Tôi mua iPhone 7 "chính hãng FPT" và nhận được hàng ZP/A: Định nghĩa "chính hãng" đang ngày một mờ mịt?
Tôi chính thức mất niềm tin vào cụm từ "hàng chính hãng" kể từ ngày hôm nay.
Vài tuần trước, chúng tôi đã có bài viết về việc khách hàng mua iPhone "chính hãng" từ Lazada, nhưng lại nhận được hàng nhập khẩu từ Hong Kong (ZP/A). Ngày hôm nay, tôi sẽ chia sẻ với các bạn một câu chuyện tương tự, nhưng nhân vật chính không phải là một ai xa lạ, mà chính là tôi - người đang viết những dòng này cho các bạn.
Thời điểm mua sắm cuối năm đã đến, và những sản phẩm Apple, mà cụ thể ở đây là iPhone, vẫn luôn được người dùng ưa chuộng nhất. Tôi quyết định mua một chiếc iPhone 7 để dành tặng cho bố. Do cần sự đảm bảo tuyệt đối (vì mua cho bố), tôi đã quyết định mua máy chính hãng FPT tại một website thương mại điện tử nổi tiếng, và máy cũng được phân phối bởi một đại lý lớn trên đất Hà Thành.
Với những gì ghi rõ trên website "Hàng chính hãng FPT được phân phối rộng rãi tại thị trường Việt Nam bởi nhà phân phối chính thức của Apple là FPT Trading", "Bảo hành tại tất cả các FPT Shop trên toàn quốc", tôi chắc mẩm đây là hàng VN/A.
Chiếc máy được tôi chọn mua
Và sáng ngày hôm nay, 3/12/2016, chiếc máy đã được vận chuyển đến. Và tôi đã bị shock. Vẫn cái tem "Chính hãng FPT" 7 màu quen thuộc, nhưng lần này, máy lại có mã ZP/A (Hong Kong/Singapore), chứ không phải là VN/A như những gì tôi mong đợi.
Tem iPhone chính hãng ở góc trên bên phải hộp - một đặc điểm đặc trưng của hàng FPT
Chiếc máy của tôi thậm chí còn có đến 3 chiếc tem như vậy. OK biết hàng chính hãng rồi, khổ lắm nói mãi...
Nhưng khi lật mặt sau ra thì nó lại có mã ZP/A. Huh? Tôi có tin được vào mắt mình không đây?
Các thông số đằng sau được viết bằng tiếng Anh và tiếng Trung
Tem nhập khẩu của ICT. Một điểm đáng chú ý là tem này được dán lên seal, chứ không phải là dán lên hộp như hàng VN/A
Trong khi hàng VN/A (cũng do FPT Trading nhập khẩu) có đơn vị nhập khẩu là Công ty TNHH Apple Việt Nam, thì chiếc máy ZP/A "chính hãng FPT" này lại là Công ty TNHH Sản Phẩm Công Nghệ FPT
Giấy HDSD của chiếc máy này được viết bằng tiếng Anh/Trung, củ sạc cũng là dạng 3 chân của Singapore
Mở hộp iPhone 7 "chính hãng" FPT
Ngay lập tức, tôi đã liên hệ với nhà bán lẻ và được xác nhận chiếc máy này là do FPT Trading phân phối. Tuy nhiên, khi liên hệ với FPT Shop (chuỗi cửa hàng bán lẻ), đơn vị này xác nhận chiếc máy này sẽ không được bảo hành tại đây, khác với những gì đã ghi trên website. Thay vào đó, khách hàng sẽ phải liên hệ với FPT Trading.
Như những gì tôi đã nói ở bài viết trước về vụ việc với Lazada, về cơ bản không có sự khác biệt trong chất lượng hàng hóa giữa hàng ZP/A và VN/A, đặc biệt khi cả hai chiếc máy này đều có mã A1778 và sử dụng modem Intel. Tuy nhiên, người dùng hoàn toàn có thể sở hữu những chiếc máy như thế này dưới dạng hàng xách tay với giá rẻ hơn, trong khi vẫn được bảo hành 1 đổi 1 như bình thường tại các trung tâm của FPT Trading.
Điều này có lẽ cũng lý giải một phần cho động thái giảm giá iPhone 7 chính hãng còn 17 triệu mới đây của FPT Trading. Nhưng nếu như giảm giá bằng cách "tráo hàng" như thế này, thì cá nhân tôi, với tư cách của một khách hàng, cảm thấy rất thất vọng.
Phải chăng chính việc nhập hàng ZP/A thay cho VN/A đã khiến cho giá máy FPT giảm mạnh trong thời gian qua?
Đương nhiên, không thể nói FPT Trading sai vì hàng của nhà nhập khẩu này có đầy đủ pháp lý, đạt quy chuẩn của Nhà nước để được phép bán tại Việt Nam. Các đại lý phân phối cấp dưới cũng không sai khi họ chỉ nhập hàng từ FPT Trading. Nhà phân phối không sai, đại lý không sai, khách hàng thì ấm ức vì mua phải hàng không ưng ý. Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Sau vụ việc này và Lazada, chúng ta cần có một định nghĩa mới về "hàng chính hãng". Sự thật là "chính hãng" giờ đây đã trở thành một từ ngữ đa nghĩa, mà mỗi người lại có một cách hiểu khác nhau. Tôi cho rằng hàng chính hãng phải là dành cho thị trường bản địa, trong trường hợp này là VN/A. Còn bạn lại có thể cho rằng chỉ cần hàng do hãng trực tiếp sản xuất (tức là không phải hàng nhái) là đã có thể gọi là chính hãng. Chính sự mập mờ này đã gây hiểu nhầm giữa nhà phân phối, đại lý bán hàng và khách hàng.
Chúng ta hãy cùng điểm lại các loại hàng hóa đang được phân phối tại Việt Nam qua bảng sau.
Thiết nghĩ, các đại lý phân phối bán lẻ cũng như website thương mại điện tử cần có biện pháp để phân biệt rõ ràng các loại hàng với nhau, đặc biệt là các sản phẩm iPhone, trước tình cảnh thị trường rối ren như hiện nay. Việc này chỉ cần đơn giản qua việc ghi rõ mã máy (LL/A, ZP/A, VN/A) khi quảng cáo, cũng như giải thích lợi ích rõ bản chất của từng loại trước khi bán máy cho khách hàng. Chỉ cần thế thôi, tôi nghĩ cũng đã là đủ để khách hàng hiểu, và cũng là đủ để không còn một trường hợp hiểu nhầm đáng tiếc nào xảy ra như với tôi.
NỔI BẬT TRANG CHỦ
Vì sao các nữ phi hành gia phải uống thuốc tránh thai trước khi bước vào cuộc hành trình xa xôi trong không gian?
Việc các nữ phi hành gia sử dụng thuốc tránh thai trước khi thực hiện các nhiệm vụ không gian là một biện pháp nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn và hiệu suất làm việc của họ. Mặc dù có một số hạn chế, nhưng đây vẫn là một giải pháp được nhiều người lựa chọn trong điều kiện hiện tại.
Bị Mỹ cấm vận đủ đường, nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi vẫn hết lời khen ngợi: "Mỹ đã thiết lập một chuẩn mực trên toàn thế giới"