nào. Và nó chẳng dễ chịu cho lắm.
Người tàn tật cũng vẫn là người
Có một thực tế là không nhiều người biết cách xử sự ra sao đối với người tàn tật. Bởi lẽ, người tàn tật thường ở nhà, hiếm khi ra ngoài và cũng hiếm khi thực sự tiếp xúc với người khác.
Vậy nên mới có cảnh mỗi khi lên xe bus, tôi có cảm giác mình đang lên sân khấu vậy. Mọi người cứ nhìn, hỏi han những câu vô nghĩa, một số còn đòi chụp ảnh cùng. Tôi nghĩ chẳng ai thích kiểu chú ý như vậy đâu, nên làm ơn hãy cố gắng đối xử với chúng tôi một cách bình thường nhất, giống như những gì bạn mong người khác cư xử với mình vậy.
Hãy thể hiện sự tôn trọng, thân thiện, và đừng đi quá giới hạn.
Đôi lúc tôi cảm giác như mình có 2 cuộc đời. Một nửa là chú cyborg cool ngầu, không ngại đám đông. Nửa kia là một người bình thường, mặc một chiếc áo dài tay giữa mùa hè vì chẳng muốn gây sự chú ý khi ra ngoài.
Khiến cuộc đời trở nên có ý nghĩa hơn
Không thể nói rằng liệu tôi có muốn thay đổi bất kỳ điều gì không nếu có thể, vì cái giá phải trả là quá cao. Nhưng "nhờ" vụ tai nạn này, tôi có cơ hội được gặp nhiều người thú vị và thử nhiều lĩnh vực hơn, như diễn viên, người mẫu, và làm diễn giả.
Hiện tại, tôi đang làm blog trên Instagram, thường xuyên đăng hình và đùa cợt về chính đôi bàn tay của mình. Ngoài ra, tôi còn tham gia các chương trình TV show, làm các dự án thương mại và xã hội. Đột nhiên, có những cánh cửa tôi chưa từng nghĩ tới bỗng mở ra trước mắt. Vậy là tôi cố gắng tận dụng mọi cơ hội có được, thử những thứ mới, và chấp nhận các thử thách thú vị.
"Cuối cùng cũng được chụp X-quang, và vẫn không có tay" - trích một câu đùa của Deblikov trên Instagram cá nhân
Công việc của tôi hiện tại liên quan đến các hoạt động xã hội. Tôi giúp đỡ những người tàn tật được lắp chân tay giả - với ngân quỹ từ chính phủ. Tại Nga, bất kỳ ai không may mất tay chân đều có quyền được lắp chi giả và hoàn toàn miễn phí, nhưng quy trình thì khá lằng nhằng. Nhưng vẫn cần làm để có được chi giả chất lượng cao, và có cơ hội tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Trên đời, chẳng ai nghĩ rằng có ngày mình mất tay hoặc chân, nên khi rơi vào cảnh này họ cũng không biết nên làm gì, không biết làm gì cho đúng. Tôi biết vậy, nên đứng ra giúp đỡ họ. Hơn nữa ở Nga, cũng không ai dạy cho chúng ta cách dùng tay chân giả như thế nào. Bạn phải tự tìm cách sử dụng, và dần dần nhận ra có rất nhiều thứ mình có thể làm.
Tôi hiện đang vận hành một cộng đồng trên mạng xã hội và internet, trong đó cung cấp các thông tin quan trọng cho những người có cùng cảnh ngộ. Tôi dự định sẽ tạo ra một tổ chức phi lợi nhuận, tập trung tất cả mọi người. Hy vọng rằng tổ chức sẽ được trợ cấp, đủ để giúp đỡ bất kỳ ai đang cảm thấy khó khăn vì tình huống đảo lộn cuộc đời như vậy.
Nguồn: BS, VT.co
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"